Những người lính thời “hậu chiến”

10:09 - Thứ Sáu, 27/04/2018 Lượt xem: 9639 In bài viết
ĐBP - Hơn 40 năm về trước, với những bước chân “thần tốc, quyết thắng”, những trận đánh oanh liệt, họ là những thanh niên anh dũng, can trường đã góp sức cùng cả dân tộc làm nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến tranh đã lùi xa, thời gian đủ để xóa tất cả mọi dấu tích bom đạn, song vẫn chưa mờ nhạt trong ký ức của những người lính một thời “vào sinh ra tử”. Bước ra từ cuộc chiến ấy, hôm nay có người đã thành đạt, cũng có người phải mang theo những vết thương chẳng thể lành, song niềm lạc quan và tinh thần kiên cường là điều đáng quý mà những người lính vẫn luôn gìn giữ…

Chúng tôi gặp cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tân, đội 8 - Thanh Ðông, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) tại nhà riêng vào một buổi chiều cuối tháng 4, khi cả nước đang hướng đến ngày lễ lớn - Kỷ niệm 43 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018). 43 năm đi qua, nhưng không khí ngày non sông thu về một mối vẫn như còn in đậm trong hồi ức của người lính già.

 

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tân kiểm tra giàn mướp trồng theo mô hình rau an toàn của gia đình. Ảnh: Hải Yến

Ngày ấy, cả miền Nam còn chìm trong bom đạn, cũng như bao chàng trai khác của quê hương Thái Bình, ông Nguyễn Hữu Tân xung phong ra chiến trường khi còn đang ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Tháng 1/1975 ông được phân về C33, đoàn M26 Thiết giáp miền Ðông Nam bộ, làm nhiệm vụ thu và sử dụng xe địch để đánh địch. Sau đó, ông tiếp tục tham gia chiến trường Cam Pu Chia. Tháng 8/1983 ông ra quân và xung phong lên Ðiện Biên làm kinh tế mới.

Hơn 40 năm sống trong hòa bình, tuổi đã cao, mái tóc cũng bạc trắng, song hình ảnh và cảm xúc của khoảnh khắc đất nước giành chiến thắng vẫn không thể phai nhòa trong ông. “Phải nói lúc ấy trái tim cả nước cùng chung nhịp đập, niềm vui không tả xiết. Tôi vẫn nhớ như in khi ấy là khoảng hơn 11 giờ trưa, người dân đổ ra đường đón bộ đội. Trên tay ai nấy đều cầm sẵn nắm cơm, mỗi người lính đi qua là dúi vào tay một nắm. Ngày ấy bà con đói khổ, làm gì có cái ăn, thế mà lúc mở ra bên trong nắm cơm thấy người thì quả trứng, người miếng cá khô, nhìn mà ứa nước mắt. Tất cả tình cảm nhân dân đều gửi trọn trong nắm cơm ấy…” - ông Tân nghẹn ngào.

Gạt đi giọt nước mắt xúc động, ông tiếp tục câu chuyện về những ngày tháng sau khi bước ra từ cuộc chiến. Lập gia đình riêng, 4 người con gái liên tiếp ra đời khiến cuộc sống trở nên khó khăn, thiếu thốn. Tinh thần người lính thôi thúc ông bắt tay vào làm kinh tế, với suy nghĩ “Bom đạn còn chẳng sợ, sao lại khuất phục đói nghèo?!”.

Năm 2012, khi Sở Khoa học và Công nghệ đầu tư Dự án Sản xuất rau an toàn, ông Tân là người tiên phong tham gia. Sau khi dự án kết thúc, cũng là lúc ông tích lũy được cho bản thân nhiều kinh nghiệm mới và quyết tâm gây dựng hợp tác xã (HTX) để phát triển với quy mô lớn hơn. Kể về những ngày tháng đặt nền móng cho HTX rau an toàn, mà hiện ông đang làm Giám đốc, với giọng đầy phấn chấn, ông Tân cho biết: “Lúc đầu chúng tôi chỉ có 5 thành viên, mà toàn là cựu chiến binh với nhau cả. Cứ như 5 anh em trên 1 chiếc xe tăng vậy, quyết tâm lắm! Làm rau an toàn này phải rất tỉ mỉ, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, theo dõi, ghi chép… nói chung là đầu tư nhiều; có lúc cũng nản thật, nhưng quyết không bỏ cuộc. Ðến nay chúng tôi đã tập hợp và duy trì được 9 thành viên, với tổng diện tích khoảng hơn 5ha, trong đó có hơn 1ha sản xuất quanh năm. Thu nhập bình quân của các hộ thành viên từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Ðáng tự hào hơn, khi chúng tôi là HTX rau sạch đầu tiên được xây dựng tại Ðiện Biên, và sản phẩm làm ra cũng có chỗ đứng nhất định trên thị trường”.

Còn riêng gia đình ông, 4 người con giờ đã thành đạt, lập gia đình và ra ở riêng. Hiện chỉ còn hai ông bà sớm tối bên nhau. Mặc dù không phải lo về kinh tế nữa, song vợ chồng ông Tân vẫn duy trì sản xuất hơn 6.000m2 rau sạch, cây ăn quả và chăn nuôi gà, đào ao thả cá như một thói quen không thể bỏ. Với ông, “Ngày chiến tranh thì còn sống là còn chiến đấu. Giờ thời bình thì còn sống là còn lao động, cống hiến”.

Không được thuận lợi như ông Tân, bước ra từ cuộc chiến “đỏ lửa”, cựu chiến binh Lê Xuân Chinh, đội 4a, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) lại mang trong mình chất độc màu da cam dioxin. Ông là lính thông tin thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, tham gia chiến đấu tại chiến trường ác liệt nhất - Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trước khi quân ta chính thức rút khỏi Thành cổ khoảng 1 tuần, ông Chinh bị thương nặng và được chuyển về tuyến sau điều trị. Năm 1974 do không còn đủ sức khỏe để chiến đấu, đơn vị giải quyết cho ông nghỉ an dưỡng rồi ra quân. Những năm tháng chiến tranh hào hùng, song cũng đầy khốc liệt không chỉ cướp đi một phần sức khỏe, khiến ông mất đi khả năng lao động để lo cho kinh tế gia đình, mà xót xa hơn nó còn để lại nỗi đau kéo dài cho thế hệ con, cháu.

Tâm sự với chúng tôi về gia đình mình, nén tiếng thở dài sau nụ cười, ông Chinh chia sẻ: “Cậu con trai của tôi bị di chứng nên đứa cháu nội duy nhất cũng bị ảnh hưởng. Thời gian đầu phát hiện bệnh chúng tôi sốc lắm. Nhất là khi cháu nội được 7 tháng mà chưa thể lẫy, bò... Hàng ngày chứng kiến cuộc sống khó khăn, vất vả của con; rồi những cơn đau thường xuyên hành hạ đứa cháu, tôi đau lòng lắm. Nhưng nghĩ đi, rồi nhìn lại thì cũng không thể buồn mãi được, đồng đội mình nhiều người còn thiệt thòi hơn...”. Tuy không nói ra, song chúng tôi hiểu, không người làm cha nào không thắt lòng khi nhìn con, cháu mình đau ốm, nhất lại là ở trong hoàn cảnh éo le của gia đình ông. Bệnh tật của bản thân có thể không là gì, nhưng tương lai của người con trai và cháu nội duy nhất thì ông luôn canh cánh suy tư.

Gác lại hoàn cảnh gia đình ở phía sau, ông Chinh tích cực tham gia vào các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương như một cách làm cho “cuộc sống có nghĩa” hơn. Bằng câu chuyện của gia đình mình, ông truyền cảm hứng cho nhiều người về nghị lực sống, sự lạc quan và kiên cường trong mọi hoàn cảnh. Ðược biết, hiện nay ông vẫn tích cực kết nối với bạn bè, đồng đội. Những người lính như các ông, trở về với đời thường mỗi người một hoàn cảnh, câu chuyện cuộc đời; không có gì giúp đỡ nhau nhiều, song vài ba lời hỏi thăm, động viên, an ủi thật sự là điều vô cùng quý giá.

Nhắc đến đồng đội, ông Chinh phấn chấn hơn hẳn, ông kể cho chúng tôi nghe, trong dịp giữa tháng 4/2017, ông được gặp lại những người một thời cùng sống, chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. Cảm xúc vui - buồn đan xen, tiếp nối, ông chia sẻ: “Tôi thật sự bất ngờ và phấn khởi khi chứng kiến sự thay đổi vượt bậc của mảnh đất Quảng Trị ngày nào. Nhưng cũng không cầm được lòng khi đến thắp hương cho những đồng đội vĩnh viễn nằm lại nơi đó. Dù người còn - người mất, tôi như được trở về những ngày tháng hào hùng, trở về với những kỷ niệm không bao giờ quên. Ðó mãi là ngọn lửa, là nguồn sống trong tôi không bao giờ tắt. Tôi thấy mình đã may mắn hơn nhiều đồng đội, được hưởng chế độ chính sách, không phải lo chuyện nhà cửa, mong ước được trở lại chiến trường thăm đồng đội cũng đã thực hiện được rồi...”.

Giữa không khí hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử, hình ảnh, lời nói và câu chuyện của những người lính thời “hậu chiến” trong khoảng thời gian ngắn ngủi gặp mặt cứ neo mãi trong lòng chúng tôi. Vẫn tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, nhưng hôm nay họ không chỉ cho chúng tôi thấy một quá khứ hào hùng, kiên cường vượt qua chiến tranh ác liệt, mà còn thể hiện một tinh thần lạc quan, vượt qua mọi khó khăn, hoàn cảnh để sống và sống có ích. Thế hệ các ông là thế hệ của những người “nước còn giặc còn đi đánh giặc”, và mãi mãi là tấm gương cổ vũ cho lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì độc lập, tự do và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top