Hiến máu cứu người - Nghĩa cử từ tâm

08:39 - Thứ Sáu, 06/04/2018 Lượt xem: 10014 In bài viết
ĐBP - Hiến máu tình nguyện (HMTN) là nghĩa cử cao đẹp. Tại tỉnh Ðiện Biên, công tác vận động HMTN đã trở thành phong trào được hưởng ứng rộng rãi trong cộng đồng, góp phần huy động nguồn máu lớn kịp thời phục vụ cứu chữa bệnh nhân. Song để đáp ứng yêu cầu thực tế, vẫn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng...

Những năm gần đây lượng người tham gia HMTN, lượng máu tiếp nhận được qua từng năm luôn tăng, cung cấp lượng lớn máu phục vụ cứu chữa bệnh nhân. Ðặc biệt, năm 2017, số đăng ký HMTN toàn tỉnh là 5.182 người, tiếp nhận được 4.258 đơn vị máu; tỷ lệ người hiến máu nhắc lại trên 50%, đạt chỉ tiêu 125%. Ðây là thành tích rất đáng ghi nhận và có được là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Ðảng, chính quyền, sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể các cấp. Ðối tượng tham gia HMTN cũng đã được mở rộng hơn, không chỉ tập trung vào thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động nữa mà đã huy động được nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn tham gia. Có những chương trình HMTN, bà con vượt hàng chục cây số về trung tâm huyện để hiến máu; quần áo lấm lem bụi đường nhưng khuôn mặt rạng ngời vui vẻ. Ðiều này cho thấy công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi suy nghĩ, hành động của người dân đã mang lại hiệu quả. 

 

Cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện trong “Lễ hội xuân hồng” 2017, tổ chức tại Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh. Ảnh: C.T.V

Bà Nguyễn Thị Dân, Phó Chủ tịch Hội Chữ đỏ tỉnh, cho biết: Kết quả của công tác vận động HMTN những năm qua là rất đáng ghi nhận. Ðã có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu góp sức làm nên thành công ấy. Nhất là trong điều kiện thực tế, công tác tuyên truyền, vận động HMTN của tỉnh ta gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền vận động còn sơ sài; cơ sở vật chất phục vụ công tác tiếp nhận, bảo quản máu hiến cũng còn hạn chế. Trong khi Ðiện Biên luôn là tỉnh phải đáp ứng chỉ tiêu vận động HMTN cao gấp nhiều lần các tỉnh lân cận (Sơn La, Lai Châu...). Nguyên nhân là vì các tỉnh bạn giao thông thuận tiện hơn, nên phần lớn bệnh nhân về tuyến Trung ương điều trị; còn ở Ðiện Biên gần như cần tiếp máu thì phải điều trị tại chỗ. Thực tế này đòi hỏi chỉ tiêu vận động hàng năm của tỉnh, các huyện phải nhiều hơn mới đáp ứng được nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân; những người làm công tác vận động HMTN phải nỗ lực nhiều hơn. Và để được khen thưởng, ghi nhận ở các cấp (kể cả Ban Chỉ đạo vận động tỉnh) cũng phải cao hơn, vì căn cứ vào tỷ lệ vận động vượt nhu cầu tại địa bàn...

Các y, bác sĩ, kỹ thuật viên, người làm công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở... là những người góp phần quan trọng vào thành công trong công tác vận động HMTN. Song họ chỉ lặng lẽ làm phần việc của mình, khi cần họ cũng là người hiến máu. Bà Dân chia sẻ: Có y, bác sĩ, kỹ thuật viên trong những tình huống khẩn cấp sẵn sàng để đồng nghiệp lấy máu mình cứu chữa bệnh nhân. Các chương trình HMTN tại huyện xa (Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa), các bộ phận khác hoàn thành chương trình có thể nán lại chuyện trò, thăm thân hay ăn một bữa cơm thong thả; nhưng cán bộ ở Trung tâm Huyết học  - Truyền máu tỉnh thì phải thật nhanh, thật vội lên xe về tỉnh để đảm bảo máu hiến an toàn, tốt nhất...

 

Kiểm tra sức khỏe trước khi hiến máu tình nguyện tại Chương trình “Trái tim khỏe mạnh - Hiến máu cứu người” huyện Ðiện Biên. Ảnh: Đình Chiến

Phải khẳng định, công tác vận động HMTN tỉnh ta đã đạt kết quả rất đáng ghi nhận: Số lượng máu tiếp nhận, số người tham gia HMTN luôn tăng và vượt chỉ tiêu; đối tượng tham gia ngày càng nhiều hơn; có nhiều tập thể cá nhân tiêu biểu; xây dựng và duy trì được nhiều mô hình, câu lạc bộ về HMTN hiệu quả trong điều kiện thực tế tỉnh ta còn nhiều khó khăn... Dẫu vậy, cũng còn những tập thể, cá nhân chưa thực sự quan tâm và hiểu đúng về vai trò, chức năng, ý nghĩa của hành động HMTN. Vẫn có cán bộ, công chức khi được vận động HMTN trả lời cho qua “Máu già rồi, ai thèm lấy làm gì”. Cũng trường hợp là cán bộ công chức nhưng chưa hiểu kỹ, hiểu đúng về hiến máu nên lo lắng rằng cho máu càng nhiều thì càng béo, hoặc làm việc vất vả thì cho máu không tốt... Trong khi, thực tế, biểu hiện hơi mệt mỏi, buồn ngủ, thèm ăn chỉ xuất hiện sau hiến vài ba ngày. Ðây là thời điểm người cho máu cần tăng cường dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe kịp thời khi cơ thể chưa kịp tái tạo máu mới. Sau giai đoạn này, nếu người hiến máu có chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp thì không lo tăng cân...

Sẽ là thừa nếu chúng tôi lại một lần nữa nhắc lại cùng bạn đọc những con số về HMTN những năm qua. Ðiều chúng tôi muốn nói là HMTN mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Và thực tế là không phải tất cả mọi người đều có thể cho máu, vì nó còn phải đảm bảo yêu cầu về sức khỏe của người cho, độ tuổi, đặc thù công việc... Song ai cũng có thể tham gia vào hành động cao đẹp này bằng việc tìm hiểu cụ thể về HMTN, tham gia vào việc tuyên truyền vận động, cổ vũ động viên những người thân bên mình tham gia hưởng ứng hoạt động HMTN; hỗ trợ hoạt động tiếp nhận máu... Chỉ cần tâm mình thật sự muốn sẻ chia, dù ít dù nhiều chúng ta đều có thể chung tay...

Mai Thủy
Bình luận
Back To Top