Tạo thêm nhiều cái kết có hậu cho các án phạt

09:00 - Thứ Năm, 29/03/2018 Lượt xem: 9658 In bài viết
ĐBP - Năm 2011, anh Giàng A Tùng ở bản Hẹ 2, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) vi phạm pháp luật, bị đưa ra tòa án xét xử và lĩnh bản án 7 năm tù giam. Sau những bồng bột của tuổi trẻ phải trả giá bằng án tù, Tùng đã sớm tỉnh ngộ. Trong trại giam, với sự giáo dục, động viên của cán bộ quản giáo, Tùng tích cực phấn đấu cải tạo. 

Năm 2015 anh được tha tù trước thời hạn. Những ngày đầu trở về tái hòa nhập cộng đồng thực sự khó khăn đối với Giàng A Tùng. Mặc cảm tội lỗi như một đám sương mù bao phủ quanh Tùng, anh sống khép mình, lặng lẽ như một cái bóng. Cho dù bà con dân bản ở quê hương Xá Nhè đều là người thân thiện, cởi mở song Tùng cũng không giao tiếp với ai, anh tự thu mình vào trong cái kén tự ti, mặc cảm do chính bản thân tạo ra. Biết được chuyện của anh Tùng, ông Giàng A Páo, trưởng dòng họ Giàng ở Xá Nhè và Mường Ðun - một trong những “dòng họ bình yên” trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã trực tiếp đến thăm hỏi, trò chuyện với Tùng. Sau trưởng họ, các thành viên trong dòng họ Giàng cũng thường xuyên đến động viên Tùng. Ðám mù mặc cảm tan dần, Tùng từng bước hòa nhập với cuộc sống. Anh được vay vốn từ “Quỹ hoàn lương” cùng sự hỗ trợ, động viên chia sẻ của người thân, bà con dân bản. Từ số vốn ấy, anh đầu tư mua trâu, dê, cá giống... phát triển kinh tế gia đình.

 

Thành viên dòng họ Giàng, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) thăm hỏi, động viên anh Giàng A Tùng (thứ 3 từ phải sang) phấn đấu lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: Trường Long

Câu chuyện của anh Nguyễn Mạnh Hà, thôn C9c, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) là một điển hình khác. Hơn chục năm trước, anh Hà theo bạn bè rủ rê sa vào con đường nghiện ma túy. Sau đó, Hà bán lẻ ma túy để kiếm lời và “chủ động” thuốc sử dụng. Hà bị bắt và bị xử án tù 2 năm khi tuổi đã ngoại tứ tuần. Chấp hành xong án phạt tù, anh trở về địa phương với bao khó khăn khi đã qua nửa đời người - lứa tuổi mà nhiều người đồng trang lứa đã có cuộc sống gia đình ổn định, thành đạt. Nhưng khó không có nghĩa là không thể! Anh Hà quyết tâm vượt qua mặc cảm tội lỗi, quyết tâm phấn đấu làm người tốt. Anh chăm chỉ làm việc nhà, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Ông Phạm Hải Dương, Trưởng công an xã Thanh Xương nhận xét: “Anh Hà là tấm gương điển hình của người chấp hành xong án phạt tù trở về hòa nhập tốt với cộng đồng. Với sự chia sẻ, động viên của chính quyền cơ sở, gia đình, anh Hà nhiệt tình, tích cực tham gia lao động sản xuất và các hoạt động phong trào nên ngày càng được bà con lối xóm tin tưởng. Anh được tham gia ban công tác mặt trận thôn C9c một thời gian và từ năm 2015 đến nay, anh Hà được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn C9c.”

Giàng A Tùng, Nguyễn Mạnh Hà chỉ là hai trong nhiều trường hợp điển hình trong tái hòa nhập với cộng đồng. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về cộng đồng đã hoàn lương, có việc làm ổn định và đóng góp tích cực cho địa phương. Cải tạo, giáo dục một người lầm lỗi trở thành lương thiện là cả một quá trình khó khăn, tốn nhiều thời gian, công sức. Nhưng giúp người sau cải tạo không tái phạm tội lỗi còn khó khăn gấp nhiều lần. Xác định rõ điều đó, thời gian qua chính quyền các cấp, các ngành chức năng đã quan tâm thực hiện nhiều biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Lực lượng công an phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chủ động nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng trường hợp để có biện pháp quản lý, giáo dục, hỗ trợ hiệu quả nhất. Ðặc biệt, thực hiện Nghị định 80/2011/NÐ-CP, ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù giai đoạn 2011 - 2017, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, mang lại lòng tin cho nhân dân nói chung và những người đặc xá, tha tù trở về địa phương nói riêng.

Giai đoạn 2011 - 2017, toàn tỉnh tiếp nhận quản lý, giáo dục trên 2.000 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Qua khảo sát cho thấy, nhiều người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có nhu cầu cần sự hỗ trợ tìm việc làm. Việc tái hòa nhập cộng đồng thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc người chấp hành xong án phạt tù có việc làm hay không. Vì vậy, cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội thì sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc dạy nghề và tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc cũng có vai trò quan trọng. Sự trợ giúp của cộng đồng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương vượt qua những khó khăn về tinh thần, nhất là sự mặc cảm, tự ti để vươn lên ổn định cuộc sống.

Cùng với các “dòng họ bình yên” đã phát huy vai trò giáo dục, động viên, tạo điều kiện cho con cháu trong họ sau khi chấp hành xong án phạt tù thì một trong những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực là “Quỹ hoàn lương” tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, “Quỹ hoàn lương” đã cho 17 người chấp hành xong án phạt tù vay tổng số 320 triệu đồng phát triển sản xuất, tạo việc làm. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đa số người được vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, bước đầu góp phần ổng định đời sống, tạo điều kiện hoà nhập cộng đồng tốt hơn. Trong đó nhiều trường hợp sản xuất kinh doanh thành công như: Anh Ðặng Công Khanh, ở thị trấn Tủa Chùa có cuộc sống ổn định với nghề làm khung cửa nhôm, kính; Ðỗ Trọng Dự, Quàng Văn Phúc, Ðỗ Quang Sự ở xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) thành công với mô hình kinh tế VAC đem lại thu nhập trên 80 triệu đồng/năm...

Theo đánh giá của Ðại tá Lò Văn Khụt, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Triển khai thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ quy định các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh, cơ bản đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những giải pháp, mô hình phù hợp với đặc thù từng địa bàn, từng đối tượng. Ðã có sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa lực lượng công an và chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể nên công tác quản lý hiệu quả hơn. Ðồng thời giúp người dân hiểu, chia sẻ và cùng động viên giúp đỡ những người một thời lầm lỗi sớm hòa nhập cộng đồng. Các cấp, ngành đã quan tâm thực hiện tốt mọi chế độ, chính sách, bảo đảm cho người chấp hành xong án phạt tù thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, phần lớn người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có ý thức chấp hành pháp luật, vượt qua rào cản mặc cảm về quá khứ lầm lỗi. Ðặc biệt là tỷ lệ tái phạm rất thấp và giảm qua từng năm: Năm 2012 tỷ lệ tái phạm, vi phạm pháp luật là 3,3%, đến năm 2017 giảm còn 1%.

Tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù có ý nghĩa chính trị, pháp lý và tính nhân văn sâu sắc. Các cấp, ngành và cộng đồng xã hội cần chung tay quản lý, giáo dục, hỗ trợ vật chất và tinh thần tạo động lực cho họ hối lỗi, phấn đấu rèn luyện trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Kết quả công tác này sẽ góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top