Sáp nhập tổ dân phố tại TP. Ðiện Biên Phủ

Tạm dừng vì nhiều lẽ

08:33 - Thứ Năm, 03/05/2018 Lượt xem: 8859 In bài viết
ĐBP - Nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; kế hoạch thực hiện việc sáp nhập tổ dân phố (TDP) trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ thời gian qua đã được triển khai qua nhiều khâu, song đến nay phải tạm dừng vì nhiều lẽ…

 

Những con đường ở TDP 14, phường Mường Thanh khang trang, sạch đẹp là nhờ có sự đóng góp công sức của cán bộ không chuyên trách TDP trong việc tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ðỗ Thành Công, Trưởng phòng Nội vụ TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Phòng Nội vụ đảm nhiệm nhiệm vụ tham mưu giúp UBND TP. Ðiện Biên Phủ khảo sát xây dựng phương án sáp nhập một số TDP có quá ít hộ dân, không thuận tiện trong quản lý địa bàn. Thực hiện theo quy định, quy trình về việc sắp xếp, sáp nhập các TDP của Bộ Nội vụ; chúng tôi đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức khảo sát các điều kiện cụ thể để sáp nhập TDP trên địa bàn; nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về chủ trương sáp nhập TDP, khảo sát các vấn đề về địa hình, diện tích, dân số; điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của TDP sau khi sáp nhập. Qua rà soát cho thấy, có 101 TDP đảm bảo theo tiêu chí về quy mô TDP (có từ 70 hộ trở lên); 36 TDP không đảm bảo theo tiêu chí quy mô hộ gia đình. Cá biệt, TDP 3 (phường Noong Bua) số hộ rất thấp, chỉ có 40 hộ trong khi vẫn phải bố trí đến… 10 cán bộ bán chuyên trách. Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04 ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, TDP thì TDP (ở vùng miền núi) phải có quy mô từ 150 hộ gia đình trở lên; TP. Ðiện Biên Phủ chỉ sáp nhập các TDP quá nhỏ không đảm bảo tiêu chí theo quy định; sáp nhập các TDP có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả. Theo phương án này, dự kiến sau khi sáp nhập sẽ còn 90 TDP (giảm 47 TDP) so với hiện nay và giữ nguyên 27 bản. Nếu phương án được thực hiện, tính sơ bộ mỗi năm sẽ tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng chi phụ cấp từ ngân sách cho số cán bộ không chuyên trách; chưa kể đến sẽ có nhiều thuận lợi trong việc huy động nguồn lực, các khoản đóng góp để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt và các hoạt động của TDP; việc tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Ðảng, Nhà nước tập trung hơn, thuận tiện hơn…

Thuận lợi là vậy, nhưng khi khảo sát bằng hình thức phát phiếu thăm dò ý kiến của một số cán bộ tại các TDP thuộc 4 phường: Him Lam, Tân Thanh, Mường Thanh và Nam Thanh thì có tới 54/94 số phiếu không đồng ý với chủ trương sáp nhập TDP (chiếm gần 57,4%). Khó khăn mà lãnh đạo chủ chốt một số TDP đưa ra đó là việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân do phải điều chỉnh các thủ tục, giấy tờ liên quan đến từng khâu, từng hộ gia đình; phải sắp xếp lại hệ thống cán bộ không chuyên trách ở cơ sở. Hầu hết các TDP hiện nay đã được xây dựng hội trường nhưng quy mô đa phần chỉ đảm bảo cho từ 40 - 60 người, số ít hội trường có sức chứa lớn hơn nhưng cũng chỉ đảm bảo cho dưới 100 người nên khi sáp nhập sẽ không đảm bảo. Thêm phần khó khăn nữa được đưa ra là khi sáp nhập sẽ làm tăng số hộ, khó trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức hội họp; một số TDP có địa hình kéo dài, chia cắt, giao thông không thuận lợi, đi lại khó khăn trong khi cán bộ bán chuyên trách đa phần thuộc đối tượng hưu trí hoặc tuổi đã cao, sẽ ảnh hưởng đến việc đảm nhiệm nhiệm vụ. Một số TDP hiện có quy mô số hộ không đảm bảo nhưng không muốn sáp nhập vì cho rằng trên địa bàn có nhiều lô đất trống còn khả năng phát triển số hộ…

Căn cứ kết quả khảo sát về việc sáp nhập TDP tại các xã, phường trên địa bàn; Thường trực Thành ủy, HÐND thành phố, lãnh đạo UBND thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo sáp nhập TDP TP. Ðiện Biên Phủ đã làm việc với Sở Nội vụ thống nhất về chủ trương, biện pháp sáp nhập; cũng như phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, xem xét tâm tư nguyện vọng của cán bộ TDP, nhân dân trên địa bàn. Hội nghị đã thống nhất cao về việc tạm dừng việc triển khai sáp nhập các TDP trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ đến khi thực hiện Ðề án Phân loại đô thị và công nhận thành phố thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh Ðiện Biên (dự kiến vào năm 2020) và được Ban Thường vụ Thành ủy nhất trí.

Sáp nhập TDP đã được thực hiện tại khá nhiều các địa phương trong toàn quốc và được đánh giá là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Dù đã tạm dừng việc triển khai sáp nhập các TDP, song TP. Ðiện Biên Phủ cần tiếp tục tuyên truyền, vận động đến bộ phận cán bộ, người dân chưa thông suốt để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, mục tiêu của việc sáp nhập TDP. Ðể tới khi có chủ trương về việc tiếp tục triển khai thực hiện sẽ nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ phía cán bộ TDP cũng như người dân và để việc sáp nhập thuận lợi, thành công.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top