Đề xuất bố trí nguồn vốn ưu đãi dành riêng cho người khuyết tật

15:21 - Thứ Năm, 12/04/2018 Lượt xem: 9915 In bài viết
Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn để dành riêng cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật.

Đây là một trong những đề xuất được nêu ra tại  Hội thảo "Chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật" do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) và Quỹ NIPON Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội, ngày 12/4.

 

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên do nhiều nguyên nhân khác nhau, như: Hậu quả chiến tranh, bẩm sinh, tai nạn giao thông, lao động, thiên tai, môi trường...

Phần lớn người khuyết tật sống ở nông thôn (87,27%); khoảng 65% người khuyết tật trong độ tuổi lao động và khoảng 40% người khuyết tật còn khả năng lao động, trong số này chỉ có 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Họ chủ yếu làm các nghề nông, lâm ngư nghiệp, có thu nhập rất thấp so với các công việc khác.

Bên cạnh đó, người khuyết tật có trình độ học vấn thấp so với các công việc khác; 41,01% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ, 19,5% người có trình độ từ tốt nghiệp phổ thông cơ sở trở lên, 93,4% người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ 16 tuổi trở lên, chỉ có 6,5% người có bằng cấp từ chứng chỉ trở lên.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng trong khoảng 3 năm qua, công tác hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù đã huy động được nhiều tổ chức, lực lượng tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng (bảo trợ xã hội, dạy nghề, việc làm) chưa thường xuyên; chưa có đơn vị đầu mối theo dõi, thống kê: số người khuyết tật, nhu cầu học nghề, việc làm của người khuyết tật... Bên cạnh đó, các nguồn vốn ưu đãi dành cho dành riêng cho người khuyết tật còn hạn chế.

Theo NHCSXH, hiện cơ quan này chưa có nguồn vốn dành riêng để cho vay đối với người khuyết tật và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật để phát triển kinh tế. Những năm qua, NHCSXH đã cho các đối tượng này vay vốn thông qua Quỹ quốc gia về việc làm; Dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật - Tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do khuyết tật làm chủ” do Quỹ Nippon của Nhật Bản tài trợ (NHCSXH tiếp nhận nguồn vốn tài trợ 450 nghìn USD từ Quỹ Nippon và hiện đang triển khai thực hiện tại thành phố Đà Nẵng, Hà Nội và Quảng Ninh) và một số chương trình tín dụng khác.

Tính đến ngày 28/2/2018, dư nợ cho vay đối doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, người khuyết tật tự phát triển sản xuất tại NHCSXH đạt 118 tỷ đồng, với 5.838 khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ lệ 0,07% trên tổng dư nợ và 0,07% trên tổng số hộ còn dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH (dư nợ cho vay của NHCSXH là 170.775 tỷ đồng, với trên 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ ), trong đó dư nợ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật là 3,6 tỷ đồng, với 22 cơ sở còn dư nợ…

Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm chưa được bổ sung thêm để NHCSXH mở rộng cho vay giải quyết việc làm đến các đối tượng chính sách trong đó có người khuyết tật, mà chỉ thực hiện cho vay bằng nguồn vốn quay vòng. Do vậy người lao động khuyết tật cũng chưa có điều kiện tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm, mặt khác cũng chưa có cơ chế và chưa phân bổ nguồn vốn vay cho đối tượng này, dẫn đến tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thấp.

Để người khuyết tật, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, các đại biểu kiến nghị nhà nước tiếp tục xem xét, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật được thụ hưởng các chính sách của nhà nước; xem xét, bố trí nguồn vốn để dành riêng cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, các cấp  tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn vay vốn...

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top