Chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp người lao động

08:37 - Thứ Sáu, 04/05/2018 Lượt xem: 9730 In bài viết
ĐBP - Xã hội càng phát triển thì công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng được quan tâm và đầu tư thực hiện. Tại tỉnh ta, dù còn nhiều khó khăn nhưng hoạt động này luôn được ưu tiên, nghiêm túc triển khai, góp phần tạo niềm tin và động lực vươn lên trong nhân dân.

Bà Lò Thị Thoa, Trưởng phòng Chính sách thương binh, liệt sĩ và Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: Việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách trên địa bàn luôn được tỉnh ta quan tâm bằng nhiều hoạt động tri ân, động viên, giúp đỡ đối tượng cùng gia đình trong cuộc sống. Tổng số hộ gia đình chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn là 15.518 hộ (trong đó khoảng 1.200 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, còn lại là người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần), nhờ có các chính sách đãi ngộ, trợ giúp cùng nghị lực vươn lên mà 98,45% số hộ có mức sống trung bình trở lên. Năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa cho 34 gia đình có công với cách mạng với tổng tiền trên 1 tỷ đồng; vận động đóng góp xây dựng Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa được hơn 2,5 tỷ đồng.

 

Ðoàn viên thanh niên huyện Ðiện Biên tìm hiểu thông tin việc làm tại Hội chợ Việc làm năm 2018. Ảnh: Mai Giáp

Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 14.900 đối tượng bảo trợ xã hội (bao gồm người khuyết tật, trẻ mồ côi, mẹ đơn thân nghèo nuôi con, người cao tuổi, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo…) được trợ cấp hàng tháng. Vào các ngày lễ tết, dịp đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình và tích cực kêu gọi, tiếp nhận tài trợ cho các đối tượng hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, với chủ trương mọi người, mọi nhà đều ăn tết, đón xuân vui vẻ, toàn tỉnh đã tổ chức thăm, tặng 3.462 suất quà cho gia đình chính sách, người có công (trị giá hơn 900 triệu đồng); tặng quà, kết nối trao quà cho hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ thiếu đói dịp tết cho 6.346 hộ, tổng 402,2 tấn gạo; hỗ trợ 1.000 hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi thiên tai ăn tết tổng số tiền 500 triệu đồng… Mới đây, để người dân không đứt bữa mùa giáp hạt, UBND tỉnh ra quyết định phân bổ gần 1,2 tấn gạo cứu đói cho 15.616 hộ dân.

Cùng với các chính sách an sinh xã hội tỉnh ta xác định, giải quyết việc làm cho người lao động là giải pháp hiệu quả, bền vững giúp người dân đảm bảo cuộc sống. Tại huyện Ðiện Biên, ông Trần Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Công tác giải quyết việc làm và dạy nghề những năm gần đây có nhiều đổi mới, có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền cơ sở với nhiều giải pháp cụ thể. Nhờ vậy thông tin cung - cầu lao động tại huyện được kết nối, nhận thức của người dân về học nghề được nâng lên, số lao động được giải quyết việc làm tăng, đặc biệt là đi làm việc ngoại tỉnh và xuất khẩu lao động. Mảng tuyên truyền, tư vấn cũng được đẩy mạnh, từ năm 2017 đến nay, huyện đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, đơn vị xuất khẩu lao động trong và ngoài địa bàn tuyên truyền về chính sách xuất khẩu lao động tại 25/25 xã, cho trên 4.200 lượt người dân. Nhờ những nỗ lực đó cùng các chương trình hỗ trợ khác, năm 2017, huyện đã giải quyết việc làm cho 1.260 lao động. Trong quý I/2018, thêm 458 lao động tìm được việc làm mới, góp phần giúp nhiều hộ dân có thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Không riêng huyện Ðiện Biên mà trên toàn tỉnh, nhiều giải pháp đồng bộ đã được thực hiện, như: Khuyến khích, tạo nguồn vốn vay phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ; tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thông tin việc làm; kết nối, giới thiệu lao động… Ðồng thời, hoạt động tuyển sinh và đào tạo nghề được chú trọng quan tâm, từ đầu năm đến nay có gần 1.800 người được tham gia các lớp đào tạo nghề. Ðáng chú ý, ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng theo nhu cầu thị trường, bên cạnh nhóm nghề nông nghiệp truyền thống, người lao động được đào tạo các nghề phi nông nghiệp để chuyển đổi việc làm, như: sửa chữa xe máy, máy công trình, kỹ thuật xây dựng, hàn xì cơ khí, nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn… Từ đầu năm đến nay, bằng nhiều hình thức, tỉnh ta đã giải quyết việc làm mới cho gần 3.000 lao động, trong đó cung ứng cho các doanh nghiệp và khu công nghiệp ngoài tỉnh 158 lao động. Tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được, mới đây nhất, ngày 27/4, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên và một số đơn vị tổ chức Hội chợ việc làm năm 2018 với 15 gian hàng của các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh, thu hút khoảng 2.000 học sinh, sinh viên, người lao động đến tham quan, tìm hiểu, phỏng vấn xin việc, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống cho nhiều người dân.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top