Giúp người dân “giảm nghèo” về pháp luật

10:30 - Thứ Hai, 28/05/2018 Lượt xem: 9120 In bài viết
ĐBP - Ðiện Biên là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, với địa hình hiểm trở, đa thành phần dân tộc và chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhận thức xã hội, kiến thức pháp luật còn nhiều hạn chế dẫn đến nhiều xử sự lệch chuẩn và vi phạm pháp luật đáng tiếc đã và đang còn diễn ra trên diện rộng. Trong các trường hợp đó, đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) chiếm tỷ lệ trên 80% số lượng người vi phạm. Những năm vừa qua, Ðiện Biên là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về chất lượng và số lượng vụ việc TGPL. Ðặc biệt, là hoạt động tham gia tố tụng và hoạt động TGPL lưu động tại cơ sở đã được chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan và nhân dân đồng tình ủng hộ và ghi nhận, là đơn vị chính cung cấp dịch vụ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi cho người tham gia tố tụng trong địa bàn tỉnh.

Khó khăn hiện nay là Trung tâm TGPL (Sở Tư pháp) được giao 21 biên chế sự nghiệp, tuy nhiên đầu vào của một số năm trước đây thấp, nên công tác tạo nguồn trợ giúp viên pháp lý chậm, đến nay mới có 4 trợ giúp viên pháp lý; mức thù lao, bồi dưỡng cho luật sư thực hiện TGPL thấp, nên chưa thu hút được luật sư từ các tỉnh khác đăng ký tham gia TGPL.

Là tỉnh có địa bàn rộng, giao thông không thuận lợi, đối tượng được TGPL chủ yếu tập trung ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nên việc duy trì các chi nhánh tại cơ sở là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, một số chi nhánh TGPL hoạt động chưa thực sự hiệu quả vì thiếu biên chế, thiếu cơ sở vật chất, thiếu trợ giúp viên pháp lý chuyên trách. Chính vì vậy, năm 2015, Trung tâm đã tham mưu tạm dừng hoạt động của 2 chi nhánh để chuẩn bị về nhân sự, ký hợp đồng với luật sư cộng tác viên để thường trực tại một số chi nhánh. Trung tâm chú trọng cử viên chức đủ điều kiện tham gia các khóa đào tạo chuyên môn để tạo nguồn trợ giúp viên pháp lý.

Khắc phục tình trạng thiếu người thực hiện TGPL, ngoài việc tập trung đào tạo nguồn viên chức, Trung tâm còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động lực lượng luật sư làm công tác TGPL. Khắc phục chất lượng vụ việc TGPL và khuyến khích người thực hiện TGPL tích cực tham gia, Trung tâm đã tăng cường năng lực, kỹ năng thực hiện TGPL cho luật sư, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư cộng tác viên TGPL; tạo cơ chế làm việc thông thoáng với các cơ quan, tổ chức hữu quan, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng để các luật sư được thuận lợi trong hoạt động nghiệp vụ; việc thanh toán chế độ thù lao, bồi dưỡng kịp thời, đảm bảo; đối với vụ việc cần nhiều người thực hiện TGPL thì Trung tâm bố trí phương tiện phục vụ…  Với nỗ lực kiện toàn, củng cố lại hệ thống TGPL trên địa bàn tỉnh, dự kiến đầu năm 2019 Trung tâm sẽ đạt được 10 TGPL và đưa các chi nhánh TGPL vào hoạt động hiệu quả.

Ðể thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông về TGPL theo Quyết định số 32/2016/QÐ-TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tăng cường hoạt động TGPL lưu động đến với người dân vùng đặc biệt khó khăn nhằm tháo gỡ những vướng mắc pháp luật ngay tại cơ sở và góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong nhân dân, góp phần giảm tình trạng vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật, Trung tâm đã đề xuất để Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh điều chuyển nguồn kinh phí xuống các huyện, thị trong tỉnh để thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Ðồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng của vụ việc TGPL bằng việc tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng TGPL, trao đổi nghiệp vụ cũng như tham gia tố tụng ngay từ những giai đoạn đầu của vụ việc; thành lập bộ phận kiểm soát, thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL ngay sau khi hoàn thành… Kết quả quý I/2018, Trung tâm đã thực hiện TGPL được 203 vụ việc cho 208 người có đơn yêu cầu TGPL (tăng 132 vụ) so với cùng kỳ năm 2017; trong đó vụ việc tham gia tố tụng tăng 108 vụ (tăng 33,4%), đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu TGPL của người dân.

Ðỗ Xuân Toán (Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh)
Bình luận
Back To Top