Một ngày tại Trại giam Nà Tấu

08:50 - Thứ Năm, 07/06/2018 Lượt xem: 13270 In bài viết
ĐBP - Ngày đầu tháng 5, theo lời mời của gia đình thân chủ, tôi cùng gia đình họ vào thăm phạm nhân Lường Văn B. tại Trại giam Nà Tấu. Công việc chính của tôi là gặp, yêu cầu phạm nhân viết giấy ủy quyền cho tôi để giải quyết các tranh chấp dân sự đối với gia đình phạm nhân Lường Văn B. Ðến trại đã gần hết giờ buổi sáng. Ðể giải quyết nhanh công việc, tôi đề xuất trực ban cho gặp trực tiếp lãnh đạo Trại giam. Tôi trao đổi nhanh với Ðại tá, Phó Giám thị - Tô Thế Vũ, ông cứ cho tôi và người nhà thăm gặp phạm nhân Lường Văn B. vào cuối buổi, muộn cũng được, thời gian không cần dài, nội dung giấy ủy quyền tôi đã soạn sẵn rồi. Tôi vừa nói, vừa đưa các giấy tờ có liên quan đến thủ tục hành chính cho Phó Giám thị - Tô Thế Vũ Ðọc lướt các tài liệu, Phó Giám thị nhìn đồng hồ nói: Bây giờ chỉ còn 30 phút nữa là hết giờ buổi sáng, nếu thông báo cho phạm nhân đến để được thăm gặp phải mất 60 phút. Vì vậy, trại sẽ bố trí cho ông và gia đình thăm gặp phạm nhân vào đầu giờ buổi chiều. Nhìn thấy tôi có vẻ sốt ruột, không hài lòng, Phó Giám thị tiếp lời: Mong mọi người thông cảm, quy định rồi, không làm khác được. Ông và gia đình cứ nghỉ ngơi, chúng tôi bố trí chỗ ăn nghỉ cho mọi người, không phải lo. Tôi nói: Thôi thế cũng được, nhưng chúng tôi những 4 người, thì việc ăn nghỉ chúng tôi cũng xin đóng góp cùng anh em trong trại. Phó Giám thị xua tay: Chẳng mấy khi ông lên thăm chúng tôi, chúng tôi không lấy tiền đóng góp đâu. Buổi chiều tôi dẫn ông vào trại làm việc.

 

Căng tin Trại giam Nà Tấu rất sạch sẽ, ngăn nắp.

Qua một hồi trao đổi, Phó Giám thị - Tô Thế Vũ đứng dậy nói: Hết giờ làm việc rồi, mời ông và gia đình xuống ăn cơm cùng đơn vị. Khi đi xuống khu nhà ăn, Phó Giám thị nhắc nhân viên quản lý nhà khách mở sẵn 2 phòng, để cho khách nghỉ buổi trưa.

Bước vào phòng khách, tôi ngỡ ngàng, mỗi phòng khách có cả giường đơn, giường đôi, khá đầy đủ trang thiết bị. Tuy không sang trọng, nhưng có vẻ ấm cúng, quy củ và sạch sẽ.

Khi đến khu thăm gặp, chậm mất 15 phút, Phó Giám thị cười nói: Nghỉ ngơi thoải mái chứ? Khu nhà khách đó, chúng tôi có ý định mở rộng, cho thân nhân thuê nghỉ khi có nhu cầu với giá rẻ, phù hợp cho mọi người. Ðấy, anh xem, đúng giờ chúng tôi đã vào việc hết rồi. Ðại tá Tô Thế Vũ kéo tay tôi và nói: Anh vào đây, vào đây. Hãy cảm nhận khu vực căng tin, nơi mua quà, ăn uống cho thân nhân người phạm tội và phạm nhân. Nơi đây tự phục vụ là chính. Tôi ngồi xuống ghế, quan sát xung quanh thấy rất sạch sẽ, khoa học, ngăn nắp. Phó Giám thị chỉ tay: Ðó, anh nhìn bảng niêm yết giá các mặt hàng xem. Giá công khai, ai cũng được biết. Phạm nhân tự phục vụ là chính.

Trời đã về chiều, xong công việc, Phó Giám thị - Tô Thế Vũ nắm tay tôi: Như đã trao đổi trước, bây giờ tôi mời anh đi xem nơi giam giữ phạm nhân. Dọc đường vào khu vực lõi, đứng nhìn những luống rau thẳng tắp, xanh mướt, từng nhóm phạm nhân vẫn chuyên cần lao động, họ như những người nông dân đang làm việc trên đồng ruộng của gia đình mình.

 Cánh cửa mở, một khuôn viên rộng rãi, ngăn nắp, sạch sẽ hiện ra, tôi hỏi: Trại mình có bao nhiêu phạm nhân? Phó Giám thị trả lời: Hiện nay, khoảng 1.600 phạm nhân. Mời anh vào xem và cảm nhận nơi nấu ăn cho phạm nhân, tiện xem luôn các luống rau thơm thân mập mạp, lá xanh mướt. Chúng tôi chỉ tưới, chăm bón rau bằng nước vo gạo thôi đấy, tuyệt đối không dùng chất kích thích, vì mình trồng để ăn mà.

Còn đây, nhà ở của phạm nhân, khu vực dành cho những phạm nhân có mức án cao, phòng ngủ thoáng mát, gọn gàng, sạch sẽ, mỗi người có một chỗ ngủ. Quan sát phòng tắm, các bể đầy nước sạch, nơi vệ sinh kín đáo. Tôi hỏi một phạm nhân: Nước sinh hoạt có đủ không? Phạm nhân cười và nói: Thưa cán bộ, nước tắm, giặt, vệ sinh thoải mái. Tôi động viên họ: Cũng mong rằng các anh cải tạo tốt, sớm được về với gia đình và hòa nhập với cộng đồng.

Theo hướng chỉ tay của Phó Giám thị, trước mặt là nhà học tập cộng đồng, bên cạnh là sân bóng chuyền, sân dụng cụ thể dục thể thao tổng hợp và đằng sau là sân bóng đá. Tại sân bóng đá, hàng tuần phạm nhân chia nhóm để thi đấu bóng đá với nhau. Bước vào hành lang của nhà học tập cộng đồng, đây là một hội trường lớn, dành cho phạm nhân học tập, tổ chức các sự kiện, lao động học nghề, gia công các sản phẩm hàng hóa của phạm nhân. Phía bên kia là trạm xá, như một trạm y tế xã, có vườn thuốc nam, có giường bệnh của phạm nhân, có khu vực cách ly những bệnh truyền nhiễm và có quy chế phối hợp với ngành Y tế tỉnh, các bệnh viện về khám chữa bệnh cho phạm nhân.

Xung quang là các bức tường rào cao vút của trại giam. Bù lại, được điểm xuyến bằng những bức tranh cổ động, dòng thông điệp nhắn nhủ của chính những phạm nhân tự vẽ và tự viết ra: “Hãy tránh xa ma túy”, “Trại là nhà”, “Cải tạo tốt, niềm tin và tương lai”...

Những cố gắng của Ban Giám thị Trại giam trong xây dựng môi trường phù hợp qua việc duy trì sinh hoạt tập thể, lao động cải tạo để nắm bắt tâm tư, tình cảm của phạm nhân. Từ đó để phạm nhân yên tâm lao động cải tạo sớm trở về hòa nhập cộng đồng.

Trần Tuyên
Bình luận
Back To Top