Sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc

09:09 - Thứ Hai, 12/03/2018 Lượt xem: 8931 In bài viết
ĐBP - Hòa chung với không khí ngày hội tòng quân trên cả nước, những thanh niên dân tộc Mông, Thái, Lào… trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông cũng sẵn sàng lên đường nhập ngũ.

Thượng tá Hà Thế Khánh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Ðợt tuyển quân năm nay toàn huyện có 80 công dân lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thành phần dân tộc gồm: 42 thanh niên dân tộc Mông, 23 thanh niên dân tộc Thái, 9 thanh niên dân tộc Khơ Mú, 2 thanh niên dân tộc Lào và 4 công dân người dân tộc Xinh Mun. Về chất lượng chính trị, học vấn, có 1 công dân đã tốt nghiệp Ðại học, 4 công dân có bằng Cao đẳng, 2 người đã tốt nghiệp Trung cấp, còn lại là những công dân đã tốt nghiệp cấp 2, cấp 3. Trong tổng số 80 công dân nhập ngũ đợt này có 1 đảng viên, nguyên là cán bộ phụ trách Văn phòng Ðảng ủy xã Tìa Dình đã viết đơn tình nguyện tham gia quân ngũ.

 

Thân nhân vui vẻ chia tay chiến sĩ mới lên đường nhập ngũ.

Về công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, chấp hành nghiêm các quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, các Chỉ thị, hướng dẫn của Quân khu và của tỉnh, Ban CHQS huyện đã tham mưu cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện chỉ đạo các đơn vị cơ sở thực hiện chế độ báo cáo, đăng ký, quản lý số công dân trong độ tuổi nhập ngũ; tổ chức công tác sơ, khám tuyển sức khỏe. Thực hiện chủ trương giao quân “tròn khâu”, Ban CHQS huyện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ đảm nhiệm công tác tuyển quân về phương pháp, cách thức tổ chức thâm nhập “3 gặp, 4 biết” (gặp công dân, gia đình, cấp ủy và chính quyền địa phương; biết về lý lịch gia đình, tình hình sức khỏe, văn hóa, đạo đức của công dân, hoàn cảnh gia đình và nguyện vọng của gia đình, công dân); huy động lực lượng đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở địa phương định hướng, động viên công dân sắp nhập ngũ.

Năm 2018, việc tuyển chọn gặp thuận lợi khi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn công dân trong độ tuổi nhập ngũ ở địa phương dồi dào (trên 1.200 công dân trong độ tuổi đủ điều kiện nhập ngũ), một số công dân đã tốt nghiệp Ðại học, Cao đẳng, là cán bộ, đảng viên cũng tình nguyện nhập ngũ. Tuy nhiên, với đặc thù vùng cao, nhận thức của người dân chưa đồng đều, một số phong tục tập quán còn gây cản trở, vướng mắc trong tư tưởng của công dân. Ðiển hình như trong số quân nhân nhập ngũ của huyện lần này, dù tuổi đời trung bình còn trẻ nhưng có gần 50% công dân đã lập gia đình, nhiều thanh niên vừa lấy vợ dịp trong Tết. Có trường hợp dù đã làm tốt công tác tư tưởng, gia đình và bản thân công dân đã sẵn sàng cho việc nhập ngũ nhưng riêng người vợ trẻ mới cưới nhất định không đồng ý, thậm chí dọa ăn lá ngón tự vẫn nếu chồng nhập ngũ. Ðể đả thông tư tưởng cho người vợ, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyển quân đã phối hợp với chính quyền cơ sở, gia đình và cả đơn vị tiếp nhận quân kiên trì thuyết phục. Cuối cùng, trước sự động viên, vận động có lý, có tình của các lực lượng, người vợ đã đồng ý để chồng thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Ghi nhận tại doanh trại Ban CHQS huyện Ðiện Biên Ðông 1 ngày trước Lễ giao - nhận quân năm 2018, toàn bộ công dân nhập ngũ có mặt đầy đủ, phấn khởi. Bộ quân phục mới tinh, ba lô người lính, chiếc mũ gắn sao vàng đã được những công dân trẻ hào hứng nhận từ cán bộ tuyển quân. Bạn bè, người nhà cũng có mặt, chụp ảnh ghi lại khoảnh khắc lần đầu tiên con em mình khoác màu áo xanh của bộ đội Cụ Hồ. Chia sẻ với chúng tôi, công dân Lò Văn Liêng, bản Sư Lư 2, xã Keo Lôm tâm sự: Em vừa làm đám cưới cách đây 1 ngày nhưng do đã được các cấp, ngành, cán bộ quân sự tận tình động viên nên 2 vợ chồng xác định tư tưởng rất rõ ràng. Vợ em có chút buồn vì sớm phải xa chồng nhưng hoàn toàn đồng ý để chồng lên đường thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Còn em thì rất an tâm vì đã xây dựng gia đình trước ngày lên đường.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top