Quyết tâm đẩy lùi tà giáo

09:04 - Thứ Năm, 24/05/2018 Lượt xem: 10923 In bài viết

Bài 2: Dựa vào tôn giáo để giải quyết vấn đề tôn giáo

ĐBP - Theo phân tích của cơ quan chức năng, một nguyên lý hoạt động, đồng thời cũng là nguyên nhân sâu xa khiến các đối tượng tà giáo dễ dàng xâm nhập vào đời sống tâm linh của người dân, đó là chúng thường lợi dụng vào các loại hình tôn giáo chính thống, rồi xuyên tạc kinh thánh để đưa ra những luận điệu dụ dỗ, lừa phỉnh hòng lôi kéo để trục lợi. Bởi vậy, tôn giáo chính thống sẽ là chiếc chìa khóa “vạn năng” để mở các cánh cửa đi đến từng ngóc ngách, chặn đứng mọi đường sống của tà giáo trong đời sống tâm linh. Nói theo cách của cơ quan chuyên môn, nghĩa là sẽ dựa vào tôn giáo để giải quyết vấn đề tôn giáo!

Từ các tài liệu cũ của lực lượng chức năng cho thấy, trước năm 1987, trên địa bàn tỉnh không có hoạt động của các tôn giáo, không có cơ sở thờ tự và chức sắc tôn giáo. Ðời sống tâm linh của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số theo tín ngưỡng dân gian truyền thống, mang đậm sắc thái văn hoá tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Cho đến năm 1987, cái gọi là đạo “Vàng Chứ” xâm nhập vào một số hộ đồng bào dân tộc Mông ở xã Phì Nhừ (huyện Ðiện Biên Ðông), mang tính chất đạo Công giáo, nhưng tập trung vào lôi kéo, kích động đồng bào Mông thành lập ‘‘Nhà nước Mông’’, nên bị đa số người dân kịch liệt phản đối. Ðể thích nghi với điều kiện địa phương, hoạt động tôn giáo này chuyển sang đạo Tin lành. Ðược sự hướng dẫn, hỗ trợ của các tổ chức Tin lành trong và ngoài nước, đạo Tin lành nhanh chóng phát triển trong vùng đồng bào dân tộc của tỉnh và hoạt động quy củ hơn. Cho đến nay, đạo Tin lành trở thành một trong 3 tôn giáo chính trên địa bàn tỉnh, với 9.940 hộ, 58.041 người tham gia.

 

Cán bộ Phòng PA88 (Công an tỉnh) trao đổi với các trưởng nhóm đạo sau buổi tập huấn bồi dưỡng giáo lý và mục vụ do Tổng hội - Hội thánh Tin lành Việt Nam tổ chức.

Lợi dụng các tín ngưỡng tôn giáo này, những năm gần đây, nhiều đối tượng xấu đã xuyên tạc các giáo lý để tuyên truyền, lôi kéo một bộ phận tín đồ cả tin, thiếu hiểu biết tham gia vào tổ chức tà giáo có hình thức na ná tôn giáo chính thống mà chúng tự dựng lên. Với niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo, nhiều người không phân biệt được đúng - sai, đã nghe theo và lôi kéo người quen, thân cùng tham gia. Nhẹ thì làm những điều trái luân thường, đạo lý và các chuẩn mực xã hội, khi bị kích động sẽ có những hành vi chống phá chính quyền, chế độ, Nhà nước…

Thượng tá Lâm Quốc Phương, Phó Trưởng phòng PA88 (Công an tỉnh), cho biết: Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tà giáo ra khỏi đời sống xã hội, qua đó ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn, thời gian qua cả hệ thống chính trị, mà nòng cốt là Công an tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt. Việc phối kết hợp với các tổ chức tôn giáo để đẩy mạnh tuyên truyền cũng như tranh thủ vai trò, uy tín của các chức sắc tôn giáo trong tuyên tuyền, giáo dục, vận động quần chúng từ bỏ tà đạo được Công an tỉnh chỉ đạo quan tâm đẩy mạnh. Trong đó, trọng tâm là tập trung đấu tranh với một số tà giáo nổi cộm, như: Giê Sùa, Bà cô Dợ, mới đây là “Hội thánh Ðức chúa trời”.

Ngay từ đầu năm, Công an tỉnh lên kế hoạch chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban chuyên môn vào cuộc; cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tăng cường cơ sở để bám nắm địa bàn và đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, trọng tâm là địa bàn 4 huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Tuần Giáo, Mường Chà. Tại các địa bàn này, đơn vị cũng tham mưu thành lập các ban vận động, với sự tham gia của toàn bộ các ban, ngành liên quan. Tổ chức 5 hội nghị, 36 buổi họp dân kết hợp chiếu phim tuyên truyền, thu hút hơn 2.000 lượt người tham gia. Với sự vào cuộc mạnh mẽ, chưa đầy 3 tháng, cơ quan công an đã triệu tập, đấu tranh, lập hồ sơ 41 đối tượng cầm đầu các điểm nhóm theo tà đạo Giê Sùa; tiến hành vận động, yêu cầu 12 người đang theo tà đạo Giê Sùa tại huyện Nậm Pồ từ bỏ, chuyển sang các hệ phái đã được công nhận. Qua đó, có 59 hộ, 370 người từ bỏ tà đạo Giê Sùa và một số người khác đang tìm hiểu, lựa chọn các hệ phái Tin lành phù hợp để theo.

Thống kê hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 80 điểm, nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo hợp pháp. Ðây chính là “điểm tựa” để các lực lượng chức năng tập trung tổ chức các giải pháp tuyên truyền, vận động và đấu tranh đẩy lùi tà đạo. Ðể củng cố niềm tin của các tín đồ đối với tôn giáo chính thống; đồng thời bóc trần sự thật về những luận điệu lừa phỉnh của các tổ chức, cá nhân mượn danh tôn giáo hoạt động tà giáo, Ban giám đốc Công an tỉnh đã gặp gỡ, cung cấp thông tin và đề nghị 4 Tổng hội tin lành (Tin lành Việt Nam miền Bắc, Liên hữu cơ đốc Việt Nam, Cơ đốc phục lâm Việt Nam, Truyền giảng phúc âm) phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tín đồ. Tranh thủ 70 lượt chức sắc, chức việc, trưởng điểm nhóm đạo, người có uy tín trong tôn giáo tăng cường quản lý hoạt động tôn giáo, tham gia đấu tranh phản bác tà đạo Giê Sùa và một số đạo lạ khác; vận động quần chúng tín đồ không tin theo lời lôi kéo của kẻ xấu.

Mới đây, một khóa tập huấn bồi dưỡng giáo lý và mục vụ đã được Tổng hội - Hội thánh Tin lành Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan chức năng tỉnh tổ chức cho gần 100 trưởng, phó các nhóm đạo hợp pháp trên địa bàn tham gia. Thông qua đó phổ biến giáo lý, giáo luật để xây dựng đức tin đối với tôn giáo chính thống; đồng thời phòng chống tà giáo tấn công.

Là một học viên tham gia lớp bồi dưỡng, Lý A Sang - Trưởng nhóm đạo Tin lành tại bản Chuyên Gia 1, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) cho rằng, đây là việc làm hết sức cần thiết của cơ quan chức năng bởi: “Cả bản có 102 hộ, 546 khẩu; trong đó có 335 tín đồ đang sinh hoạt và tham gia đạo Tin lành. Từ trước đến nay chúng tôi đều nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của địa phương trong hoạt động sinh hoạt đạo, nhưng cũng có một số điều chưa hiểu rõ. Thời gian trước, một số tín đồ cũng bị tác động bởi các lời tuyên truyền, xúi giục ở bên ngoài, làm những điều vi phạm giáo lý, hoặc pháp luật, gây mất đoàn kết nội bộ.

Trong một tuần tham gia lớp bồi dưỡng, Lý A Sang chăm chú lắng nghe, và có vẻ như vỡ lẽ được nhiều điều. Sau mỗi giờ học, Sang thường gặp gỡ giảng viên để trao đổi, và xin ý kiến giải quyết một số vấn đề phát sinh tại cơ sở. Sang tâm sự: “Tôi được các giảng viên giải thích rõ là pháp luật Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, nhưng cũng sẽ kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn mọi biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm những chuyện mờ ám, sai trái, mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của nhân dân, gây rối an ninh chinh trị, trật tự an toàn xã hội… Tôi cũng nhận ra hiện nay rất nhiều tà đạo lợi dụng vào tôn giáo để lôi kéo, dụ dỗ người dân làm những điều sai trái. Ðược phổ biến và bổ sung nhiều kiến thức, giờ tôi có thể tự tin về tuyên truyền lại cho bà con tín đồ của mình, giúp họ nâng cao cảnh giác; không tin, không nghe kẻ xấu; sinh hoạt và hoạt động đúng pháp luật. Ðồng thời biết cách nhận dạng và kiên quyết đấu tranh chống các loại tà giáo xâm nhập”.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top