Quan tâm chăm sóc nạn nhân chất độc da cam

10:01 - Thứ Sáu, 27/04/2018 Lượt xem: 10711 In bài viết
ĐBP - Tỉnh ta hiện có 193 người trực tiếp tham gia kháng chiến và 48 người con đẻ (thế hệ thứ 2) bị nhiễm chất độc da cam (CÐDC)/dioxin đang được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Ngoài ra, theo rà soát của Hội Nạn nhân CÐDC/dioxin tỉnh, toàn tỉnh còn có 18 người cháu (thế hệ thứ 3) bị ảnh hưởng bởi CÐDC/dioxin và khoảng 140 trường hợp tham gia kháng chiến chống Mỹ tại vùng nhiễm CÐDC/dioxin. Ðể góp phần xoa dịu nỗi đau mà chiến tranh để lại, suốt những năm qua đã có nhiều hoạt động tri ân, hỗ trợ các nạn nhân CÐDC được thực hiện trên địa bàn.

 

Cán bộ Hội Nạn nhân CÐDC/dioxin tỉnh thăm hỏi, động viên gia đình  ông Nguyễn Văn Huyễn, bản Ðại Thanh, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Mấy chục năm trôi qua, dù tiếng súng đạn đã lùi xa, đất nước hòa bình, phát triển nhưng gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Huyễn, bản Ðại Thanh, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) vẫn phải trải qua tột cùng của nỗi đau do chiến tranh để lại. Ông Huyễn, năm nay đã 86 tuổi, có hơn 10 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường Cam Lộ - Gio Linh. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, vợ chồng ông vui mừng đón thêm 2 thành viên mới là những bé gái khỏe mạnh. Nhưng niềm vui ấy dần tắt khi cả 2 cô lần lượt phát bệnh, không kiểm soát được hành vi và hay đập phá. Sức khỏe của ông Huyễn cũng ngày một yếu dần. Khi ấy, ông mới biết mình bị nhiễm CÐDC/dioxin và các con cũng chịu di chứng ấy. Sau nhiều năm chạy chữa khắp nơi đến kiệt quệ gia sản, vợ chồng ông lại khóc cạn nước mắt trong nỗi đau “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” vì một người con của ông không qua khỏi; còn 1 người hiện đang điều trị tại Hà Nội. Gương mặt khắc khổ, chất chứa nhiều nỗi buồn, ông Huyễn cho biết: Những người con đầu của tôi may mắn khỏe mạnh đều đã có gia đình riêng nhưng cuộc sống thuần nông rất khó khăn, vì vậy vợ chồng tôi tự chăm sóc nhau trong ngôi nhà tình nghĩa được hỗ trợ xây dựng. Tôi được Nhà nước hỗ trợ 2,3 triệu đồng/tháng nhưng 2 vợ chồng đều già yếu, không lao động được, lại ốm đau, thuốc thang liên miên nên số tiền này chỉ vừa đủ cho sinh hoạt hàng ngày và trang trải lúc bệnh tật.

Từ năm 2017 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, chuyển gửi, phối hợp với các cơ quan chuyên môn xác nhận nhiễm CÐDC và xét hưởng chế độ theo đúng quy định của Nhà nước cho 5 cá nhân và được giới thiệu 1 người đến Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để thực hiện các thủ tục cần thiết. Không có hồ sơ đề nghị xét duyệt tồn đọng, việc chi trả các chế độ, chính sách cũng được thực hiện kịp thời, đúng, đủ.

Ngoài hỗ trợ sinh hoạt và phụ cấp hàng tháng theo quy định Nhà nước, thì các hoạt động chăm sóc, tri ân đối với các nạn nhân CÐDC/dioxin cũng được quan tâm, triển khai thường xuyên, như: Thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ tết; đi xông hơi giải độc, điều dưỡng; khám chữa bệnh miễn phí; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở… Ðứng ra tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động này chủ yếu là Hội Nạn nhân CÐDC/dioxin tỉnh - nơi sinh hoạt, điểm tựa tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân CÐDC. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chánh văn phòng, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Nạn nhân CÐDC/dioxin tỉnh, chi biết: Hội hiện có gần 200 hội viên, dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, bằng nguồn quỹ Hội và vận động xã hội hóa, 100% hội viên được thăm hỏi tặng quà với tổng số tiền trên 68 triệu đồng. Ðể góp phần nâng cao hơn nữa công tác chăm sóc, san sẻ khó khăn với các hội viên, hàng năm Hội đều phát động tuyên truyền về “thảm họa da cam”, Ngày Vì nạn nhân CÐDC Việt Nam (10/8), đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện giúp đỡ các nạn nhân CÐDC trong cuộc sống. Ðã thành hoạt động thường niên, hiện Hội đang xét chọn khoảng 20 - 25 hội viên đưa đi điều trị, xông hơi giải độc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Hội Nạn nhân CÐDC/dioxin Việt Nam trong quý II này. Ðặc biệt, trong năm 2018, Hội đang tập trung cho việc làm thủ tục, lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh ra quyết định thành lập 2 hội nạn nhân CÐDC/dioxin cấp huyện là huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ và 14 chi hội xã, phường, thị trấn. Nếu các hội, chi hội được thành lập và đi vào hoạt động sẽ là nơi gắn kết để các nạn nhân CÐDC sẻ chia, động viên nhau trong cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong công tác chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ những người bị nhiễm CÐDC trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top