Phòng chống đói, rét cho gia súc

Người dân chủ quan, chính quyền chưa sát

09:06 - Thứ Năm, 15/03/2018 Lượt xem: 9709 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, mỗi đợt rét đậm, rét hại, tỉnh ta lại có rất nhiều trâu, bò chết rét. Nhưng đa phần người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, không chủ động che chắn chuồng trại, chuẩn bị thức ăn cho gia súc. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng chưa sát sao trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền người dân thực hiện công tác phòng chống đói, rét cho gia súc. Hậu quả, qua 2 đợt rét đậm, rét hại từ đầu tháng 1 - 2/2018, toàn tỉnh có trên 2.308 con trâu, bò chết rét, thiệt hại kinh tế rất lớn đối với người dân.

Ðầu tháng 2/2018, chúng tôi cùng đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra tình hình thiệt hại về trâu, bò do rét đậm, rét hại và công tác phòng, chống đói rét cho gia súc tại 2 huyện: Ðiện Biên và Mường Ảng. Tại bản Xôm 1, xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên), phần lớn người dân chỉ che chắn chuồng trại tạm bợ. Một số hộ chỉ cắm 4 cọc tre, che bạt phía trên hoặc chỉ che bạt một phía... đều là những cách không bảo đảm giữ ấm cho gia súc; có hộ đốt lửa sưởi ấm cho đàn trâu, bò không đúng cách, dẫn đến nguy cơ ngạt khí cho đàn gia súc.

 

Gia đình ông Lò Văn Ơn, bản Xôm 1, xã Nà Tấu che bạt, giữ ấm cho trâu bò.

Ðoàn công tác tới thăm gia đình ông Lò Văn Ơn, bản Xôm 1 (xã Nà Tấu) khi gia đình đang gia cố, che chắn lại chuồng trại giữ ấm cho đàn gia súc trước đợt không khí lạnh thứ 2 tràn về. Theo quan sát, mặc dù chuồng gia súc đã được quây bạt 4 phía nhưng diện tích che chắn quá rộng, gió vẫn lùa vào chuồng. Ông Lò Văn Ơn cho biết: Gia đình tôi có 5 con trâu, bò. Từ đợt rét đậm, rét hại tháng 1/2018, gia đình tôi đã dắt trâu, bò về nuôi nhốt tại chuồng, che chắn chuồng trại, chuẩn bị rơm khô, chuối, cắt cỏ về cho trâu, bò ăn. Ðợi đến khi thời tiết nắng ấm trở lại mới tiếp tục chăn thả trên rừng. Gia đình tôi đã chuẩn bị bạt, chăn đệm, quần áo để giữ ấm cho trâu, bò còn về quy trình, kỹ thuật che chắn chuồng trại, phòng chống đói, rét trâu bò chúng tôi chưa nắm được và cũng chưa được cán bộ xã tập huấn, hướng dẫn.

Tương tự, tại bản Hồng Líu và một số bản thuộc xã Nà Nhạn, 90% hộ được kiểm tra đều đã che chắn nhưng chỉ gọi là che cho có nên hiệu quả không cao. Các hộ dân chưa quan tâm đến công tác vệ sinh chuồng trại, đàn gia súc nuôi nhốt nhiều ngày, chuồng trại bẩn, ẩm ướt tăng nguy cơ mắc các bệnh như: cước chân, lở mồm long móng, tụ huyết trùng… Cùng với đó, công tác chuẩn bị, dự trữ thức ăn tuy đã có ý thức nhưng lượng thức ăn không đủ, không đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc qua mùa giá rét. Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên cho biết: Qua 2 đợt rét đầu năm 2018, huyện Ðiện Biên có 192 con trâu, bò bị chết rét (82 con trâu; 24 con bò; 72 con nghé và 14 con bê). Trong đó: Ðợt rét thứ nhất làm chết 148 con; đợt 2 chết 44 con. Chủ yếu tập trung ở 4 xã vùng ngoài: Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng và Pá Khoang, chiếm 75% số trâu bò chết toàn huyện. Mặc dù, đầu mùa rét, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Ðiện Biên đã triển khai thực hiện đến từng xã, bản về công tác phòng chống đói, rét cho gia súc. Tuy nhiên, do tâm lý chủ quan và sự thiếu sâu sát của chính quyền xã dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao, gây thiệt hại lớn.

Năm nay, Mường Ảng là huyện có số lượng trâu, bò chết rét lớn nhất tỉnh. Theo báo cáo của UBND huyện Mường Ảng, toàn huyện có 303 con gia súc bị chết rét. Trong đó: 36 con trâu, 110 con nghé, 34 con bò; 50 con bê, 4 con dê, 6 con lợn. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Số lượng trâu, bò chết chủ yếu là những con đã già và con non mới sinh. Nguyên nhân được xác định do người dân chưa chủ động thực hiện các biện pháp che chắn chuồng trại, đốt lửa giữ ấm cho gia súc, lượng thức ăn chuẩn bị cho gia súc trong quá trình nuôi nhốt còn ít. Thời tiết khắc nghiệt, lượng dinh dưỡng cung cấp không đủ nên những con gia súc già yếu, con non bị chết vì đói, vì rét. Từ đầu mùa rét đến nay, công tác chỉ đạo phòng chống đói rét, huyện Mường Ảng được chỉ đạo rất sát sao, nghiêm túc, UBND huyện đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn gửi đến UBND các xã, thị trấn trên địa bàn. Mùa rét năm 2016 - 2017, huyện đã trích kinh phí hơn 500 triệu đồng từ ngân sách để hỗ trợ mỗi hộ chăn nuôi gia súc 32m2 bạt để che chắn chuồng trại. Tuy nhiên, qua kiểm tra phần lớn số bạt trên đã không còn, hoặc không dùng để che chắn chuồng trại. Công tác kiểm tra, đôn đốc của chính quyền cấp xã còn kém, dẫn đến hiệu quả chương trình hỗ trợ không cao.

Xã Mường Lạn (huyện Mường Ảng) có 55 con trâu bò chết do đói, rét. Mặc dù, từ đầu mùa rét UBND xã đã chỉ đạo các bản khuyến cáo người dân thực hiện công tác phòng chống đói, rét. Người dân đã có ý thức che chắn chuồng, trại, chuẩn bị thức ăn dự trữ cho trâu, bò. Tuy nhiên, số lượng trâu bò bị chết vẫn rất lớn. Theo lý giải của ông Lò Văn Sớn, Chủ tịch UBND xã Mường Lạn thì nguyên nhân gia súc chết nhiều là do người dân chăm sóc không đúng quy trình. Khi thời tiết nắng ấm thì lấy thức ăn dự trữ cho trâu, bò ăn đến khi thời tiết băng giá dùng hết thức ăn dự trữ nên trâu, bò chết đói; trâu mẹ không đủ dinh dưỡng nghé con không đủ sữa nên bị chết. Tuy nhiên, ông Sớn cũng thừa nhận, chính quyền xã chưa thực sự sát sao, cán bộ thú y xã được giao nhiệm vụ trực tiếp đôn đốc người dân mới dừng lại ở mức tuyên truyền suông, chưa trực tiếp hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” để người dân nắm được quy trình, kỹ thuật trong công tác phòng chống đói, rét gia súc.

Ông Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, so với những năm trước thì năm nay người dân đã ý thức hơn trong công tác phòng chống đói, rét cho gia súc. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chưa đúng quy trình, hiệu quả chưa cao. Tâm lý chủ quan vẫn còn ở một số hộ, chưa xem trọng giá trị của gia súc đối với kinh tế gia đình. Cùng với đó, chính quyền cấp huyện, xã đã thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Sở nhưng chỉ mới dừng lại ở mức khuyến cáo, chưa thường xuyên giám sát, đốc đốc và triển khai các giải pháp mang tính chất bắt buộc. Dự báo thời gian tới, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống đói rét cho gia súc. Bên cạnh đó, Sở xây dựng các chương trình tập huấn quy trình, kỹ thuật che chắn chuồng trại, chuẩn bị thức ăn cho gia súc trong mùa rét triển khai đến các huyện và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để truyền đạt đến người dân. Từ đó, hạn chế tối đa thiệt hại gia súc bị chết đói, chết rét do thời tiết băng giá.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top