Ðảm bảo an toàn hành lang lưới điện

Quan trọng vẫn là ý thức người dân

08:46 - Thứ Tư, 02/05/2018 Lượt xem: 9322 In bài viết
ĐBP - Việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ hành lang an toàn lưới điện là hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn, ổn định trong vận hành lưới điện và tính mạng, tài sản của người dân. Hàng năm, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên luôn quan tâm tổ chức các hội nghị tuyên truyền về bảo vệ an toàn lưới điện tới người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng An toàn (Công ty Ðiện lực Ðiện Biên). Phần lớn đường dây điện nằm ở địa bàn đồi, núi hiểm trở, đi lại khó khăn nên dễ mất an toàn. Một số tuyến đường điện đi qua khu vực đông dân cư, khu vực trồng nhiều cây xanh chủ yếu sử dụng dây trần. Ðể đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện trên địa bàn, Công ty thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng đến với người dân thông qua các hình thức như: Phát tờ rơi; sử dụng xe lưu động gắn băng rôn, biểu ngữ diễu hành qua các thôn, xã có đường dây tải điện chạy qua; thường xuyên kiểm tra phát quang cây xanh trong và ngoài hành lang điện; phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm… Phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về công tác sử dụng điện an toàn. Ðồng thời, trong quá trình kiểm tra tuyến, cán bộ, công nhân điện lực tại các huyện, thị, thành phố trực tiếp đến từng hộ dân sinh sống dọc hành lang đường dây điện để vận động ký cam kết bảo vệ an toàn hành lang lưới điện.

 

Công nhân Ðiện lực thành phố Ðiện Biên Phủ hướng dẫn phương pháp sơ cứu người bị điện giật bằng phương pháp hà hơi thổi ngạt kết hợp ép tim ngoài lồng ngực cho học sinh Trường THCS Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên).

Ngoài tuyên truyền tới cộng đồng dân cư, hoạt động tuyên truyền còn được tổ chức tại các điểm trường học thông qua hình thức sân khấu hóa, các bài thi nhận diện các mối nguy hiểm về điện dưới hình thức trò chơi, những hình ảnh, nhân vật, câu chuyện thực tế sinh động, giúp học sinh hiểu hơn về công tác phòng ngừa tai nạn điện trong nhân dân. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật ngành Ðiện còn hướng dẫn cách nhận diện các mối nguy hiểm về điện trong cuộc sống hàng ngày, như: Tuyệt đối không vi phạm hành lang bảo vệ lưới điện cao áp; không xây dựng, cơi nới nhà cửa, trồng cây cao vi phạm khoảng cách an toàn với đường dây; khi xảy ra mưa bão, gió mạnh cần tắt hết nguồn điện trong nhà; không đứng dưới chân cột điện hay đường dây điện khi trời mưa; không nhặt dây dẫn điện khi bị rơi xuống đất, hoặc leo trèo tháo dỡ các cấu kiện thiết bị lưới điện... Với mục đích mong muốn mỗi học sinh trở thành một tuyên truyền viên tích cực, hướng dẫn, giúp gia đình và cộng đồng cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Ðiện lực thành phố Ðiện Biên Phủ đang quản lý, vận hành 172,878km đường dây 22 - 35kV và 177 trạm biến áp tại 9 phường, xã trên địa bàn thành phố; 4 xã: Mường Phăng, Pá Khoang, Nà Nhạn, Nà Tấu (huyện Ðiện Biên) và xã Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông). Ðịa hình của những khu vực ngoài thành phố đồi núi phức tạp, đặc biệt là 11,2km đường dây 35kV của đơn vị được kéo qua rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc khu vực xã Pá Khoang có nhiều cây to, nguy cơ đổ vào đường dây khi thời tiết diễn biến phức tạp như mưa, giông, lốc… Ông Trần Văn Sỹ, Phó Giám đốc Ðiện lực thành phố cho biết: Ðơn vị luôn xác định công tác đảm bảo hành lang lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do đó, đơn vị đã tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo quản lý, vận hành an toàn hành lang lưới điện và các trạm biến áp, tránh tình trạng mất điện cục bộ cũng như diện rộng. Ðồng thời, huy động cán bộ, công nhân các đội sản xuất tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hành lang lưới điện, các vị trí xung yếu; tổ chức các đoàn kiểm tray kịp thời các vị trí vi phạm hành lang lưới điện. Cùng với đó, Ðiện lực thành phố phối hợp chặt chẽ với chính quyền các phường, xã tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức đảm bảo an toàn hành lang lưới điện. Ðiện lực thành phố xây dựng các clip, slide, hình ảnh, tờ rơi, pa nô áp phích theo mục đích, kế hoạch tuyên truyền hàng tháng, quý như: Bảo vệ an toàn hành lang lưới điện; sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; các biện pháp phòng ngừa tai nạn điện; phòng chống cháy nổ... Sau đó truyền tải các thông điệp này đến người dân thông qua hình thức phát tờ rơi; tổ chức tọa đàm, hướng dẫn trực tiếp, chiếu video clip... Tuy nhiên, công tác tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện gặp khó khăn do 1 bộ phận dân cư sống rải rác, thưa thớt vẫn tự ý đốn cây làm nhà, làm củi đốt ảnh hưởng đến hành lang lưới điện.

Thời gian tới, để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, Công ty tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền; thường xuyên kiểm tra phát quang cây xanh trong và ngoài hành lang điện; phối hợp với các công ty viễn thông tiến hành bó gọn dây cáp viễn thông, cáp truyền hình... Phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn điện; xử lý biển hiệu, biển quảng cáo, ăng ten tivi có nguy cơ đổ vào lưới điện... Việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, giảm thiểu tình trạng vi phạm hành lang lưới điện không chỉ đảm bảo an toàn cho hệ thống cung cấp điện, mà còn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top