Ðiện Biên Ðông phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ

09:13 - Thứ Hai, 21/05/2018 Lượt xem: 10399 In bài viết

ĐBP - Trao đổi với chúng tôi về đặc điểm tình hình thiên tai, mưa lũ trên địa bàn và những phương án đối phó trong năm 2018, ông Vũ Ngọc Hoành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Nhìn lại năm 2017, trên địa bàn huyện, thiên tai, mưa lũ đã gây ra những thiệt hại nặng nề cả về người, tài sản của nhân dân và các công trình thủy lợi, giao thông, xây dựng ... Tổng thiệt hại trên 26,8 tỷ đồng. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do thiên tai gây ra trong năm 2018, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN), thực hiện nghiêm túc kế hoạch và các phương án phòng chống thiên tai đã đề ra.

 

Ðơn vị thi công khắc phục giao thông, xây dựng ngầm trên tuyến đường Na Son - Sa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông).

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong thời gian chuyển mùa năm 2018, những hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, sét và mưa đá thường xuyên xảy ra với cấp độ mạnh và phạm vi rộng. Cùng với đó là tình trạng nắng nóng, mưa bão cũng sẽ xuất hiện sớm và kéo dài cả năm với lượng mưa lớn. Ðể hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo mọi hoạt động kinh tế và sản xuất không bị ngừng trệ, huyện Ðiện Biên Ðông đã xây dựng kế hoạch, phương án chủ động ứng phó với thiên tai. Với phương châm lấy phòng ngừa là chính nên ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện đã tập trung kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Ðồng thời chỉ đạo các xã, các cơ quan, đơn vị chủ động cập nhật các bản tin cảnh báo sớm và tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo ứng phó với từng loại thiên tai, trong đó tập trung nhất vẫn là mưa lớn, lũ quét, ngập lụt và sạt lở đất. Thành lập đội PCTT cấp bản có phương án, kế hoạch phân công, theo dõi trực lũ thường xuyên trên địa bàn. Triển khai và thực hiện nhanh, chính xác các chỉ thị, công điện của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Chuẩn bị sẵn các trang thiết bị cần thiết sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra các tình huống đột xuất do mưa lũ. Các phòng chuyên môn đã chủ động khắc phục, nâng cấp, cải tạo một số công trình bị hư hỏng như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sửa chữa các công trình thủy lợi tại các xã: Chiềng Sơ, Luân Giói, Mường Luân, Phình Giàng, Pú Hồng, Na Son; Phòng Kinh tế - Hạ tầng triển khai đảm bảo giao thông, hót sụt hàng trăm ngàn khối đất, đá bị sạt lở và kịp thời sửa chữa nhiều kè và cống trên các tuyến đường như: Na Son - Sa Dung; Phì Nhừ - Phình Giàng; Na Son - Chóp Ly; Phì Nhừ - Sa Dung; Keo Lôm - Tìa Ló…  Hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, đồng thời rà soát các hộ dân đang sinh sống tại những điểm sung yếu có nguy cơ sạt lở để di dời tới nơi an toàn.

Với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, khi xảy ra thiên tai, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN trực chỉ huy 24/24 giờ, để khi xảy ra thiên tai ở địa phương nào thì sử dụng lực lượng ở địa phương đó, phối hợp cùng lực lượng vũ trang sẵn sàng làm nhiệm vụ theo kế hoạch. Ngoài ra còn huy động thêm các hộ gia đình, phương tiện vận tải tham gia ứng cứu. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, thông báo, dự báo và theo dõi về tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn để nhân dân chủ động, có biện pháp phòng chống; chỉ đạo các xã, các đơn vị vận động nhân dân tích cực chằng chống nhà cửa, trường học, trạm xá và các công trình công cộng khác…

Ðến nay, các xã trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông đã tổ chức rà soát các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn, giải phóng các công trình xây dựng lấn chiếm và các vật liệu cản trở dòng chảy như tre, gỗ... trên sông Mã và tất cả các khe suối trước mùa mưa lũ. Ðồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả các loại trang thiết bị cảnh báo phòng tránh lũ quét; xây dựng kế hoạch để nhân dân chủ động gieo cấy vụ mùa đúng khung thời vụ, bảo đảm không để thiên tai ảnh hưởng đến năng suất; vận động nhân dân có kế hoạch dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm khác.

Bài ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top