An toàn vận tải đường thủy ở Tủa Chùa

Không thể xem nhẹ!

09:11 - Thứ Năm, 22/03/2018 Lượt xem: 10041 In bài viết
ĐBP - Theo Quyết định số 449/QÐ-UBND, ngày 19/6/2014 của UBND tỉnh về phê duyệt Ðề án Quy hoạch chi tiết cơ sở hạ tầng đường thủy nội địa tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, toàn huyện Tủa Chùa có trên 50km đường thủy nội địa; 4 bến theo quy hoạch gồm: Cáng Chua (Sín Chải), Pê Răng Ky, Huổi Só (Huổi Só), Pắc Na (Tủa Thàng) và 1 cảng đường sông Huổi Lóng (Huổi Só). Tuy các bến, cảng theo quy hoạch chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, song sự hình thành và phát triển của phương tiện vận tải đường thủy nội địa hiện nay khá sôi động, trong khi ý thức của người dân và các điều kiện đảm bảo an toàn vận tải đường thủy lại chưa theo kịp là một trong những bất cập không thể xem nhẹ!

 

Người dân thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só sử dụng thuyền máy lưu thông trên lòng hồ song không ai mặc phao cứu sinh.

Là 1 trong 3 xã có đường sông của huyện Tủa Chùa, Huổi Só có 5/9 bản nằm dọc sông Ðà, gồm: Thôn 1, 2, Pê Răng Ky, Huổi Ca, Huổi Lóng. Các bản này thuộc diện di vén tái định cư Thủy điện Sơn La. Từ khi tích nước lòng hồ sông Ðà, nhiều người dân ở đây đã mua sắm xuồng máy để đánh cá, chở người và hàng hóa tăng thu nhập cho gia đình. Hoạt động vận tải đường thủy cũng bắt đầu diễn ra tấp nập từ đây. Ðặc biệt, vào những ngày có chợ phiên tại thôn Huổi Lóng, người dân các xã lân cận của huyện Tủa Chùa và huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) cũng qua lại khu vực này khá nhiều để trao đổi, mua bán hàng hóa. Ðó là những tín hiệu đáng mừng, giúp người dân có điều kiện giao thương, buôn bán, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Tuy nhiên, một trong số ít những điều cần được quan tâm ở đây là nhận thức và ý thức về an toàn giao thông đường thủy nội địa của người dân chưa cao. Mặc dù, đã được cơ quan chức năng tập huấn và trang bị phao cứu hộ, song cũng giống như những chiếc thuyền được sản xuất tự phát, họ tham gia giao thông trên sông nước cũng theo kiểu “tự phát”. Hầu hết thuyền, bè hoạt động trên lòng hồ đều không chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy, người ngồi trên thuyền không sử dụng các thiết bị bảo hộ, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng.

Gia đình anh Phàn A Hy, thôn 1, xã Huổi Lóng là một trong số những hộ hoạt động đánh bắt cá trên lòng hồ từ nhiều năm nay. Trong câu chuyện với anh, chúng tôi được biết, trước đây khi nước sông Ðà chưa dâng, đoạn sông này chỉ là một dòng suối nhỏ chảy qua, và anh cũng chỉ túc tắc bắt cá bằng lưới thô sơ để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Thế nhưng từ khi nước ngập, tôm cá theo dòng về nhiều nên hoạt động đánh bắt ở đây trở nên nhộn nhịp. Năm 2011, anh cùng 6 hộ dân trong thôn chung nhau góp hơn 10 triệu đồng làm vó bè, mua lưới đánh bắt cá. Sau một thời gian, anh tích đủ tiền để đóng cho mình một chiếc xuồng riêng tự hoạt động. Ngoài thời gian đánh bắt cá, thuyền cũng được anh sử dụng để qua lại sản xuất và chở nông sản canh tác từ phía bên kia bờ về. Gần 7 năm lênh đênh trên chiếc xuồng dọc sông Ðà, song anh Hy cũng thú nhận là bản thân chưa có bất cứ chứng chỉ hay chứng nhận chuyên môn nào. Còn về chiếc xuồng đang hoạt động, vì không có tiền nên anh cũng “chưa dám đi đăng ký”!

Ðây không phải là câu chuyện riêng của gia đình anh Hy, thống kê hiện toàn huyện Tủa Chùa có gần 200 thuyền, bè các loại đang hoạt động trên sông, thì chỉ có 19 thuyền đã được đăng ký, đăng kiểm. Số còn lại, vì nhiều lý do, như: được đóng tự phát, không đúng kích thước, chủng loại theo quy định; các chủ thuyền thuộc hộ nghèo, không đủ điều kiện kinh tế… nên chưa thể làm đăng ký, đăng kiểm. Số thuyền, bè nhiều, hoạt động thường xuyên, song toàn huyện cũng mới chỉ có 50 dụng cụ nổi, phao cứu sinh, và toàn bộ là được cấp. Ðiều đáng nói, cũng tại thống kê này cho thấy 100% người điều khiển thuyền chưa có chứng nhận khả năng chuyên môn, cũng như chứng chỉ chuyên môn. Vậy với những chiếc xuồng không đúng tiêu chuẩn, người lái chưa hiểu về luật, thông tin và chưa trang bị đầy đủ dụng cụ an toàn, thì lấy gì để đảm bảo khi có sự cố xảy ra họ sẽ được an toàn?

Tất cả những “bất cập” này hiện nay địa phương đều đã nhìn thấy. Ngoài những giải pháp mà huyện xác định trong thời gian tới là sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát để loại bỏ các phương tiện kém chất lượng, xử lý vi phạm… Theo ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, để phát huy năng lực vận tải đường thủy nội địa, nhất là công tác đảm bảo an toàn giao thông cần sự quan tâm hơn nữa từ các cấp. Nhất là trong việc xem xét có chính sách hỗ trợ việc đăng ký, đăng kiểm cho các hộ có tàu, thuyền; mở lớp học thi cấp chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn để thuận tiện cho các chủ tàu, thuyền được học, nắm bắt các quy định về Luật Giao thông đường thủy. Về hạ tầng, cần sớm đầu tư xây dựng hệ thống báo hiệu đường thủy nhằm đảm bảo an toàn và thuận tiện cho các phương tiện vận tải thủy đi lại.

Rời Tủa Chùa khi mặt trời ngả bóng, ấy cũng là lúc các bến sông bắt đầu nhộn nhịp với hoạt động mưu sinh. Hàng chục chiếc xuồng nằm gối bãi, dập dềnh theo sóng nước; một số xuồng khác chở ngô, thóc cũng vừa cập bến. Phía xa mạn bờ bên kia là những chiếc xuồng còn mới màu sơn, hối hả nối đuôi nhau chở hàng xuôi về phía Sín Chải (Tủa Chùa), Nậm Mạ (Lai Châu), tiếng máy nổ giòn vang, vọng đều vào vách núi. Phía trên bờ, mọi người tất bật với công việc của mình. Ðàn ông, thanh niên trai tráng mang “mồi” ra vó bè chuẩn bị cho một đêm đánh bắt thủy sản. Ðàn bà, con gái thì cặm cụi với việc vá lưới, hay phụ chồng thả câu. Cuộc sống với mênh mông sông nước cứ thế hối hả trôi qua, và có lẽ dường như người ta đã quên đi câu chuyện đau lòng của hơn 5 năm về trước, khi mà chỉ vì một sơ suất nhỏ đã khiến chiếc xuồng chở 4 người đi lấy củi bị đắm. 3 trong số đó (gồm: Lý Thị Lành, Lý Thị Lìa và Giàng Thị Si, đều có hộ khẩu thường trú tại bản Hồng Ngài, xã Huổi Só) đã phải “đánh đổi” cả tính mạng của mình vì mưu sinh. Ðiều đáng tiếc là chẳng ai trong số họ có trang bị dụng cụ cứu sinh trên người. Còn người lái xuồng thì chỉ có bằng “kinh nghiệm”, mà chưa có bất cứ chứng nhận, hay chứng chỉ chuyên môn nào. Bài học ấy, cho đến nay chẳng biết có còn giá trị, hay đã dần đi vào quên lãng? Chỉ biết, mỗi ngày trôi qua, vì cuộc sống mưu sinh người dân nơi đây vẫn chấp nhận “đánh cược” với số phận theo mỗi mùa nước lên xuống…

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top