Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Ngành Tư pháp Ðiện Biên (25/5/1983 - 25/5/2018)

35 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Tư pháp Ðiện Biên

09:02 - Thứ Sáu, 25/05/2018 Lượt xem: 9025 In bài viết
ĐBP - Cách đây 35 năm Ngành Tư pháp Ðiện Biên được thành lập theo Quyết định số 21/QÐ-UB ngày 25/5/1983 của UBND tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Ðiện Biên) về việc chuyển Ban Pháp chế thuộc UBND tỉnh thành Sở Tư pháp - đây là mốc son, đánh dấu sự hình thành của ngành Tư pháp Ðiện Biên - Lai Châu.

Trải qua quá trình 35 năm xây dựng và phát triển, ngành Tư pháp tỉnh Ðiện Biên đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức bộ máy, cán bộ; chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác tư pháp ngày càng được nâng cao. Ðến nay đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị thuộc sở là 68 người, 86% công chức, viên chức trong ngành có trình độ cử nhân; trình độ lý luận chính trị: có 11 cử nhân và cao cấp lý luận chính trị, 12 trung cấp lý luận chính trị. Ðối với cơ quan tư pháp cấp huyện, ban đầu chỉ thành lập 6 phòng tư pháp cấp huyện, đến nay, 10/10 huyện, thị, thành phố đã có phòng tư pháp.

Vai trò của công chức tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn ngày càng phát huy tốt hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của UBND cấp cơ sở về lĩnh vực tư pháp, vừa phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân. Hiện nay, có 239 công chức tư pháp - hộ tịch làm việc tại 130 xã, phường, thị trấn, trong đó có 236 công chức có trình độ đại học và trung cấp Luật. Toàn tỉnh hiện có 1.804 tổ hòa giải với 9.486 hòa giải viên, hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy vai trò của mình góp phần tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ địa bàn dân cư, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, các thế hệ công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp tỉnh Ðiện Biên luôn nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tư pháp dân chủ nhân dân theo tư tưởng dân quyền, pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả nổi bật, mang dấu ấn đặc trưng của ngành trong những năm qua đó là:

Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đồng bộ, toàn diện, bảo đảm thường xuyên, liên tục. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện và khả thi, ngày càng công khai, minh bạch và dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng; phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện các văn bản của cấp trên, thực hiện đúng và có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tạo khuôn khổ pháp lý để duy trì trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Từ năm 2010 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan tham mưu ban hành 129 nghị quyết, 279 quyết định quy phạm pháp luật; tổ chức thẩm định 483 văn bản quy phạm pháp luật; góp ý 642 văn bản… Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do UBND các cấp trên địa bàn tỉnh ban hành đã được nâng lên, bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được chú trọng thực hiện, đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành đối với lĩnh vực PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng và thực hiện quy ước; củng cố, kiện toàn Hội đồng Phối hợp PBGDPL với 46 thành viên và ngày càng thể hiện rõ vai trò tư vấn cho UBND tỉnh trong triển khai thực hiện công tác PBGDPL.

Công tác bổ trợ tư pháp: Tham mưu làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức hành nghề luật sư, hoạt động tư vấn pháp luật tại địa phương, trợ giúp pháp lý, công chứng, đấu giá tài sản, giám định tư pháp… từng bước khẳng định ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò quan trọng của các tổ chức bổ trợ tư pháp trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ pháp lý của tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nổi bật là phát triển đội ngũ luật sư đạt 95% so với mục tiêu phát triển luật sư đến năm 2020, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá tài sản, phát triển đội ngũ công chứng viên, đấu giá viên, giám định viên, phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức, của công dân, phục vụ đắc lực công tác quản lý xã hội của tỉnh. Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí đến tận cơ sở, nhất là các xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã trợ giúp pháp lý miễn phí cho gần 20 ngàn vụ việc, với 25 nghìn lượt người nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí.

Công tác hành chính tư pháp có những chuyển biến rõ nét, đáp ứng yêu cầu của cá nhân tổ chức trên địa bàn. Các yêu cầu chứng thực của người dân đã được cơ quan tư pháp cấp huyện, cấp xã giải quyết nhanh chóng, thuận tiện đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Công tác lý lịch tư pháp đã và đang từng bước đi vào ổn định.

Sở đã tham mưu làm tốt về công tác quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ công việc, xây dựng mô hình một cửa liên thông, gắn với cải cách hành chính của toàn ngành.

Với kết quả của ngành 35 năm qua, tập thể Sở Tư pháp Ðiện Biên và 2 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; 2 tập thể, 10 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tư pháp tặng Cờ thi đua và tặng Bằng khen cho 142 lượt tập thể, 309 lượt cá nhân, 92 cá nhân được Kỷ niệm chương “ Vì sự nghiệp Tư pháp”; UBND tỉnh 2 lần tặng Cờ thi đua xuất sắc cho tập thể Sở, Bằng khen cho 164 lượt tập thể và 439 lượt cá nhân...

Ðể có được những kết quả trên, trong 35 năm phát triển ngành Tư pháp Ðiện Biên đã phát huy sức mạnh tập thể, đoàn kết trong ngành. Ðặc biệt là ngành Tư pháp tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ, cộng tác của các ngành, các cấp trong tỉnh. Sự thống nhất đoàn kết, trách nhiệm kỷ cương và gắn bó với ngành của đội ngũ công chức, viên chức người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phát huy truyền thống 35 năm xây dựng, trưởng thành, toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp Ðiện Biên quyết tâm thể hiện tinh thần Ðoàn kết - Trí tuệ - Dân chủ - Năng động - Sáng tạo, không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ tư pháp theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ; tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn; tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi cá nhân, tổ chức có ý thức chấp hành đúng pháp luật; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp; đẩy mạnh xã hội hoá việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, góp phần đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Phạm Ðình Quế

Giám đốc Sở Tư pháp

Bình luận
Back To Top