Hồng Líu, ngày ấy - bây giờ

10:17 - Thứ Sáu, 27/04/2018 Lượt xem: 9402 In bài viết
ĐBP - Tấm bia ấy nằm giữa cánh đồng lúa xanh ngắt đang độ trổ cờ ở bản Hồng Líu, phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ) là một minh chứng của lịch sử và cũng như là lời nhắc nhở mỗi người dân và thế hệ cháu con bản Hồng Líu không thể nào quên những đau thương của cuộc chiến 64 năm trước. Vượt lên những mất mát, người dân Hồng Líu đã vượt qua bao khó khăn, tích cực dựng xây bản làng với cuộc sống ấm no, yên bình.

Thật khó khi chúng tôi tra tìm thông tin lịch sử về trận địa cao xạ pháo 37mm ở bản Hồng Líu trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ lịch sử 64 năm về trước (năm 1954). Và điều khó hơn nữa là những người già, bậc cao niên sống ở bản Hồng Líu ngày ấy, những nhân chứng còn lại đến bây giờ trí nhớ cũng không còn đủ minh mẫn. Thật quý giá, sau khi trò chuyện với trưởng bản Lò Văn Soạn và tìm hỏi thêm vài người già, tôi cũng gặp được cụ ông Cà Văn Song. Theo lời ông Lò Văn Soạn thì ông Cà Văn Song là 1 trong 5 “nhân chứng sống” còn lại của thế hệ những người dân sinh ra và lớn lên tại bản Hồng Líu từ trước Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đến giờ.

 

Ông Cà Văn Song và ông Lò Văn Soạn phấn khởi kể về những đổi thay ở bản Hồng Líu.

Trong ngôi nhà sàn nhỏ giữa bản, ông Cà Văn Song ngược dòng ký ức nói về cuộc sống của người dân bản Hồng Líu trong những năm tháng chiến tranh đầy gian khó. Thời kỳ Chiến dịch Ðiện Biên Phủ vào giai đoạn ác liệt, bản Hồng Líu ở khu vực gần Tỉnh đội bây giờ. Năm ấy ông Cà Văn Song mới 18 tuổi. Dù ở cái tuổi mười tám đôi mươi nhưng ông và nhiều thanh niên trai tráng trong bản lại phải trốn liên tục vì nếu không sẽ bị bắt đi lính cho quân Pháp. Thời điểm gần giải phóng, Pháp phát hiện dân ta nuôi giấu bộ đội, chúng ra sức càn quét. Cuộc sống cơ cực dưới bom đạn, có hôm lúa chín vàng ngoài đồng chưa kịp gặt đem về nhà, quân Pháp đã vào bản bắt bà con ra các khu tập trung, không cho bà con lấy thóc ngoài ruộng về ăn. Người nào thoát được thì phải trốn, ẩn náu trong rừng, vừa đói, vừa rét. Cơm không có ăn, quần áo không có mặc. Con trâu, con bò đành thả rông không người chăm sóc, chỉ đến lúc được thả bà con mới ra các bãi hoang, lên rừng, lên đồi tìm trâu, bò nhà mình. Có lần quân Pháp lùa dân tập trung lại bắt chặt phá cây tre gai nhằm tạo tầm nhìn thông thoáng cho máy bay của chúng quan sát mục tiêu ở dưới. Khổ cực là vậy nhưng bà con vẫn một lòng kiên trung theo cách mạng, tích cực tăng gia góp lương thực cho kháng chiến. Bao năm tháng trôi qua, nhưng đến giờ ông Song vẫn nhớ cái ngày 7/5/1954 ấy. Khi ông cùng với người anh của mình vừa lấy củi về đến đầu bản thì tin đại thắng chiến dịch đến nơi. Cả bản hân hoan, vui mừng, phấn khởi vì sau bao tháng ngày cơ cực nay đã được tự do.

Sau khi Chiến dịch Ðiện Biên Phủ thắng lợi, người dân bản Hồng Líu chuyển xuống địa điểm thấp hơn cách nơi cũ chừng hơn 200m. Lúc ấy khu vực bản mới chỉ là bãi đất hoang. Trong không khí hân hoan của ngày đại thắng, bà con dân bản phấn khởi bắt tay vào khai vỡ đất hoang thành ruộng nước, siêng năng xây dựng cuộc sống mới. Hộ này giúp hộ kia lên rừng chặt tre, nứa làm vật liệu rồi hỗ trợ ngày công dựng nhà. Dù ban đầu nhiều khó khăn, thiếu thốn song tình làng nghĩa bản đoàn kết, bà con đùm bọc nhau lắm. Ông Song kể rằng, lúc ấy các quả đồi quanh bản toàn những thân cây cổ thụ, tre nứa bạt ngàn; bà con phải làm chuồng trại chắc chắn ngay dưới gầm sàn để hổ, báo không vào bắt được trâu, bò. Con suối chảy qua ngay đầu bản còn có hươu, nai từ rừng ra uống nước.

Ngày nay Trận địa cao xạ pháo 37mm ở bản Hồng Líu là 1 trong 11 điểm di tích trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ - chiến trường diễn ra Chiến dịch Ðiện Biên Phủ ác liệt năm xưa. Tuy vậy, rất ít người biết đến địa điểm này. Tấm bia di tích bản Hồng Líu - trận địa pháo của Tiểu đoàn 383 (Trung đoàn 367 pháo phòng không, Ðại đoàn công pháo 351) tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ từ ngày 30/3 - 7/5/1954 nằm ngay đầu bản văn hóa Hồng Líu. Những cụ ông, cụ bà sinh ra và lớn lên ở bản Hồng Líu từ thời kỳ những năm 30, 40 của thế kỷ trước còn sống đến ngày nay như ông Cà Văn Song hay bà Lò Thị Mấng, Lò Thị Thái, Lò Thị Lả hay ông Lò Văn Lẻ đều đã ngoài 70, 80 tuổi. Ông Song tự hào nói rằng, lịch sử đã được ghi lại cả rồi, điều vui mừng, phấn khởi nhất của thế hệ chúng tôi bây giờ là niềm vui khi chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” của quê hương, bản làng mình.

Bản Hồng Líu bị bom đạn cày xới, phải tản cư năm nào giờ đây nằm yên bình giữa một bên là cánh đồng Mường Thanh xanh mướt, bên kia là dòng kênh Ðại thủy nông Nậm Rốm. Từ hơn chục nóc nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái ban đầu nay bản đã có 105 hộ với 6 dân tộc (Thái, Mông, Khơ Mú, Nhắng…). Dọc tuyến đường bê tông nội bản những thửa lúa đương “thì con gái” ngát hương, cảm giác thanh bình, yên ả. Những ngôi nhà sàn của bà con dân tộc Thái khang trang sạch đẹp, thoáng mát. Nhiều nhà còn chăm chút trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan. Chăm chỉ làm ăn, đời sống bà con ngày một khấm khá, bình quân số hộ khá, giàu ở bản chiếm 70%. Ngoài làm nông nghiệp nhiều hộ còn nhanh nhạy mở thêm ngành nghề, kinh doanh dịch vụ. Ðời sống ngày một nâng lên, bà con quan tâm đầu tư cho con cháu học hành. Năm học 2016 - 2017 bản có 10 em đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Vài năm trở lại đây đời sống của dân bản Hồng Líu càng đổi thay hơn từ khi có tuyến đường Noong Bua - Pú Tửu chạy qua bên kia kênh đại thủy nông. Buổi tối ánh đèn cao áp sáng choang, dù giữa cuộc sống đan xen hiện đại, cơ giới hóa nhưng bà con vẫn giữ nguyên bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc mình. Ðã khuya nhưng trong những nếp nhà sàn vẫn vang tiếng trẻ đọc bài, tiếng mẹ ru em thơ ngủ…

Bài, ảnh: Bình Nguyên
Bình luận
Back To Top