Hỗ trợ pháp lý cho đồng bào vùng cao

10:02 - Thứ Sáu, 27/04/2018 Lượt xem: 10899 In bài viết
ĐBP - Với hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số sinh sống ở các khu vực vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của Ðiện Biên, nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế. Khi mâu thuẫn xảy ra thường dẫn đến hành động sai trái, vi phạm các quy định về luật pháp. Song bản thân họ lại không có đủ khả năng cũng như hiểu biết để nhận thức được những hành vi ấy. Khi đó, các hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) chính là “điểm tựa” pháp lý đối với người dân.

Ðầu năm 2017, vì thiếu nhận thức về pháp luật, để mưu sinh bà Vì Thị Ðớ, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đã thực hiện hành vi phá rừng làm nương. Khi lực lượng kiểm lâm yêu cầu triệu tập để làm rõ hành vi sai trái của mình nhiều lần nhưng vì sợ mà bà Ðớ không chịu gặp lực lượng chức năng, cố thủ trong nhà. Sau nhiều lần được tuyên truyền, giải thích, bà Ðớ đã hiểu, tự nguyện khai báo và ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ rừng, đồng thời tích cực tham gia trồng rừng.

 

Người dân xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) được tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng, chống mua bán người.

Ðược biết, đây là một trong nhiều vụ việc mà Trung tâm TGPL Nhà nước (Sở Tư pháp) phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai thực hiện tại địa bàn huyện Mường Nhé năm 2017. Trước “sức nóng” của nạn phá rừng, hoạt động tuyên truyền của Trung tâm được tập trung cho huyện Mường Nhé, nhằm phối hợp cùng các ngành nâng cao hiểu biết, nhận thức về pháp luật cho người dân, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác di cư tự do và bảo vệ rừng. Thay vì dàn trải kém hiệu quả, giờ đây công tác tuyên truyền đã được chú trọng, có trọng tâm, trọng điểm. Ðây cũng là giải pháp hiệu quả mà đơn vị đang nỗ lực triển khai thực hiện. Không chỉ bảo vệ, phát triển rừng mà thông qua các nội dung người thật, việc thật, những câu chuyện pháp luật để tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác của người dân trong việc không di dịch cư tự do; không trồng cây thuốc phiện; phòng, chống ma túy, mua bán người… Hiện nay trung bình mỗi năm, Trung tâm duy trì từ 10 - 12 cuộc tuyên truyền lưu động, chủ yếu hướng trực tiếp đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn để tuyên truyền, đồng thời giải đáp thắc mắc và hòa giải bức xúc ngay từ cơ sở. Ngoài ra, thực hiện Ðề án Ðổi mới công tác TGPL, giai đoạn 2015 - 2025 theo Quyết định số 749/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm tập trung hướng mạnh vào trợ giúp các vụ việc cụ thể. Thống kê những năm trước đây, trung bình 1 năm chỉ có từ 70 - 100 vụ việc có sự tham gia của TGPL. Ðến năm 2016, con số này tăng lên 289 vụ việc, năm 2017 là 444 vụ và 3 tháng đầu năm 2018 là 108 vụ (tăng 33,4% so với cùng kỳ 2017).

Hiện nay, toàn tỉnh có 130 xã, phường thị trấn thì có tới 103 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Với việc mở rộng đối tượng thụ hưởng các dịch vụ TGPL miễn phí đã tạo điều kiện thuận lợi để có thêm nhiều người dân tiếp cận gần hơn với dịch vụ hỗ trợ về pháp lý. Tuy nhiên, điều này cũng trở thành “gánh nặng” đối với đơn vị trợ giúp khi nguồn nhân lực chưa đảm bảo. Theo quy định mới, rà soát chung toàn quốc có 5% dân số được hưởng các dịch vụ TGPL miễn phí; tuy nhiên thống kê mới nhất của Trung tâm TGPL tỉnh thì theo quy định mới này Ðiện Biên có trên 90% người dân được TGPL miễn phí.

Theo ông Ðỗ Xuân Toán, Giám đốc Trung tâm TGPL (Sở Tư pháp), cho biết: “Hiện nay đơn vị chỉ có 4 cán bộ đủ tiêu chuẩn tham gia TGPL. Như vậy, tính bình quân 1 cán bộ TGPL 1 năm phải tham gia tố tụng từ 60 - 100 vụ việc, trong khi chỉ tiêu của Bộ Tư pháp là 25 vụ việc”. Ðể khắc phục những hạn chế trên và thực hiện tốt nhất yêu cầu công việc đặt ra, ông Toán cho biết thời gian gần đây đơn vị đã tập trung công tác đào tạo, hiện đơn vị đang cử 6 cán bộ đi học, để nâng cao trình độ chuyên môn. Trước mắt thì xã hội hóa đang là giải pháp trọng tâm được đơn vị đẩy mạnh, thông qua hoạt động gửi thư đề nghị hợp tác đến các đơn vị luật sư để tăng cường người tham gia TGPL, hiện có 10 luật sư đăng ký làm cộng tác viên hỗ trợ pháp lý thường xuyên. “Tuy nhiên, về cơ chế hoạt động thì vẫn cần hơn nữa sự quan tâm, nghiên cứu chỉ đạo và hỗ trợ phù hợp từ cấp Trung ương đến địa phương. Bởi thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến đặc thù địa phương mà chỉ đơn vị, hoặc ngành Tư pháp thì không thể tự gỡ được” - ông Toán khẳng định.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top