Siết chặt quản lý thuốc BVTV

Cần sự phối hợp và tinh thần tự giác

09:28 - Thứ Hai, 16/04/2018 Lượt xem: 10090 In bài viết

ĐBP - Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp; ngoài phòng trừ sâu bệnh và bảo vệ cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, thuốc BVTV còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người nếu như sử dụng không tuân thủ quy định. Chính vì vậy, việc quản lý và sử dụng thuốc BVTV đảm bảo an toàn không chỉ là trách nhiệm của các đơn vị chức năng, mà cần sự phối hợp của các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, chính quyền địa phương và từ chính những người nông dân.

 

Lực lượng chức năng thu gom vỏ thuốc BVTV tại bể chứa xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Hà Thuận

Hiện toàn tỉnh có 212 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, trong đó 177 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV; số còn lại là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ theo mùa vụ không đủ điều kiện.

Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục BVTV (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Ðể thuận lợi trong việc quản lý kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, hàng năm Chi cục phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá xếp loại các cơ sở buôn bán thuốc BVTV theo quy định; tổ chức ký cam kết không buôn bán, sử dụng thuốc giả, thuốc nhập lậu ngoài danh mục đối với các cơ sở kinh doanh; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn về thuốc BVTV cho bà con, người có nhu cầu tìm hiểu, kinh doanh loại vật tư đặc biệt này. Qua đó, mọi người được trang bị những kiến thức, quy định bắt buộc trong kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV; đồng thời có ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường và các vấn đề có liên quan.

Cũng theo ông Kính, mặc dù đã được tuyên tuyền, phổ biến các kiến thức cơ bản về kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, nhưng lực lượng chức năng vẫn gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý; đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện: Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé, Nậm Pồ. Việc cập nhật hóa đơn, chứng từ, niêm yết giá, các thông tin thuốc được lưu hành chưa cập nhật đầy đủ, thường xuyên; khi sử dụng thuốc BVTV một số hộ dân chưa tuân thủ theo quy định của nhà sản xuất và pháp luật; công tác phối hợp giữa chính quyền cơ sở và lực lượng thanh tra chuyên ngành phát huy hiệu quả chưa cao; việc quản lý thuốc BVTV của chính quyền địa phương còn lỏng lẻo…

Chỉ tính trong năm 2017, lượng thuốc BVTV được cung ứng, sử dụng toàn tỉnh ước khoảng trên 150 tấn, trong đó thuốc trừ cỏ chiếm trên 68%. Ðiều này cho thấy lượng tiêu thụ thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Theo Chi cục BVTV tỉnh, năm 2017 đã thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với 9 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV; nhiều hộ dân sử dụng không đúng loại thuốc, không đúng nồng độ, liều lượng và không đảm bảo thời gian cách ly… Ðặc biệt, trong tháng 3/2018, thanh tra chuyên ngành đã kiểm tra 44 cơ sở buôn bán thuốc BVTV và phát hiện, xử lý 3 cơ sở vi phạm; trong đó 2 cơ sở vi phạm do buôn bán thuốc BVTV quá hạn sử dụng, cơ sở còn lại là do không duy trì đầy đủ các điều kiện kinh doanh thuốc BVTV.

Ông Lò Văn Hà, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Mường Nhé, cho biết: Mường Nhé là địa bàn duy nhất trên toàn tỉnh chưa có cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Mặc dù lượng thuốc sử dụng không lớn so với thành phố Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên, nhưng khi cần thì người dân cũng không thể ra thành phố Ðiện Biên Phủ hoặc đến các huyện khác chỉ để mua thuốc BVTV. Vì vậy đã phát sinh một số hộ kinh doanh cửa hàng tạp hóa kiêm luôn việc bán thuốc BVTV, điều này không những không đủ điều kiện kinh doanh, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh đối với các mặt hàng xung quanh và môi trường. Khi phát hiện lực lượng chức năng đến kiểm tra, nhắc nhở các chủ cửa hàng “đa năng” này còn giấu đi hoặc lấy lý do mua về dùng; điều này gây khó khăn trong công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV ở vùng cao.

Bên cạnh đó, việc thu hồi bao bì thuốc sau khi sử dụng cũng đang là vấn đề nan giải. Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 52 bể chứa bao gói thuốc BVTV. Trong đó, thành phố Ðiện Biên Phủ có 12 bể; huyện Ðiện Biên 40 bể. Tổng khối lượng hóa chất BVTV hết hạn và bao gói hóa chất sau sử dụng là trên 700kg. Tuy nhiên, đến nay, việc xử lý chưa được thực hiện kịp thời, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Có thể nói, siết chặt quản lý kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV là vấn đề thường xuyên và cấp bách; ngoài trách nhiệm của các lực lượng chức năng, cần phải có sự phối hợp của chính quyền địa phương và tinh thần tự giác của chính những người nông dân; để vừa bảo vệ mùa màng lại vừa đảm bảo sức khỏe, môi trường sống.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top