Trên đỉnh Pú Vang

08:42 - Thứ Năm, 03/05/2018 Lượt xem: 9689 In bài viết
ĐBP - Là bản vùng cao đặc biệt khó khăn của xã Mường Mươn (huyện Mường Chà), bản Huổi Meo cách quốc lộ 12 chừng 8km. Từ trung tâm xã nằm bên quốc lộ tấp nập người, xe qua lại, ngược dốc, vượt qua con đường đất bụi phủ là một hình ảnh về vùng đất Huổi Meo gần như hoàn toàn trái ngược. Những căn nhà gỗ thấp, mái lợp tranh nổi lên giữa nền đất khô cằn, trắng xóa, thiếu vắng màu xanh của cây cỏ, ruộng vườn. Từ xa nhìn lại, những nếp nhà trong bản Huổi Meo như chiếc bát úp quần tụ nơi lưng chừng, cheo leo trên đỉnh núi. Ði sâu vào phía trong, hình ảnh dễ dàng bắt gặp nhất là những đứa trẻ nheo nhóc, quần áo lấm lem, đầu trần, chân đất vô tư lăn lộn, chạy nhảy tung tăng khắp bản trong cái nắng như muốn đốt cháy da thịt. Ðặc biệt ở Huổi Meo rất hiếm gặp thanh niên, do đây là lực lượng lao động chính phải đi làm nương xa từ sáng sớm đến tối mịt mới về, thậm chí vào mùa thì họ ngủ luôn trên lán nương.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tranh cũng chẳng có nhiều khác biệt so với hàng chục ngôi nhà khác trong bản, anh Vừ Vả Dếnh, Trưởng bản Huổi Meo cho biết: “Bản gồm 2 cụm dân cư: Pú Vang và Huổi Meo, là nơi sinh sống của 84 hộ dân, với gần 600 nhân khẩu đều là dân tộc Mông. Bản có tới 80 hộ nghèo, 4 hộ còn lại thuộc cận nghèo. Hơn 40 năm qua, từ khi khai sơn lập bản, người dân 2 cụm: Pú Vang và Huổi Meo đã sống chung với cảnh không điện lưới quốc gia, không nguồn nước sạch, giao thông đi lại hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa; đời sống ở đây thì đều thiếu thốn như nhau, phụ thuộc cả vào cây ngô, củ sắn, hạt thóc trồng trên nương…”.

 

Nhiều gia đình ở Huổi Meo như hộ ông Hờ Chùng Chá không chỉ thiếu nước sạch, điện thắp sáng mà còn thiếu tư liệu sản xuất.

Theo chân trưởng bản đến 1 ngôi nhà đã định cư khoảng 20 năm, phải cúi người chúng tôi mới bước được vào bên trong, do ở đây các gia đình đều làm nhà rất thấp, phần vì tiết kiệm nguyên liệu, phần cũng là để tránh gió bão, thiên tai... Tài sản lớn nhất mà chúng tôi ghi nhận được tại gia đình này có lẽ là mấy bao thóc dự trữ, được xếp gọn chồng lên nhau. Chủ căn nhà này, ông Hờ Chùng Chá chia sẻ: “Ðây là số thóc thu hoạch được của vụ trước và cùng là nguồn lương thực cho cả gia đình 7 miệng ăn trong cả năm. Năm được mùa thì cũng tạm đủ ăn, nhưng năm vừa rồi mất mùa nên sẽ phải thiếu đói, đứt bữa”. Lương thực khó khăn, nên thực phẩm cải thiện bữa ăn cho gia đình cũng là điều xa xỉ. Ðó là hình ảnh chúng tôi ghi nhận được về bữa ăn hôm ấy của gia đình ông Chá chỉ vẻn vẹn có nồi cơm gạo đỏ, bát nước canh và muối ớt.

Tiếp tục câu chuyện với Trưởng bản Vừ Vả Dếnh, chúng tôi được biết: Trong vô số sự thiếu thốn ở bản “đa không” này, cái khó khăn nhất đối với người dân là không có nguồn nước và điện lưới quốc gia để thắp sáng, phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Nguyên nhân của sự đói nghèo cũng bắt nguồn từ đây. Ðể có nước sinh hoạt hàng ngày, những gia đình có xe máy phải chở can đi lấy ở các mó tự nhiên nằm rải rác quanh bản, điểm gần nhất chừng hơn 1km. Các gia đình không có phương tiện đi lại thì cực nhọc hơn khi phải gùi, cõng nước đi bộ cả giờ đồng hồ, và công việc này chỉ dành cho người lớn, sức khỏe tốt. Cứ vài ngày lại một chuyến ngược dốc “cõng” nước như vậy.

Hơn 40 năm khai phá, gây dựng lên điểm bản, cũng đằng đẵng bằng đó thời gian người dân nơi đây không hề biết đến nguồn sáng của điện lưới quốc gia. Cuộc sống phát triển, ti vi, điện thoại cũng đến gần hơn với bà con, nhưng cũng chỉ có một vài hộ mạnh dạn lắm mới tích cóp tiền sắm sửa. Và để sử dụng được những thiết bị này, họ vẫn đang phải dùng nguồn điện bằng ắc quy hoặc máy phát điện mi ni dùng sức nước, song cũng phập phù, không ổn định.

Anh Mùa A Vừ, cụm Pú Vang cho biết: “Ðất đai ở đây rất cằn cỗi nên không thể trồng các loại cây ăn quả. Nước ăn còn khó khăn thì nói gì đến nước phục vụ sản xuất. Vì vậy, thứ cần nhất đối với chúng tôi bây giờ là nước, nước ăn uống và nước để tưới. Người dân chúng tôi chỉ đi chở được nước về sinh hoạt thôi, chứ không thể chở được nước để chăn nuôi hay trồng trọt”. Cũng vì thiếu nước nghiêm trọng nên không gia đình nào trong bản khai hoang được ruộng để sản xuất lúa nước, mặc dù hiện nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Ða phần cây trồng ở đây là ở trên nương, vì thế không ổn định do đất dốc, bạc màu và xói mòn sau mỗi mùa mưa. Ðịa hình dốc, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, cây trồng chưa kịp bén rễ thì phân bón đã bị rửa trôi. Theo chia sẻ của trưởng bản thì trước đây bà con cũng được đầu tư hệ thống bể chứa nước, song do bảo quản không tốt, nước dẫn về không đảm bảo nên bể không phát huy tác dụng. Bà con cũng đã tính đến phương án mua máy nổ để vận hành, hút nước về, song khoảng cách từ nguồn nước tới bản rất xa (4 - 5km), nên chi phí bỏ ra khá lớn, ngoài khả năng của người dân.

Ðem những trăn trở này trao đổi với ông Lò Văn Lún, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mươn, chúng tôi được biết: Những khó khăn ở Huổi Meo chính quyền xã đều đã ghi nhận, song không thể khắc phục trong một sớm một chiều, do đây là thực trạng chung. Ngoài cụm bản Pú Vang - Huổi Meo, thì hiện nay trên địa bàn xã Mường Mươn còn 5 bản vùng cao khác (Huổi Ho, Huổi Kết Tinh, Pú Múa, Huổi Nhả và Pú Chả) cũng đều chưa có điện lưới quốc gia và khan hiếm về nguồn nước. “Song không phải vì thế mà chúng tôi bỏ mặc bà con. Phần lớn các điểm bản này đều nằm ở vị trí cao nên khan hiếm nước là khó tránh khỏi. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực vận động người dân ở các điểm cao, nhất là điểm cụm Pú Vang di chuyển dần xuống cụm Huổi Meo ở phía dưới, thuận tiện hơn về nguồn nước và cũng đỡ dàn trải, tốn kém khi đầu tư điện lưới. Trong định hướng, Ðảng bộ, chính quyền địa phương vẫn xác định nguồn nước là hết sức quan trọng nên sẽ ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư cho bà con. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi, trồng trọt những loại cây, con có khả năng thích ứng với điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, mà cụ thể là cây dứa. Về phía người dân, cũng cần phải mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo cuộc sống hơn” - ông Lún cho biết thêm.

Chia tay Huổi Meo khi mặt trời đang dần di chuyển về phía Tây để kịp giờ xuống quốc lộ trước lúc trời tối. Từ đỉnh Pú Vang phóng tầm mắt ra xa, hình ảnh cuối cùng đọng lại trong chúng tôi, và cũng là “vầng sáng” duy nhất trong bức tranh về cụm bản Pú Vang - Huổi Meo là sự hiện diện của điểm Trường Tiểu học Pú Vang. Nhờ sự quan tâm, chung tay của cộng đồng, ngôi trường được đầu tư xây mới cách đây ít bữa. Trong những phòng học kiên cố, khang trang, bọn trẻ có vẻ thích thú và đến lớp đông đủ hơn. Tiếng đánh vần từng con chữ vanh vách, vang vọng khắp bốn bề, xua tan đi khung cảnh hoang hoải, trống trải của miền đất khô cằn ngày nào. Ðúng như Bác Hồ đã từng nói “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, đâu đó trên đỉnh Pú Vang hôm nay, xã hội đã quan tâm hơn, người dân đã dần tự ý thức hơn, bắt đầu từ sự học!

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top