Ðể thực phẩm thực sự an toàn

09:14 - Thứ Năm, 15/03/2018 Lượt xem: 9781 In bài viết
ĐBP - Ðảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề “nóng” được chính quyền và người dân quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế đây là vấn đề còn rất nhiều hạn chế, nhất là “khâu” quản lý sản xuất, chế biến thực phẩm nông - lâm - thủy sản. Và nếu thiếu sự cộng đồng trách nhiệm giữa các ngành chức năng và ý thức từ chính người sản xuất thì cộng đồng vẫn chưa được hưởng thụ nguồn thực phẩm an toàn theo đúng nghĩa...

 

Rau xanh bày bán tại các chợ trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ là một trong số những nông sản khó truy xuất nguồn gốc hiện nay.

Lâu nay sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là tập hợp những “mắt xích” được kết nối với nhau tạo thành chuỗi rất đa dạng và phức tạp mà thường được gọi là từ “đồng ruộng đến bàn ăn”. Khi một mắt xích nào đó trong chuỗi không an toàn thì sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng cũng sẽ không bảo đảm an toàn. Ðơn cử, rau, củ, quả bị nhiễm thuốc trừ sâu, nhiễm kim loại nặng; gia súc, gia cầm được nuôi bằng những chất kích thích tăng trọng, vỗ béo độc hại thì dù có được chế biến bằng quy trình gì đi chăng nữa cũng không ai dám khẳng định thực phẩm cuối cùng này khi đến tay người tiêu dùng có thể đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Như vậy để thấy, việc kiểm soát chặt chẽ khâu “đầu vào” có vai trò cực kỳ quan trọng để có được thực phẩm “đầu ra” an toàn. Nhận thức được tầm quan trọng đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức ATTP, các quy định của pháp luật trong sản xuất kinh doanh, sơ chế, chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phổ biến, hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và sử dụng sản phẩm an toàn có xác nhận. Tập huấn và xác nhận kiến thức về ATTP cho các chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản. Duy trì, phát triển và thường xuyên kiểm tra các chuỗi sản phẩm nông - lâm - thủy sản hiện có… Tới nay toàn tỉnh đã có 1.225 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; hàng chục chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được cấp xác nhận với các sản phẩm: rau, củ, quả tươi; quả óc chó, thủy sản, gạo Tám thơm… Riêng trong năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản đã tập huấn nâng cao năng lực cho 4.425 nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và quy định thời gian cách ly trước khi thu hoạch; Luật ATTP, Luật Bảo vệ và Kinh doanh thực phẩm; sản xuất rau an toàn theo hướng GAP cơ bản. Tuy nhiên, trên thực tế mức độ người dân hiểu và thực hiện đúng quy định về ATTP còn hạn chế. Minh chứng cho điều đó là qua kiểm tra tại các cơ sở trồng lúa, rau, củ, quả của 306 hộ nông dân trong năm 2017 có tới 111 hộ sử dụng thuốc không tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”. Cụ thể, có 42 hộ sử dụng thuốc không đúng nồng độ, liều lượng; 17 hộ sử dụng thuốc không đảm bảo thời gian cách ly; 32 hộ sử dụng thuốc không đúng thời điểm phòng trừ và 20 hộ sử dụng không đúng thuốc. Con số “biết nói” này phần nào đã lý giải được nguyên do ATTP luôn là vấn đề “nóng”, được người tiêu dùng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thực tế đó mới chỉ là kiểm tra ở “khâu” sản xuất trên đồng ruộng mà chưa kể đến hàng loạt các “khâu” không ít “vấn đề” tiếp sau: bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm… Trong khi đó, người dân hầu như không có khả năng nhận biết đâu là thực phẩm an toàn mà chỉ lựa chọn theo “cảm tính”. Ví như, mua rau ngoài chợ thì tránh xa loại xanh mướt, lướt lá để tìm rau cằn hơn một chút; thậm chí có một vài con sâu càng tốt để thể hiện cho việc… rau an toàn! Còn nhiều loại thực phẩm hiện chưa được cấp xác nhận an toàn thì việc lựa chọn vẫn chỉ là kiểu lựa chọn theo kinh nghiệm hoặc “tù mù”, “may hơn khôn”.

Trước thực tế đó, cùng với việc đẩy mạnh việc cấp xác nhận đủ điều kiện cho mặt hàng nông - lâm - thủy sản cho các cơ sở sản xuất; phát triển và nhân rộng chuỗi cung cấp sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn cả về chủng loại và số lượng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng “khâu” kiểm tra, giám sát sản phẩm trước khi đưa ra thị trường; đánh giá, cảnh báo nguy cơ và truy xuất, xử lý các trường hợp vi phạm. Trọng tâm, trọng điểm giám sát là chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả; dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm trong chăn nuôi; chất bảo quản sản phẩm nông - lâm - thủy sản không có trong danh mục được phép sử dụng. Thêm vào đó, việc tăng cường kết nối, đưa các sản phẩm an toàn vào hệ thống phân phối, như: chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng, bếp ăn tập thể… của các ngành liên quan sẽ tạo điều kiện để thêm nhiều người dân được tiếp cận được với nguồn thực phẩm an toàn.

Bài, ảnh: Minh Thuỳ
Bình luận
Back To Top