Khó giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường

09:08 - Thứ Năm, 15/03/2018 Lượt xem: 8865 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất chế biến đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường ở những mức độ khác nhau. Ví như: Các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê ở huyện Mường Ảng; các cơ sở chế biến dong riềng ở xã Nà Tấu, Nhà máy Chế biến sắn ở xã Hẹ Muông (huyện Ðiện Biên)... Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại các cơ sở này không đơn giản. Tại huyện Mường Ảng có hàng chục cơ sở chế biến cà phê. Tất cả các cơ sở này đều không đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Trong đó, cơ sở chế biến có công suất lớn nhất (khoảng 100 tấn/ngày) là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc tại bản Pá Cha, xã Ẳng Tở. Về những sai phạm nghiêm trọng của Công ty trong lĩnh vực môi trường, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) và UBND huyện Mường Ảng đã nhiều lần lập biên bản xử phạt, nhắc nhở nhưng vẫn phải để tồn tại. Ðối với các cơ sở chế biến cà phê khác thì chủ yếu chỉ dừng lại ở nhắc nhở...


Người dân xã Núa Ngam vớt cá chết, nổi trên mặt nước do chất thải của nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty Cổ phần tinh bột Hồng Diệp - Ðiện Biên bị vỡ tràn ra suối vào tháng 1/2018.

Giải thích về việc này, một cán bộ huyện (xin được giấu tên) cho biết: Cái khó của chính quyền là nếu xử lý nghiêm theo đúng quy định thì phải yêu cầu đóng cửa cơ sở chế biến. Tuy nhiên điều đó lại ảnh hưởng đến đầu ra cho hàng ngàn héc ta cà phê khi mà đầu mối tiêu thụ sản phẩm chủ yếu lại chỉ phụ thuộc vào 2 doanh nghiệp, trong đó có Công ty Việt Bắc. Tương tự như vậy, đối với các cơ sở chế biến dong riềng và chế biến sắn ở huyện Ðiện Biên, nếu yêu cầu dừng sản xuất thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm hộ dân. Ðó chính là những bất cập khi các nhà quản lý quy hoạch, định hướng phát triển cây trồng mà không tính đến bảo đảm tính ổn định “đầu ra” cho sản phẩm và vấn đề môi trường.

Trao đổi với một số chủ doanh nghiệp có cơ sở chế biến nông sản, chúng tôi được biết, vấn đề khó nhất đối với một cơ sở sản xuất, chế biến, ngoài mặt bằng, giao thông, thì nguồn điện và nguồn nước cũng vô cùng quan trọng. Thiết nghĩ, nếu mỗi vùng nguyên liệu được chính quyền quy hoạch một khu vực chế biến tập trung với đầy đủ các điều kiện cần thiết và cho doanh nghiệp thuê lại thì sẽ thuận lợi hơn trong công tác quản lý và kiểm soát mức độ vi phạm môi trường trong quá trình hoạt động. Hoặc cao hơn nữa là toàn tỉnh quy hoạch một khu công nghiệp có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy thì công cuộc phát triển kinh tế sẽ mang tính ổn định, lâu dài. Nếu vẫn để tình trạng như hiện nay tiếp diễn, e rằng cái giá phải đánh đổi là quá đắt.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top