Vấn đề hôm nay

Chung tay phòng, chống bệnh dại

08:19 - Thứ Tư, 02/05/2018 Lượt xem: 9156 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm nhiều người tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Giai đoạn 2011 - 2016, trung bình mỗi năm có 92 ca tử vong và khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng. Trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nước có 17 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 12 tỉnh, thành phố.

Trên địa bàn tỉnh ta, từ năm 2010 đến hết năm 2017 có 40 trường hợp người tử vong do bệnh dại. 3 tháng đầu năm 2018 có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại tại xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) và xã Búng Lao (huyện Mường Ảng); có 1.082 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng. Có thời điểm, một số địa phương đã trở thành điểm nóng của bệnh dại, khi số lượng người bị chó, mèo nghi dại cắn cao như: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Lay... Nguy cơ bệnh dại phát sinh đe dọa tính mạng con người vẫn tiếp tục tăng, do công tác quản lý đàn chó còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh hàng năm rất thấp (chỉ đạt dưới 50% tổng đàn).

Thông thường, mùa hè, thời tiết nắng nóng nên số chó, mèo mắc bệnh dại; số trường hợp bị chó, mèo cắn phát bệnh dại càng nhiều hơn. Do vậy, để hạn chế thấp nhất bệnh dại trên người và cả trên đàn chó, mèo; cùng với đó là nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo, thì mỗi người dân cần chung tay phòng, chống bệnh dại đảm bảo hiệu quả.

Trước nhất, cần thống kê, rà soát tổng đàn chó, mèo để thực hiện tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ. Bên cạnh công tác tuyên truyền để người dân tự giác, chủ động tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo thì áp dụng các biện pháp khác nghiêm khắc hơn theo Pháp lệnh Thú y và các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chăn nuôi chó, mèo. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, do vậy, cần đưa kết quả tiêm phòng bệnh dại trên chó, mèo vào “tiêu chí mềm” xét công nhận nông thôn mới. Với địa phương nào tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo thấp, cũng có nghĩa công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc hưởng ứng chủ trương tiêm phòng dại cho vật nuôi của người dân còn ở mức hạn chế. Như vậy có nghĩa địa phương đó còn xem nhẹ vấn đề sức khỏe, sự an nguy của chính mình và gia đình. Bên cạnh đó, cần tính đến cả việc xét thi đua, khen thưởng các danh hiệu của địa phương vào dịp cuối năm như: công nhận gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu; cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ năm...

Chó là vật nuôi yêu quý trong mỗi gia đình. Do vậy, các hộ nuôi phải nhốt trong khuôn viên tư gia. Khi ra đường phải rọ mõm, tránh để chó cắn người. Như thế sẽ ngăn ngừa, giảm thiểu các trường hợp chó cắn người và giảm thiểu nguy cơ chó nhà bị chó dại tấn công. Với người dân, khi bị chó, mèo nghi dại cắn, cần đến các cơ sở y tế để xử trí vết thương và điều trị dự phòng bệnh dại kịp thời.

Với cơ quan chuyên môn, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý triệt để số chó, mèo mắc bệnh dại, nghi dại. Cần chú trọng kiểm soát bệnh dại tại các khu vực có ổ dịch cũ, nơi có người tử vong do bệnh dại. Thường xuyên tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng dại để duy trì tỷ lệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh dại phát sinh lây lan trên đàn chó, mèo.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top