Ðẩy mạnh thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”

10:26 - Thứ Sáu, 27/04/2018 Lượt xem: 9367 In bài viết
ĐBP - Ðẩy mạnh thực hiện Quyết định số 09 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về quy chế thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương; đến nay, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong toàn tỉnh đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” tại đơn vị, địa phương. Từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến thực hiện giao dịch giải quyết TTHC.

 

Cán bộ bộ phận “Một cửa” Văn phòng UBND TP. Ðiện Biên Phủ giải quyết TTHC.

Tại Sở Công Thương, hiện có 17 lĩnh vực, 123 TTHC được thực hiện theo cơ chế “Một cửa”. Tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Sở luôn bố trí 2 cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Quy chế, quy định, quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký, trả lại bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” cũng như trách nhiệm của mỗi bộ phận liên quan trong việc thực hiện cơ chế “Một cửa” được quy định rõ ràng, cụ thể, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch. Sở đã ban hành kế hoạch triển khai đo lường sự thỏa mãn của khách hàng”; toàn bộ TTHC thuộc chức năng quản lý của Sở được niêm yết công khai tại trụ sở và được đăng tải lên website của ngành để các tổ chức, cá nhân thuận tiện trong việc tra cứu. Kết thúc quý I/2018, Sở đã tiếp nhận 1.571 hồ sơ thuộc các lĩnh vực lưu thông hàng hóa trong nước, vật liệu nổ công nghiệp, an toàn thực phẩm, quản lý cạnh tranh và xúc tiến thương mại; giải quyết và trả 1.571 hồ sơ; 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn, không có tình trạng hồ sơ trả quá hạn. Không phát sinh phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức liên quan đến TTHC. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, tháng 5 tới Sở triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm tiếp nhận giải quyết TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 2 TTHC thông báo thực hiện khuyến mại và đăng ký thực hiện khuyến mại. Qua đó nhằm đánh giá mức độ hiệu quả đối với tổ chức, cá nhân yêu cầu giải quyết TTHC, đánh giá sự thay đổi, yêu cầu quản lý đối với cán bộ và quy trình giải quyết TTHC trên môi trường mạng internet trước khi áp dụng đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết.

Cùng với đẩy mạnh thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”; hệ thống “Một cửa” theo hướng hiện đại đã được đầu tư xây dựng tại 11 cơ quan trong toàn tỉnh. Ðó là, Sở Nội vụ, Sở Y tế và 9/10 UBND các huyện, thị xã, thành phố (đạt tỷ lệ 38%). Qua đó từng bước mang lại hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, giảm thiểu thời gian xử lý công việc cho cán bộ tiếp nhận và thụ lý, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết các TTHC; đồng thời cung cấp các công vụ giúp người dân có thể dễ dàng tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua hệ thống mã vạch đặt tại bộ phận “Một cửa”.

Ðẩy mạnh cải cách TTHC thực hiện cơ chế “Một cửa” và “Một cửa liên thông”; nâng hiệu quả hoạt động của bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân, tỉnh chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý công việc cho cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Nghiên cứu, tiến tới xây dựng mô hình Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh; tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế “Một cửa” ở các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã. Ðẩy nhanh tiến độ triển khai và thực hiện liên thông giữa các cơ quan cùng cấp và khác cấp nhằm đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC cho doanh nghiệp và người dân.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top