Cho trẻ một mùa hè an toàn và bổ ích

08:55 - Thứ Sáu, 25/05/2018 Lượt xem: 10896 In bài viết
ĐBP - Mùa hè đến, các gia đình có trẻ em lại chung một nỗi lo với hàng loạt trăn trở cho con em mình tham gia hoạt động gì? Vui chơi, học tập... ở đâu? Trước thực trạng như hiện nay, các điểm vui chơi lành mạnh, đủ sức hấp dẫn, đảm bảo an toàn cho các em chưa đáp ứng so với nhu cầu, nhất là các điểm vui chơi công cộng. Vì vậy phần lớn trẻ em phải tự tìm “sân chơi” cho mình với những hoạt động mang tính bột phát, không có sự định hướng và đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro.

Ðối với các bậc phụ huynh, việc tìm được một sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các em có những giây phút thư giãn, thoải mái sau một năm học tập căng thẳng là rất quan trọng. Ðặc biệt là những sân chơi an toàn, giáo dục kỹ năng mềm cho các em được nhiều bậc phụ huynh quan tâm hơn cả. Vì trên thực tế, do thiếu các sân chơi lành mạnh, nhiều em bị cuốn vào những trò chơi vô bổ, thậm chí nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài. Mấy năm gần đây, trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và các khu vực lân cận có một số “sân chơi” bổ ích và ý nghĩa được tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh và các em học sinh tham gia, như: “Khóa tu mùa hè” do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ðiện Biên tổ chức; hay “Học kỳ quân sự” do Tỉnh đoàn phối hợp với Trường Quân sự tỉnh tổ chức… Tuy nhiên, những “sân chơi” mang tính quy mô như vậy chỉ đáp ứng được một số ít đối tượng là các em thiếu niên ở khu vực thành phố và các vùng lân cận. Số còn lại và đặc biệt các thiếu niên, nhi đồng ở các huyện, thị thì chưa có được những điểm vui chơi phù hợp.

 

Trẻ em tắm ở các sông, suối, ao, hồ luôn đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn đuối nước. Trong ảnh: Trẻ em tắm ở đầu nguồn nước thuộc xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng.

Hẳn nhiều người vẫn còn bị ám ảnh bởi những tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông xảy ra với trẻ em rất thương tâm trong thời gian qua. Ðây cũng là vấn đề được xã hội quan tâm. Thế nhưng trong môn học giáo dục thể chất ở các trường phổ thông thì môn bơi lội cũng chưa được chính thức đưa vào chương trình học tập, do vậy phần lớn các em không được học bơi cơ bản mà chủ yếu tự học ở các sông, suối, ao, hồ… Ðiều đó đồng nghĩa việc các em phải đối diện với những rủi ro và nguy cơ mất an toàn. Dù không nhiều nhưng vẫn có trường hợp ở bể bơi có giáo viên hướng dẫn, có bảo vệ nhưng vẫn xảy ra tai nạn đuối nước, do vậy đối với các em nhỏ khi học bơi ở những nơi công cộng cần có sự giám sát chặt chẽ của các bậc phụ huynh.

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao, thanh thiếu niên cũng được trang bị và sớm tiếp cận với những phương tiện hiện đại, như: xe đạp điện, xe máy điện và thậm chí cả xe gắn máy có động cơ dưới 50cm3. Trong khi đó các em hầu hết chưa được trang bị những kỹ năng cơ bản về điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông nên thường phải đối diện với những rủi ro không chỉ cho bản thân mà còn cho xã hội. Mặt khác, thời gian nghỉ hè do không “bị” gia đình quản lý quá chặt chẽ vì tâm lý thường thấy là để các em có dịp “xả hơi”, trong khi các điểm vui chơi chưa đáp ứng… cũng là nguyên nhân khiến các em điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tự tìm những điểm vui chơi ngoài sự quản lý của gia đình là điều khó tránh.

Chị Lò Thị Tươi, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) chia sẻ: Tôi có con đang là học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ. Dịp hè này tôi đã dự định đăng ký cho cháu tham gia “Học kỳ quân đội” do Tỉnh đoàn phối hợp với Trường Quân sự tỉnh tổ chức. Nhưng theo quy định thì các cháu học sinh bậc THCS trở lên mới được tham gia, do vậy tôi cũng chưa biết cho cháu tham gia vào hoạt động gì vì cháu không có năng khiếu nào nổi trội. Còn anh Lê Văn Chiến ở phường Thanh Bình, có con trai đang học lớp 10, Trường THPT Lương Thế Vinh thì lại mong muốn có một lớp dạy về Luật Giao thông đường bộ để cho các cháu tham gia. Do địa điểm trường học xa nơi ở nên từ đầu năm gia đình đã mua cho cháu chiếc xe máy điện để đi học, tuy nhiên không yên tâm vì các cháu chưa có hiểu biết đầy đủ về các quy tắc khi tham gia giao thông…

Ðể trẻ em có một mùa hè vui chơi bổ ích và an toàn là vấn đề cả gia đình, nhà trường và xã hội đều phải quan tâm và chung tay hành động. Nhất là sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Ðoàn Thanh niên có trách nhiệm và vai trò rất quan trọng trong việc chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các em tham gia các hoạt động, sinh hoạt hè bổ ích để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tốt nhất. Bởi trẻ em không chỉ là hạnh phúc của mỗi gia đình mà còn là tương lai đất nước.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top