Suy ngẫm

Gương xưa nay soi

08:42 - Thứ Năm, 26/04/2018 Lượt xem: 9540 In bài viết
ĐBP - Xã hội nào cũng vậy, có thiện thì có ác, có tốt thì có xấu, có kẻ vì nghĩa thì cũng có kẻ vì lợi, có quân tử thì có tiểu nhân. Nhất là thời đại ngày nay, khi văn minh vật chất đang chiếm thế chủ đạo, người người quay cuồng vì danh lợi, tiền tài, cốt thỏa mãn một chữ “dục”, thì xuất hiện nhiều cái “giả”. Lĩnh vực nào cũng có giả: hàng giả, thực phẩm giả, tiền giả, thuốc chữa bệnh giả... cái giả lan tràn mọi ngóc ngách của cuộc sống. Ðúng là vàng thau lẫn lộn, thật giả khó phân biệt. Vậy nên việc giáo dục nhân cách, đạo đức đối với con người là vô cùng hệ trọng.

Bà nội tôi kể rằng: Ngày xưa ở làng tôi có một ông thi đỗ đạt làm quan to lắm ở triều đình. Mỗi lần về thăm quê ông mang về cho mẹ mình nhiều vàng bạc, gấm vóc lụa là. Lẽ ra mẹ ông ta vui mừng thì phải nhưng bà lại lo lắng mà đổ bệnh. Người con thấy vậy liền nói: Ngày xưa nhà mình nghèo vì thiếu ăn thiếu uống, mẹ bị bệnh đã đành, nay nhà mình thiếu thứ gì nữa đâu mà mẹ không ăn uống tẩm bổ cho nó khỏe?. Người mẹ nhìn con nước mắt lưng tròng nói: Mẹ nghe ông nội con nói rằng, nhà nào có con làm quan, mà cuộc sống thanh bần, thì ấy là quan tốt. Còn nếu nhà có con làm quan mà có của cải, tiền bạc dư dả, thừa thãi, hưởng thụ một cách xa xỉ, thì đó là quan tham. Mẹ cho rằng quan điểm ấy của ông nội con rất chính xác. Mẹ thấy con mang về rất nhiều tiền của, lụa là và thuốc men để phụng dưỡng mẹ, thế mà mẹ lại không hỏi con những thứ tiền, của đó từ đâu mà có. Ðó là do lỗi mẹ dạy con chưa nghiêm. Nếu như tiền của ấy là lương bổng của bản thân, thì là điều rất tốt. Nếu không, thì so với phường giặc cướp có khác gì đâu? Cho dù không có tội lỗi lớn, chẳng lẽ trong lòng con lại không có áy náy gì hay sao? Con giờ đây ngồi mát ăn bát vàng hưởng bổng lộc của triều đình, nếu không thể tận trung vì nước, thanh liêm mà làm việc chính sự, thì làm sao xứng đáng với ân huệ của tổ tiên ông bà được? Con làm quan mới có mấy năm, bổng lộc chưa bao giờ nhiều đến thế, không hiểu là con lấy bớt của dân, hay là nhận hối lộ đây? Người làm quan luôn nghiêm khắc tu dưỡng bản thân, tự trọng và giữ mình trong sạch, không tùy tiện lấy những thứ của cải của người khác. Sống trong sáng vô tư, không làm những chuyện lừa dối. Tâm không bao giờ nghĩ tới những việc bất nghĩa, trong nhà không bao giờ có những thứ của cải bất lương. Con gánh vác trọng trách của quốc gia, cần phải là một tấm gương sáng cho mọi người học tập, noi theo. Thế mà con lại nhận hối lộ của kẻ dưới, ấy là tội lừa dối nhà vua, đồng thời là phụ lòng trăm họ, thật làm cho mẹ đau lòng quá! Con hãy mau trả lại những thứ không phải từ mồ hôi công sức của mình làm ra, rồi thỉnh xin triều đình xử lý!”.

Ông quan đó nghe người mẹ nói thế thì vô cùng xấu hổ, liền đem trả lại toàn bộ số vàng, bạc của cải ấy cho triều đình và lập tức đến gặp vua tự thú nhận lỗi lầm và xin nhà vua hãy bãi chức của mình. Nhà vua thấy vậy, hết sức tán thưởng khí phách và đạo đức của ông quan nọ. Từ đó về sau ông trở thành một vị quan thanh liêm, tận trung với nước, thương dân như con, nổi tiếng trong sạch lưu danh hậu thế.

Làm người cán bộ sống trong sạch, biết cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, tận tụy với công việc, quý trọng nhân dân thì dân mới quý mới trọng. Làm ông bà cha mẹ, thì cần lấy bản thân mình làm gương, luôn luôn chú ý từng lời nói việc làm, từng giờ từng phút cần phải cảnh giác với phẩm hạnh đạo đức của bản thân mình. Dạy bảo con cái tu thân, trọng đức, có như vậy mới có thể giúp con, giúp cháu trở thành một người công dân tốt, một cán bộ liêm khiết, mẫu mực.

Hoàng Bích Hà
Bình luận
Back To Top