Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu

08:30 - Thứ Sáu, 08/06/2018 Lượt xem: 10621 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, hiện tượng biến đổi khí hậu (BÐKH) có những biểu hiện và tác động ngày càng rõ nét; đã gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: Bão, lũ lụt, sạt lở đất… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân. Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng phó với BÐKH, các cấp, ngành, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, triển khai những giải pháp kịp thời ứng phó với hiện tượng thời tiết do BÐKH gây ra, nhằm bảo vệ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân trên địa bàn.

Bà Ðặng Thị Hồng Loan, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường), cho biết: Ðể ứng phó kịp thời với BÐKH, năm 2012, UBND tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt “Kế hoạch hành động ứng phó với BÐKH tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, với mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó với BÐKH, nhằm đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ cuộc sống của nhân dân, phòng tránh và giảm thiểu các hiểm họa của BÐKH. Sau đó, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BÐKH để đôn đốc hướng dẫn các địa phương triển khai phương án ứng phó với BÐKH. Hàng năm, Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong việc xây dựng, triển khai những nội dung liên quan đến BÐKH, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) để khắc phục kịp thời các sự cố môi trường theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tổ chức tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới tới toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức trên địa bàn tỉnh để họ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó với BÐKH và những việc làm quan trọng góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra…

 

Trồng cây xanh góp phần giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Ðoàn viên thanh niên Ðoàn Dân chính Ðảng tỉnh trồng cây xanh tại Bệnh viện Y học cổ truyền.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ảnh hưởng bởi hiện tượng BÐKH, năm 2017, toàn tỉnh có trên 830ha lúa bị thiệt hại; gần 70ha hoa màu bị ảnh hưởng trên 70% do mưa lũ; gần 40ha ngô, hơn 70ha ao cá, tôm bị thiệt hại do mưa lũ và gần 14 tấn tôm, cá thịt bị thiệt hại; gần 300 con gia súc, gia cầm bị chết do thiên tai... Ngoài ra, còn có 57 công trình thủy lợi bị thiệt hại nặng, gần 4km kênh bị hư hỏng do sạt lở… BÐKH cũng là nguyên nhân làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch hại, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng trong sản xuất nông nghiệp, tăng nguy cơ rủi ro đối với sản xuất trong các lĩnh vực, ngành nghề.

Ông Nguyễn Văn Ðịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Phó chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, cho biết: Nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản do các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện bởi BÐKH, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã không ngừng nâng cao công tác dự báo, năng lực cảnh báo nguy cơ và PCTT bằng việc đào tạo, tập huấn nâng cao chuyên môn cho cán bộ, người dân, giúp các tổ chức, cá nhân chủ động ứng phó với các điều kiện thời tiết bất lợi, tăng hiệu quả PCTT. Tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tăng cường công tác phòng, chống lụt bão tại địa phương; huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu khi xảy ra sự cố trên địa bàn tỉnh theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

Nhận thức sâu sắc ảnh hưởng của BÐKH đối với các hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp và nuôi thủy sản, trong vài năm trở lại đây ngành Nông nghiệp cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ và người dân về những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của BÐKH với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; thay đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, ưu tiên sử dụng những giống bản địa cho năng suất cao; sử dụng tài nguyên rừng, nước, đất tiết kiệm, hiệu quả. Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng những giống chịu hạn, chịu lạnh, những giống thích ứng với BÐKH theo hướng sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, gắn với chuỗi liên kết bền vững; phổ biến, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chọn giống, quy trình kỹ thuật thâm canh, mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó là chủ động xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo vùng trồng tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn sản xuất theo chuỗi, vùng sản xuất, nhằm giảm thiểu tổn thất do ảnh hưởng của BÐKH. Ðồng thời, khuyến khích người dân tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi để vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, như: xây dựng các mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, hầm biogas... Vận động, khuyến kích, hỗ trợ nông dân dồn điền, đổi thửa, từng bước xây dựng mô hình cánh đồng lớn tại các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng... Nuôi thủy sản theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho người dân tại các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn. Nghiên cứu, nuôi thử nghiệm các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, như: Cá tầm, cá hồi, nuôi theo phương pháp lồng bè tại huyện Ðiện Biên và Tuần Giáo...

Hiện nay, hiện tượng BÐKH đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, môi trường đang là vấn đề nóng của nhân loại; bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta. Vì vậy, mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng cần chung tay, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm để bảo vệ môi trường và ứng phó với BÐKH. Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ, như: Trồng cây gây rừng, hạn chế sử dụng túi nilon, không xả rác bừa bãi... nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top