Ký ức thời khói lửa

08:45 - Thứ Hai, 07/05/2018 Lượt xem: 9197 In bài viết
ĐBP - Trong những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước đang hướng về Ðiện Biên Phủ, chiến sĩ khi mới 19 tuổi Ðiện Biên năm xưa lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm, ký ức về đồng đội của mình đã anh dũng chiến đấu vì độc lập tự do dân tộc. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng trong lòng cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy (sinh năm 1933), tổ dân phố 1, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ, lòng tự hào và vẫn còn ký ức vẹn nguyên về những năm tháng chiến đấu anh dũng tại chiến trường Ðiện Biên. Trong căn nhà nhỏ, ông Bảy tự hào kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm của một thời áo lính với những chiến công nhưng không ít mất mát, đau thương. Qua lời kể của ông, chúng tôi càng thấm thía hơn khi biết những người lính tham gia chiến đấu năm xưa chỉ là những chàng trai mười tám, đôi mươi, nhưng rất hăng hái xung phong ra chiến trường.

Ông Bảy tâm sự: Ông sinh ra trong gia đình có 7 người con ở tỉnh Nghệ An và ông là con út. Vào thời điểm đó, chứng kiến tội ác của thực dân Pháp, trong lòng cảm thấy vô cùng căm phẫn. Vì vậy, năm 1952, khi mới 19 tuổi ông Bảy đã tình nguyện tham gia kháng chiến chống Pháp. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng ông không ngại khó, ngại khổ, hăng hái tham gia kháng chiến và được biên chế vào Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Những ngày đầu tham gia quân ngũ, ông được phân công làm công tác hậu cần, chuyên vận chuyển gạo, súng đạn, lương thực, thực phẩm… Tuy nhiên, khi quân ta đánh chiếm Ðồi A1, nhiều chiến sĩ hy sinh nên ông Bảy xung phong trực tiếp chiến đấu giữ chốt trên Ðồi A1. Ðó là những ngày tháng ông cùng với đồng đội chiến đấu ngày đêm để giành từng tấc đất trên Ðồi A1.

 

Cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy (đầu tiên bên phải) bồi hồi kể lại ký ức trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Ông Bảy bồi hồi nhớ lại: Ðể đánh chiếm Ðồi A1, quân ta phải đào hệ thống giao thông hào sát mục tiêu. Do quân địch ở trên cao, tầm quan sát rộng nên quân ta phải tiến hành đào giao thông hào mỗi khi đêm xuống và đào hào đến đâu lại lấy cây sặt để chắn đạn và ngụy trang; còn ban ngày thì trở về thế phòng thủ. Ngày nắng thì không sao nhưng mỗi khi mưa xuống giao thông hào ngập nước, ông và đồng đội lại chìm trong bùn đất nên nhiều khi ăn cơm còn lẫn bùn, ngủ cùng với đất, không dám rời vị trí chiến đấu. Ông còn nhớ mãi hình ảnh người đồng đội của mình đã hy sinh khi lao lên cứu một thương binh; do quân địch liên tiếp xả đạn về phía quân ta nên người lính đó đã lấy thân mình che chở cho đồng đội mà không đắn đo sự an toàn của bản thân. Anh trúng đạn và hy sinh anh dũng. Kể đến đây giọng cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy dường như chùng xuống vì đó là ký ức không thể nào quên đối với ông, cũng như những người đồng chí, đồng đội.

Cũng giống như cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy, trong những ngày tháng 5 lịch sử này, người lính Ðiện Biên Trần Trọng Bình, tổ dân phố 29, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) lại tự hào kể về chiến công của quân và dân ta trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của ông và đồng đội năm xưa. Năm 1953, rời quê hương Hà Tĩnh, chàng trai Trần Trọng Bình gia nhập quân đội và được biên chế vào Ðại đội 38, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 198, Sư đoàn 316. Sau đó, đơn vị của ông sang giải phóng vùng Thượng Lào; đến tháng 11/1953 thì quay về tham gia giải phóng thị xã Lai Châu. Ông Bình còn nhớ mãi, khi đơn vị ông đuổi địch về đến xã Mường Pồn thì kẻ thù bất ngờ phản công lại. Tại đây, chiến sĩ Bế Văn Ðàn thuộc Trung đoàn ông đã hy sinh. Năm 1954, đơn vị ông được lệnh kéo về khu Tà Lèng, để chuẩn bị cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Nhiệm vụ của đơn vị lúc đó là đào giao thông hào từ suối Hồng Líu lên Ðồi C1. Sau gần 2 tháng thực hiện, đơn vị ông đã đào gần 5km giao thông hào, bao vây Ðồi C1. Hệ thống công sự đan xen nhau, có chỗ ngập đầu người và được ngụy trang như một mạng nhện nên nhiều chiến sĩ không quen, không thông thuộc địa hình bị lạc trong trận địa. Cuối tháng 3, đơn vị tấn công Ðồi C1 và sau đó đánh tiếp Ðồi C2. Cũng tại đây, Tiểu đội trưởng của ông đã hy sinh. Hình ảnh người chỉ huy bị thương nhưng vẫn ra lệnh cho ông cầm lấy khẩu AK tấn công về phía quân thù khiến ông không thể nào quên. Ðến khi đồng đội quay trở lại thì bom đạn đã cày nát nơi anh nằm. Sự ra đi của người lính quả cảm ấy đã khiến toàn đơn vị vô cùng thương xót. Tinh thần sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của anh đã góp phần làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ.

Thông qua câu chuyện của những người lính Ðiện Biên năm xưa, chúng tôi có thể cảm nhận được phần nào những khó khăn, gian khổ mà họ đã trải qua. Bằng ý chí quyết tâm, nhiệt huyết tuổi trẻ, những người lính ấy đã chiến đấu không tiếc máu xương, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trở về với cuộc sống thời bình, những người lính Ðiện Biên vẫn tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ để xây dựng quê hương, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chính quyền tại địa phương, giáo dục con cháu trở thành người có ích, nhưng không khi nào những cựu chiến binh này quên các đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh giành độc lập dân tộc.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top