Thay đổi nhận thức về SKSS vị thành niên

09:07 - Thứ Năm, 17/05/2018 Lượt xem: 10321 In bài viết
ĐBP - Dự án “Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS) cho học sinh trung học phổ thông miền núi tỉnh Ðiện Biên” được triển khai với sự tài trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam từ tháng 10/2015 tại 2 trường: THPT Phan Ðình Giót (TP. Ðiện Biên Phủ) và Trường THPT Mường Chà (huyện Mường Chà). Ðến nay, sau hơn 3 năm triển khai, Dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức, hành vi của một bộ phận không nhỏ học sinh, giáo viên THPT về SKSS vị thành niên.

Dự án đi vào hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh. Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó phòng Giáo dục Trung học, Thư ký Dự án, cho biết: Với 12 hợp phần và hoạt động cụ thể của Dự án, học sinh tại 2 trường: THPT Phan Ðình Giót và THPT Mường Chà được cung cấp nâng cao kiến thức về SKSS, sức khỏe tình dục, các bệnh lây qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn; phòng lây nhiễm HIV, hướng tới những hành vi tình dục lành mạnh. Ðối tượng hưởng lợi từ dự án là 1.900 học sinh trong độ tuổi từ 15 - 19 được nâng cao kiến thức, thái độ, hành vi liên quan đến SKSS, sức khỏe tình dục; khoảng 3.000 phụ huynh học sinh được cung cấp thông tin về SKSS, sức khỏe tình dục; 20 giáo viên THPT được trang bị kỹ năng và sự tự tin trong truyền thông cũng như giảng dạy về SKSS, sức khỏe tình dục với học sinh. Thông qua thực hiện Dự án, Trường THPT Phan Ðình Giót và Trường THPT Mường Chà bồi dưỡng ra đội ngũ làm công tác truyền thông, trở thành mô hình về tổ chức các hoạt động chăm sóc SKSS để các trường THPT trong toàn ngành học hỏi, triển khai thực hiện.

 

Học sinh Trường THPT Phan Ðình Giót trao đổi kiến thức về SKSS.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực đối với việc giáo dục SKSS cho học sinh THPT. Bằng việc ra mắt câu lạc bộ Tuổi chúng mình, Dự án tạo nên một diễn đàn cho học sinh có thể trao đổi, chia sẻ kiến thức về các vấn đề liên quan đến SKSS vị thành niên, như: Tình bạn, tình yêu; tình dục an toàn, lành mạnh; chăm sóc sức khỏe bản thân… Sau khi tham gia câu lạc bộ, các em học sinh trở nên mạnh dạn hơn khi chia sẻ với giáo viên, phụ huynh về những vấn đề của tuổi mới lớn; năng động, tự tin hơn khi tham gia các hoạt động của câu lạc bộ cũng như các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Không chỉ vậy, qua những chia sẻ của các em, nhiều phụ huynh học sinh cũng đã có sự thay đổi nhận thức về việc giáo dục SKSS, không còn coi đây là “chuyện nhạy cảm” mà sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở khi được con em mình hỏi. Một trong những mục tiêu quan trọng nữa của dự án là nâng cao năng lực cho giáo viên THPT về giảng dạy các chủ đề về SKSS cho học sinh. Chính vì vậy, Dự án tập trung biên soạn cuốn sách có tựa đề “Giáo dục SKSS vị thành niên cho học sinh THPT” với mục đích hỗ trợ các trường THPT và giáo viên trong việc giáo dục SKSS học sinh. Ấn phẩm được hoàn thành trong gần 2 năm, có sự tham gia tích cực của 5 giáo viên THPT của tỉnh nhà, cung cấp nhiều kiến thức quan trọng, thiết thực, bổ ích liên quan đến các vấn đề: Giới và giới tính; tình bạn, tình yêu lứa tuổi học sinh THPT; cơ chế thụ thai và phòng tránh mang thai ngoài ý muốn; phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục; vấn đề xâm hại và lạm dụng tình dục vị thành niên; chăm sóc vệ sinh thân thể; vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Ðồng thời, Dự án tổ chức tập huấn kỹ năng tư vấn, kỹ năng hoạt ngôn cho giáo viên để nâng cao năng lực, tự tin hơn trong các hoạt động giáo dục SKSS cho học sinh. Qua đó, giáo viên có thêm kiến thức để tổ chức các hoạt động tuyên truyền và tư vấn kịp thời những thắc mắc, băn khoăn của học sinh về SKSS vị thành niên.

Nằm trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ nhưng Trường THPT Phan Ðình Giót lại có khá đông học sinh dân tộc thiểu số theo học. Ðó là lý do Ban Quản lý lựa chọn Trường THPT Phan Ðình Giót là một trong 2 đơn vị thực hiện Dự án. Ðồng hành cùng với Dự án từ ngày đầu mới triển khai, cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Thư ký Hội đồng giáo dục Trường THPT Phan Ðình Giót, chia sẻ: Ðiểm khác biệt của Dự án so với các hoạt động giáo dục SKSS cho vị thành niên khác là nhà trường được lựa chọn các chủ đề cần thiết với thực tiễn để đề nghị Dự án cung cấp. Nhờ đó mà các hoạt động đều phù hợp và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh, giáo viên. Ví dụ như Câu lạc bộ Tuổi chúng mình của Trường được thành lập từ tháng 12/2015 với hơn 30 học sinh, định kỳ sinh hoạt 2 buổi/tháng. Trong số 12 chủ đề của Dự án gợi mở, các thành viên câu lạc bộ rất thích tìm hiểu, thảo luận về chủ đề, như: Tình bạn, tình yêu; kết hôn sớm; tình dục an toàn, lành mạnh... Không chỉ vậy, các em còn được tổ chức các hoạt động phong phú khác như dựng kịch bóng mờ; các tiểu phẩm về giáo dục SKSS… Nhờ những hoạt động như thế, các thành viên câu lạc bộ mạnh dạn, tự tin hơn khi chia sẻ về vấn đề SKSS và trở thành đội ngũ nòng cốt giúp nhà trường tổ chức các buổi ngoại khóa, tuyên truyền về SKSS. Với đội ngũ này Trường sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của câu lạc bộ trong thời gian tới dù Dự án đã kết thúc. Cùng với học sinh, hơn 30 giáo viên của trường cũng được tập huấn, nâng cao kiến thức về SKSS vị thành niên cũng sẽ đồng hành cùng câu lạc bộ trên những chặng đường tiếp theo. Qua thực tế tiếp xúc và lắng nghe tâm sự, chia sẻ của học sinh, có thể thấy rằng đa số học sinh trong trường đã hiểu và biết về chăm sóc SKSS; học sinh nữ thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; nhiều học sinh nam đã biết sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục; năm học gần đây trường không phát hiện trường hợp nạo phá thai nào... Ðó là những kết quả đáng ghi nhận, cho thấy sự thay đổi cơ bản về nhận thức, hành vi của học sinh nhà trường đối với những vấn đề về SKSS vị thành niên.

Giai đoạn I của Dự án đã kết thúc với nhiều kết quả tích cực không chỉ đối với giáo viên, học sinh, phụ huynh 2 trường THPT triển khai mà còn có tác động không nhỏ đối với toàn xã hội. Hy vọng rằng, giai đoạn II của Dự án sẽ sớm được triển khai để mang nhiều thêm những kiến thức bổ ích về giáo dục SKSS tới học sinh khu vực miền núi của tỉnh Ðiện Biên.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top