Cần giải pháp đồng bộ

09:08 - Thứ Tư, 16/05/2018 Lượt xem: 10289 In bài viết
ĐBP - Theo thống kê của Phòng Y tế TP. Ðiện Biên Phủ, trên địa bàn hiện có 227 cơ sở chế biến thức ăn đường phố, tập trung chủ yếu tại các phường: Him Lam, Tân Thanh, Mường Thanh... Các loại thức ăn này tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các dịch bệnh liên quan đến thực phẩm rất cao trong khi việc quản lý và kiểm soát vẫn gặp không ít khó khăn.

Theo ông Vũ Văn Long, Trưởng phòng Y tế TP. Ðiện Biên Phủ: Thức ăn đường phố là những đồ ăn, thức uống được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ. Với ưu thế tiện lợi, giá thành rẻ nên thói quen sử dụng các loại thức ăn đường phố ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, thức ăn đường phố lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm. Nguyên nhân là do các cơ sở này hầu hết đều không đủ nước sạch để vệ sinh dụng cụ, làm sạch nguyên liệu để chế biến thực phẩm. Thêm nữa, dụng cụ che đậy thực phẩm không đảm bảo trong khi các cơ sở này đều đặt ở các vị trí gần đường giao thông, nhiều người qua lại. Chủ các cơ sở này đều hoạt động vào một thời điểm ngắn trong ngày, một số thường xuyên thay đổi địa điểm nên ít bị kiểm tra, dẫn đến khó kiểm soát chất lượng thực phẩm, sức khỏe của người trực tiếp chế biến thực phẩm… Theo thống kê của Phòng Y tế TP. Ðiện Biên Phủ, đến thời điểm hiện tại chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào nghiêm trọng nhưng các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm chắc chắn đã xảy ra; tuy nhiên chưa đến mức độ nghiêm trọng nên người dân vẫn chủ quan, vô tư sử dụng thức ăn đường phố. Tiềm ẩn nhiều nguy cơ là vậy nhưng các quán ăn đường phố có thể mở tự phát ở bất cứ khu vực nào và phát triển rất nhanh. Nếu như thời điểm năm 2017 trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ chỉ có hơn 180 cơ sở thức ăn đường phố thì đến hết tháng 4/2018 con số trên đã tăng lên 227. Thêm vào đó, đa phần trong số đó đều mở vào thời điểm ngoài giờ hành chính, như: Sáng sớm, chiều hoặc tối, thậm chí có quán mở qua đêm tới sáng. Khi ấy, các cơ quan quản lý đều hết giờ làm việc nên khó theo dõi, quản lý các cơ sở này.

Ðể kiểm soát thức ăn đường phố, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và sức khoẻ cho cộng đồng, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2012/TT-BYT. Trong đó, quy định các điều kiện ATVSTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố và giao cho cấp xã, phường trực tiếp quản lý. Thế nhưng, những đơn vị này cũng đang gặp phải không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Khanh, Phó Chủ tịch UBND phường Mường Thanh, cho biết: Trên địa bàn hiện nay có hơn 30 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Ngay từ đầu năm, UBND phường tổ chức cho chủ các cơ sở tập huấn nâng cao kiến thức về ATVSTP; kiểm tra sức khỏe và ký cam kết đảm bảo ATVSTP cho cơ sở của mình. Ðồng thời, UBND phường tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra tại các cơ sở vào dịp tết nguyên đán, tháng hành động về ATVSTP, trung thu. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng cùng với nhiều thủ tục nên UBND phường khó có thể kiểm tra vào những thời điểm khác. Hơn nữa, chủ các cơ sở đã bắt đầu thực hiện nghiêm các quy định trong cam kết nhưng cũng có những hộ thực hiện chống đối, lấy vì hoặc chỉ thực hiện khi có đoàn kiểm tra đến...

Có thể thấy rằng, vấn đề quản lý thức ăn đường phố đã được nhắc tới không ít lần nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Theo ông Vũ Văn Long, để siết chặt công tác quản lý đối với thức ăn đường phố thì ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở kinh doanh có kiến thức về ATVSTP cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành cùng chung tay gỡ khó cho các xã, phường trên địa bàn. Ðồng thời, để kết hợp hài hòa giữa việc quản lý và tạo điều kiện cho các cơ sở thức ăn đường phố, các cấp, ngành cũng cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất như thiết kế các họng nước công cộng để chủ cơ sở có đủ nước sạch, xây dựng các nhà vệ sinh công cộng... Quan trọng nhất, người tiêu dùng cũng cần tự trang bị những kiến thức ATVSTP, kiên quyết tẩy chay và thông báo tới lực lượng chức năng những quán ăn không đảm bảo điều kiện để kịp thời xử lý.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top