Dai dẳng nỗi buồn mang tên “đoạn trường thảo”

09:05 - Thứ Năm, 24/05/2018 Lượt xem: 11034 In bài viết
ĐBP - Ðiện Biên Ðông là huyện vùng cao có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống thành từng bản trên những triền núi cao quanh năm sương mù bao phủ. Tuy nhiên, đằng sau sự bình yên của những bản vùng cao ấy có những câu chuyện buồn dai dẳng, ấy là tự tử bằng lá ngón hay còn có tên gọi khiến người ta day dứt “đoạn trường thảo”. Những lý do vu vơ tìm đến lá ngón để quyên sinh làm cho bao gia đình lâm vào cảnh con cái nheo nhóc, bơ vơ vì mất cha mẹ; vợ mất chồng, anh chị em chia lìa...

Dù biết lá ngón là rất độc nếu ăn vào sẽ gây chết người, nhưng vì nhiều lý do khác nhau: mâu thuẫn tình cảm, xích mích trong gia đình, trong cuộc sống, không ít người Mông ở Ðiện Biên Ðông đã tìm đến lá ngón để tự tử, xem đây như giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề. Trường hợp chị Vàng Thị Nếnh, 32 tuổi ở bản Pó Sinh (xã Phì Nhừ) là một ví dụ. Chị Nếnh có chồng và 3 con. Cháu lớn 4 tuổi, cháu nhỏ nhất mới 6 tháng tuổi, nhưng chỉ vì bất đồng nhỏ giữa vợ chồng về việc chồng không cho đi dự đám cưới em họ mà chị Nếnh dùng lá ngón tự tử, để lại cho người chồng bất hạnh 3 đứa con thơ dại. Các cháu Giàng Thị Máy, 14 tuổi bản Ca Tâu (xã Chiềng Sơ); Vàng Thị Dà, 13 tuổi bản Pá Khẩu (xã Phình Giàng) đang đi học, nhưng trót vướng vào chuyện yêu đương, khi bị gia đình nhắc nhở là tuổi còn nhỏ cần phải chú tâm học hành, không nên yêu đương sớm… thế là các em cũng tìm đến lá ngón để tự tử. Còn chị Ly Thị Phỏng, 27 tuổi ở bản Háng Pù Xi (xã Phì Nhừ), vì ghen với chồng nên bỏ lên rừng ăn lá ngón. Gia đình chồng chị Phỏng cho rằng, vì giận dỗi nên chị bỏ về nhà mẹ đẻ như mọi lần nên không đi tìm. Sau 12 ngày không thấy vợ về, người chồng tá hỏa huy động anh em họ hàng đi tìm thì phát hiện vợ đã chết; xác đã phân hủy, chỉ nhận ra nhờ bộ quần áo, chiếc cặp tóc là kỷ vật tình yêu của hai người. Lá thư tuyệt mệnh chị để lại chỉ vỏn vẹn 3 dòng ngắn ngủi đã nhòe mờ, trách chồng không còn yêu thương...

Thống kê về các ca ngộ độc lá ngón và tử vong do ngộ độc lá ngón thời gian qua trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông cho thấy, các trường hợp tự tử bằng lá ngón đều được phát hiện muộn, khi đưa đến cơ sở y tế đều trong tình trạng nặng hoặc rất nặng. Và hầu hết là gặp ở những người độ tuổi khá trẻ, một số đang ở tuổi vị thành niên; chủ yếu là dân tộc Mông... Riêng năm 2017, toàn huyện có 82 trường hợp tự tử bằng lá ngón (27 trường hợp tử vong, cứu sống 55 trường hợp). Trường hợp ít tuổi nhất mới 8 tuổi, nhiều nhất là 51 tuổi. Một số xã có số người tự tử bằng lá ngón đáng báo động, như: Phì Nhừ (17 người), Sa Dung (13 người); Háng Lìa (11 người); Pú Hồng (10 người)... Thực trạng đáng báo động là số người tự tử bằng lá ngón trên địa bàn huyện có xu hướng ngày càng tăng và nhiều nhất ở lứa tuổi vị thành niên và thanh niên - lực lượng lao động chính trong gia đình. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018 đã có tới 32 trường hợp tự tử bằng lá ngón (14 người tử vong, 18 người được cứu sống).

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Vừ A Câu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên Ðông chia sẻ: Trung tâm đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức rất nhiều đợt tuyên truyền về tác hại của lá ngón, thế nhưng nhận thức của bà con còn rất thấp, nên cứ thấy bế tắc trong cuộc sống là tìm đến cái chết bằng lá ngón. Huyện cũng đã huy động cán bộ, lực lượng đoàn viên thanh niên nhổ bỏ cây lá ngón, nhưng nhổ sao cho xuể khi cây lá ngón mọc nhiều trên rừng! Vấn đề cơ bản là phải thay đổi được nhận thức của người dân, để họ thấy được giá trị của việc được sống để trân quý tính mạng của chính mình. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, tư vấn sức khỏe cho người dân và nhất là đối tượng thanh thiếu niên; cách sơ cứu khi gặp trường hợp tử tự bằng lá ngón...

Vòng luẩn quẩn bế tắc, mâu thuẫn... lại tìm cách giải thoát bằng lá ngón sẽ không thể “thoát” nếu nhận thức của người dân nơi đây chưa được “khai sáng”. Và những tiếng khóc day dứt, những nỗi đau vợ, chồng, anh, chị, em chia lìa, con cái bơ vơ vì lá ngón sẽ còn dai dẳng. Có lẽ, chỉ khi nào người dân biết trân quý mạng sống của chính mình thì mới không còn những cái chết dại dột, xót xa do lá ngón gây ra.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top