Nhớ mùa xuân năm ấy…

08:40 - Thứ Năm, 26/04/2018 Lượt xem: 9354 In bài viết
ĐBP - Cuộc chiến kéo dài hơn 7.000 ngày (21 năm) chống Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước của quân và dân ta kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975. Ðã 43 năm - những chiến sĩ trực tiếp cầm súng tham gia vào chiến dịch lịch sử năm nào, giờ người còn, người mất… Nhưng giá trị bất biến về cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc không bao giờ phai mờ trong tâm khảm những người con đất Việt nói chung và vùng đất cực Tây Tổ quốc nói riêng.

 

Cựu chiến binh Lô Quang Thắng (ngoài cùng bên trái) thăm mô hình trồng gấc của hội viên Hội Cựu chiến binh P. Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ. Ảnh: Ðức Hạnh (Bộ CHQS tỉnh).

Ðiện Biên Phủ một chiều tháng 4/2018, nắng trải vàng trên cánh đồng lúa đang thì con gái của thung lũng Mường Thanh. Ngồi với chúng tôi, Trung tá Lô Quang Thắng, Trưởng ban Tuyên giáo, Hội Cựu Chiến binh tỉnh rưng rưng hồi tưởng về một thời “hoa lửa” hào hùng năm nào. Trao đổi với chúng tôi, người lính dạn dày trận mạc nêu quan điểm ngay từ khi bắt đầu câu chuyện: Chúng ta ngồi đây, nhớ về thời kháng chiến và Chiến dịch Hồ Chí Minh là để dâng lên lòng biết ơn đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất của đất nước; để chúng ta xúc động, tự hào vì được là người con của một dân tộc quật cường, yêu Tổ quốc đến cháy bỏng. Chứ không phải để khơi gợi lại những vết thương đã cũ, những hận thù của quá khứ… Rồi ông kể: Tháng 4/1974, tôi khi ấy vừa tròn 18 tuổi. Như bao thanh niên khác của vùng quê Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi lên đường tòng quân. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh ở Trung  đoàn huấn luyện 22, tỉnh Hà Tĩnh, tháng 7/1974 tôi chính thức trở thành chiến sĩ giải phóng thuộc Lữ đoàn công binh 219, Quân đoàn 2 Nam tiến. Chỉ 4 tháng sau, tôi - binh nhì Lô Quang Thắng được “ưu ái” tăng cường cho Tiểu đoàn Bộ binh 7, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2), được trực tiếp tham gia chiến đấu.

Ngay từ những ngày đầu bước vào cuộc chiến, tháng 11/1974, tham gia kéo pháo vượt sông Thu Bồn để tiến vào mặt trận của chiến dịch Huế - Ðà Nẵng (một trong những chiến dịch lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975) tôi đã cảm nhận rõ được sự khốc liệt của chiến tranh. Nhớ lại thời điểm đó, sông Thu Bồn dù không đến mức là “cỗ máy xay người” như dòng Thạch Hãn, Quảng Trị hồi năm 1972 nhưng bom đạn, mìn do quân địch cài lại thì... rất nhiều. Khi pháo vừa di chuyển lên cầu qua sông thì dính mìn chống tăng M15 của địch. Tiếng nổ xé trời đã hất tung cả một phân đội lên không trung, đồng chí Tiểu đoàn phó và 4 chiến sĩ đã hy sinh, những thân thể không còn toàn vẹn. Tôi khi đó đang ở phía trước, ngoảnh lại nhìn đồng đội mà đôi mắt như nhòa đi... Nói đến đây, giọng Trung tá Lô Quang Thắng bỗng nghèn nghẹn: Ðồng đội gắn bó, sát cánh với tôi từ lúc huấn luyện tân binh rồi vào các chiến dịch có 4 người, đều là đồng hương Nghệ An nên thân thiết với nhau như anh em ruột. Các anh gồm: Lê Văn Quang, Nguyễn Hiền (cùng huyện Ðô Lương), Nguyễn Quốc Thị (huyện Yên Thành) và Nguyễn Hữu Tài (huyện Diễn Châu). Trong 5 anh em thì có anh Tài phải “rời xa” chúng tôi sớm hơn cả. Bởi sau khi chiến dịch Huế - Ðà Nẵng kết thúc thắng lợi (29/3/1975), Sư đoàn 304 chúng tôi là lực lượng đầu tiên tiếp cận Sài Gòn. Lúc này, Quân đoàn 2 dưới sự chỉ huy của Tư lệnh, Thiếu tướng Nguyễn Hữu An nhận nhiệm vụ từ Tổng Chỉ huy chiến dịch tấn công Sài Gòn từ hướng Ðông Nam. Tôi còn nhớ, trong trận tấn công căn cứ Long Bình (nay thuộc phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai), đây là trận mở màn của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quân địch chống trả rất quyết liệt, lực lượng của Sư đoàn 304 gồm: Trung đoàn 66 và Trung đoàn 9 thiệt hại nặng. Ðồng đội Nguyễn Hữu Tài của chúng tôi tử trận trong trận chiến này, anh hy sinh khi quân giải phóng đã tiếp cận được cửa ngõ Sài Gòn.

Sau khi giải phóng Ðồng Nai, tiến vào nội đô Sài Gòn, khí thế của ta như thác đổ, các ngả quân của Sư đoàn 304 chúng tôi tổ chức lực lượng thọc sâu đánh chiếm các quận 1 và 3, tiến tới hợp điểm tại Dinh Ðộc Lập. Lúc này, thế địch đã gần như suy kiệt cả về lực lượng lẫn ý chí chiến đấu, 2 bên đường ngổn ngang vũ khí, khí tài đối phương bỏ lại để chạy lấy người, đôi chỗ là những lá cờ trắng yếu ớt đầu hàng. Càng tiến vào sâu nội thành, vây quanh chúng tôi là rừng cờ đỏ sao vàng ngợp trời cùng tiếng hò reo chào mừng quân giải phóng, chào mừng chiến thắng khiến những chiến sĩ giải phóng chúng tôi mỗi khi nhớ lại đều không khỏi xúc động và tự hào. Ðó là những ký ức không bao giờ phai.

Sau chiến dịch mùa xuân năm 1975, Trung tá Lô Quang Thắng tiếp tục tham gia quân đội, ông lần lượt tham gia các chiến trường hậu giải phóng tiễu phỉ Fulro, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc, quân tình nguyện Lào (thuộc Trung đoàn 82, Quân khu 2) và về hưu năm 2009. Ðược sự tín nhiệm của tổ chức, đồng đội, Trung tá Thắng tiếp tục công tác tại Hội Cựu Chiến binh tỉnh. Nói về hiện tại, ông bảo: Ðất nước đã hòa bình, đổi mới và ngày càng phát triển, nhiệm vụ của những cựu chiến binh chúng tôi là phát huy truyền thống, vững bước trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội địa phương nơi mình đang sống. Cả một đời chinh chiến, làm nhiệm vụ chủ yếu trong Nam và cả nước bạn Lào nhưng hậu phương cuối cùng lại là ở mảnh đất Ðiện Biên Phủ lịch sử này (vợ Trung tá Thắng là người gốc Nghệ An nhưng sinh ra, lớn lên và công tác ở Ðiện Biên). Ðối với tôi bây giờ, ngoài được sống vui vầy với con cháu, lại hàng ngày được trao đổi công tác Hội, hàn huyên với những đồng đội chống Mỹ và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh là một niềm hạnh phúc viên mãn rồi..!

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top