Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”

08:33 - Thứ Năm, 26/04/2018 Lượt xem: 9785 In bài viết
ĐBP - Trong lần công tác về xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) chúng tôi gặp, trò chuyện với cựu chiến binh Tao Văn Son. Qua câu chuyện ông kể, chúng tôi hiểu được phần nào những khó khăn vất vả, sự kiên trì, nỗ lực gây dựng cơ nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương...

Trong ngôi nhà sàn khang trang nằm bên dòng Nặm Bai, cựu chiến binh Tao Văn Son kể chúng tôi nghe câu chuyện cuộc đời mình; những năm tháng trong quân ngũ được nói nhiều hơn về từng kỷ niệm…  Ông kể lại, tháng 2/1986 với tinh thần  tuổi trẻ, tạm biệt người vợ mới cưới chưa đầy 1 tuần trăng ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông được điều về Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 193, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Ðiện Biên). Năm 1989, cựu chiến binh Tao Văn Son rời quân ngũ trở về quê hương với chiếc ba lô đã sờn vì những ngày hành quân dầm mưa dãi nắng. Nếp nhà cũ, cha mẹ đã già yếu, các em còn thơ dại, nheo nhóc, kinh tế gia đình ông chỉ trông chờ vào những thửa ruộng bậc thang với gần 10 miệng ăn. Không vốn liếng, không nghề nghiệp, chỉ với lòng quyết tâm thoát đói nghèo, vợ chồng ông vật lộn với cuộc mưu sinh, làm đủ thứ nghề nhưng cái đói, cái nghèo vẫn không chịu buông tha.

 

Cựu chiến binh Tao Văn Son đầu tư mở rộng chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.

Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, không chùn bước trước mọi khó khăn gian khổ, ông tự mày mò làm đủ thứ nghề, từ xe ôm, bán hàng tạp hóa… nhưng đường sá lúc ấy đi lại khó khăn, nên kinh tế hàng hóa cũng không mấy hiệu quả, chỉ mang lại nguồn thu nhập ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống. “Cái khó, ló cái khôn” nhận thấy đất đai phì nhiêu, nhiều bãi chăn thả, từ nguồn vốn khiêm tốn do tích góp và vay mượn thêm anh em, bạn bè, trên diện tích 1ha, ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cả… “Khó có thể nói hết  những gian nan, vất vả mà mình đã từng trải qua. Cả gia đình đã đổ không biết bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt cho mảnh đất này”- ông Son nói. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài; ngoài chịu khó học tập mô hình kinh tế hiệu quả ở các vùng lân cận, tìm hiểu tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất; để có thêm nguồn vốn chăn nuôi, ông đã mạnh dạn vay thêm Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 20 triệu đồng đầu tư mở rộng chuồng trại, đào thêm ao cá. Ðến nay gia đình ông đã có cơ ngơi khang trang, đủ đầy với đàn vật nuôi gần 200 con các loại; gần 200m2 ao cá, mỗi năm xuất bán, trừ chi phí ông thu nhập trên 200 triệu đồng.

Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, ông Tao Văn Son còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Ông đã cùng hội viên tích cực tham gia các hoạt động và phong trào; góp ý kiến xây dựng hương ước, quy ước của bản; ông cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế và giúp đỡ bà con, hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ông Son bộc bạch: Phát triển kinh tế gia đình là không chỉ làm giàu cho bản thân mà phải giúp đỡ bà con, đồng chí gặp khó khăn để họ vươn lên ổn định cuộc sống. Có như vậy, đất nước, quê hương mình mới ngày càng giàu đẹp, phát triển. Niềm vui như được nhân lên, với sự dăn dạy nề nếp, các con của ông luôn ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ; hiện tại con trai lớn đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, các con nhỏ đang học tại các trường đại học và cao đẳng.

Giữ vững phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, từ hai bàn tay trắng với tinh thần lao động cần cù, năng động, không quản ngại gian khổ gia đình ông Son đã vươn lên ổn định cuộc sống... Từ một gia đình nghèo khó trở thành một điển hình sản xuất giỏi của xã, ông Son được bà con dân bản yêu thương, thán phục, xứng đáng là tấm gương để người dân học tập và noi theo.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top