Tình trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ ở Tủa Chùa

Sức khỏe, tính mạng con người thì không thể chậm trễ

16:21 - Thứ Năm, 07/06/2018 Lượt xem: 9590 In bài viết
Từ nhiều năm nay, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hay thuốc trừ cỏ (TTC) được đa số nông dân các địa phương sử dụng và xem như giải pháp tối ưu cho quá trình sản xuất nông nghiệp. Không thể phủ nhận vai trò của TTC trong việc giải phóng sức lao động cho người nông dân và làm tăng hiệu quả, năng suất sản xuất gieo trồng. Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng sao cho hiệu quả, điều quan trọng hơn đó là phải đảm bảo an toàn thì lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Mua và sử dụng TTC theo…kinh nghiệm

Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi có mặt tại huyện Tủa Chùa. Dưới đồng ruộng hay trên đồi nương mùa này, bà con đang nhộn nhịp bắt đầu cho vụ mới. Công việc làm đất được gấp rút hoàn thành, chờ thời tiết thuận lợi là tiến hành gieo trồng. Cùng với sự xuất hiện của một số công cụ, máy móc thay thế và giảm bớt sức lao động của con người, thì một loại thuốc được người dân sử dụng khá nhiều đó là TTC. Với những ưu thế vượt trội khi vừa tiết kiệm lượng lớn thời gian, công sức lao động mà giá thành lại thấp, nên đa phần nông dân ở đây dùng TTC phun lên đồng ruộng.

 

Thuốc trừ cỏ được bày bán tràn lan tại các chợ phiên.

Không khẩu trang, không gang tay hay bất cứ dụng cụ bảo vệ nào, đeo trên lưng bình TTC đã pha sẵn, đôi tay ông Phàn A Sái, thôn Pê Răng Ky, xã Huổi Só nhịp nhàng một bên cần gạt, bên kia vòi phun đưa đều theo bước chân. Chỉ chừng gần 1 giờ đồng hồ, ông đã hoàn thành công việc phun thuốc trừ cỏ cho cả mảnh nương rộng, và có thể về nghỉ ngơi chờ cỏ tự chết cháy để tiến hành làm đất gieo trồng, thay vì trước đó phải còng lưng cày cuốc nhiều ngày. Ông Sái trao đổi: “Cỏ mọc nhiều quá, nương thì rộng nên phải sử dụng thuốc mới diệt hết được. Cứ khi nào cỏ lên nhiều thì phun thôi”. Khi được hỏi việc sử dụng TTC nhiều như vậy có gây độc hại cho bản thân hay không? Ông Phàn A Sái cho rằng: “Thuốc trừ cỏ thì chỉ để diệt cỏ thôi, không hại gì đâu!”.

Ông Tẩn A Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Só, cho biết: Việc sử dụng TTC trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã mới chỉ khoảng 2 – 3 năm trở lại đây. Đa phần là do người dân tự mua về phun theo kinh nghiệm. Chính quyền địa phương cũng đã nắm bắt thực trạng và thấy được những lo lắng về tính độc hại của thuốc nên có nhiều văn bản đề nghị UBND huyện, đặc biệt là Trạm Bảo vệ thực vật huyện về hướng dẫn quy trình sử dụng thuốc cho bà con.

Theo chân những người nông dân, chúng tôi tiếp tục tìm đến các chợ phiên - nơi được cho là dễ dàng mua các sản phẩm TTC nhất. Quả thật, không riêng thị trấn, tại các chợ phiên: Xá Nhè, Tả Sìn Thàng, không khó khăn để mua được một chai, thậm chí cả can 5 lít TTC. Và đây cũng là một trong những mặt hàng bán chạy nhất ở chợ phiên, nhất là vào thời điểm đầu vụ gieo trồng lương thực, hoa màu. TTC được bày bán ở vị trí thuận tiện nhất, với những chiếc can 5lít, 2lít, 1lít và các lọ nhỏ hơn. Cạnh đấy là đầy đủ bình phun thuốc và dụng cụ đi kèm.

Cũng như nhiều người dân khác, cuối buổi chợ, cùng với một số mặt hàng thiết yếu cho sinh hoạt của gia đình, thì TTC là một trong những sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp không thể thiếu trong lu cở của ông Giàng A Dơ, xã Sính Phình. Hạ lu cở xuống, ông Dơ lấy ra 5 chai TTC nhãn hiệu Trâu Vàng, loại 0,5lít, mà theo ông thì sẽ đủ dùng cho cả vụ. Ông Dơ khoe: “Phải mua được loại có hình đầu trâu như thế này mới tốt. Loại này mạnh lắm! Phun đến đâu cỏ chết hết đến đấy. Loại thuốc khác thì không tốt bằng đâu!”.

Theo các nghiên cứu khoa học cho thấy, hoạt chất trong TTC có một số thành phần cực độc, song chỉ hấp thụ qua cây trồng một tỷ lệ nhỏ, còn lại sẽ thấm vào đất, nguồn nước. Việc sử dụng TTC tràn lan ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng, trước tiên là người trực tiếp sử dụng, sau là môi trường xung quanh. Mặt khác, TTC còn tiêu diệt vi sinh vật có ích, gây mất cân bằng sinh thái… Trên thực tế, những điều mang tính chất khoa học như thế này, thì ông Dơ và có lẽ nhiều bà con vùng cao khác không biết, hoặc nếu có biết thì họ vẫn làm, vì trong suy nghĩ của họ, việc phun thuốc TTC là giải pháp “tối ưu” nhất hiện nay, cho đỡ phải dung sức người, cách làm truyền thống. Chính điều này càng làm tăng nguy cơ, cũng như mức độ nguy hại của TTC đối với sức khỏe, tính mạng người dùng cũng như cộng đồng dân cư.

Bất cập ngay từ khâu quản lý

Cùng với các loại thuốc chữa bệnh, thuốc thú y… thì để kinh doanh mặt hàng thuốc BVTV, người bán phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giấy chứng nhận kinh doanh, chứng chỉ… Là mặt hàng kinh doanh có điều kiện như vậy, song trên thực tế việc mua bán TTC hiện nay tại Tủa Chùa lại gần như “không cần điều kiện”. Người bán có thể được đăng ký, hoặc không đăng ký, hay đăng ký bán tại cơ sở này, nhưng lại lách luật mang đi các địa bàn khác buôn bán mà cơ quan chức năng khó lòng xử lý. Đây đã và đang là nghịch lý diễn ra nhiều năm qua không chỉ ở Tủa Chùa.

 

Vì tiết kiệm thời gian và công sức nên đa phần người dân ở Tủa Chùa đều sử dụng TTC để phun lên đồng ruộng.

Thống kê cho thấy, hiện nay Tủa Chùa có 7 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV được cấp giấy phép, trong đó 4 cơ sở ở trung tâm thị trấn, 2 cơ sở tại xã Mường Báng và 1 cơ sở tại xã Xá Nhè. Tuy nhiên, trên thực tế, TTC được bán chạy nhất lại là tại các chợ phiên. Cơ quan có đủ điều kiện chuyên môn ở địa phương là Trạm Bảo vệ thực huyện vật thì cho rằng: Đơn vị không có thẩm quyền xử phạt vi phạm! Họ cho rằng, UBND xã, phường, thị trấn mới là cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm (ở mức dưới 5 triệu đồng).

Đem những trăn trở này trao đổi với bà Vũ Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, bà Ánh cho rằng: “Đây là thực trạng đã diễn ra nhiều năm qua. Về phía đơn vị, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về các vấn đề liên quan, hàng năm cũng đã tăng cường phối hợp với các lực lượng để thanh, kiểm tra hoạt động buôn bán, thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV nói chung, cũng như đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng TTC an toàn. Tính riêng từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức 4 cuộc kiểm tra liên ngành. Thông qua đó kịp thời phát hiện, nhắc nhở các hộ cần tuân thủ điều kiện kinh doanh mặt hàng thuốc BVTV. Một mặt tiến hành rà soát, thu hồi 13kg vỏ bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng, 91kg thuốc BVTV hết hạn sử dụng. Ngoài ra, tổ chức 21 lớp tập huấn kỹ năng trồng trọt, kết hợp quản lý, sử dụng thuốc BVTV”. Tuy nhiên, bà Ánh cũng thừa nhận, việc kiểm tra chủ yếu mới chỉ thực hiện tại các cánh đồng lớn và khu vực trung tâm. Hiện tại các khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa vẫn còn bỏ ngỏ.

Từ những tồn tại nói trên, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng xác định thời gian tới sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý, giám sát việc mua bán và sử dụng TTC trên địa bàn mình quản lý; tham mưu với UBND huyện tổ chức các lớp tập huấn có kết hợp truyền thông về sử dụng thuốc BVTV. Đồng thời phòng cũng sẽ đề nghị với cấp trên cho lắp đặt biển cảnh báo về tác hại của TTC ở các khu vực sản xuất, để người dân dễ dàng tiếp cận, có phương án sử dụng hiệu quả, đúng liều lượng, mục đích, và hơn hết là an toàn cho sức khỏe.

Tuy nhiên, phải thừa nhận, những bất cập trong công tác quản lý đã và đang vô tình tạo kẽ hở cho người kinh doanh thuốc BVTV một cách tự do và rất khó kiểm soát. Trong khi đó, người nông dân đa phần vẫn sử dụng theo kiểu tự phát, đã và đang gây ra những nguy cơ khó lường cho sức khỏe con người. Mặc dù hiện nay trên địa bàn huyện Tủa Chùa chưa ghi nhận vụ việc nào liên quan đến hệ lụy do TTC để lại, song trước bài học nhãn tiền về vụ việc đáng tiếc xảy ra ở Sơn La khiến hơn 70 người ngộ độc do uống phải nguồn nước có tồn dư TTC còn chưa hết “nóng”, thì có lẽ cần cách nhìn nghiêm túc hơn về vấn đề này. Những dự định mà đại diện ngành chức năng địa phương đưa ra khi làm việc với phóng viên là hết sức cần thiết và đúng đắn. Song nó cần được thúc đẩy sớm hơn, bởi sức khỏe, tính mạng con người thì không thể chậm trễ.

Thành Chương – Hà Linh
Bình luận
Back To Top