Hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ ở Ðiện Biên Ðông

08:33 - Thứ Sáu, 08/06/2018 Lượt xem: 10892 In bài viết
ĐBP - Xác định việc điều động, luân chuyển cán bộ là một trong những bước quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương trong tình hình mới, huyện Ðiện Biên Ðông đã tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn về giữ những cương vị chủ chốt tại các xã; đặc biệt là các xã khó khăn nhằm khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định.


Cán bộ bộ phận “Một cửa” xã Pú Nhi tiếp nhận thủ tục hành chính của người dân.

Từ năm 2015 đến nay, huyện Ðiện Biên Ðông đã luân chuyển 43 lượt cán bộ; trong đó, luân chuyển từ huyện về xã 5 đồng chí, luân chuyển giữa các phòng, ban huyện 35 trường hợp. Ông Nguyễn Trọng Huế, Bí thư Ðảng ủy xã Pú Nhi, nguyên là Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện được luân chuyển về xã từ tháng 8/2015. Thời điểm đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của Pú Nhi còn cao, đời sống nhân dân khó khăn, trình độ cán bộ không đồng đều, cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu... Ông Huế đã cùng tập thể Ðảng ủy xã vận động thành công nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê) theo hướng hàng hóa. Bên cạnh cây nông nghiệp thế mạnh (lúa, ngô) xã vận động nhân dân trồng cây ăn quả (đào Pháp) có giá trị kinh tế cao. Hiện xã có trên 10ha cây đào Pháp đã cho thu hoạch, nhiều gia đình thoát nghèo nhờ trồng đào. Trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 3 - 4%. Công tác xây dựng Ðảng có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2015, xã còn bản chưa có đảng viên nhưng hiện nay 100% các bản trong xã đều có đảng viên, nâng tổng số chi bộ của xã lên 22 với trên 200 đảng viên...

Theo đánh giá của Huyện ủy Ðiện Biên Ðông, công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức; từng bước khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín ở cơ sở; góp phần đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, chỉ đạo sâu sát, toàn diện hơn. Tại các xã có cán bộ luân chuyển đến, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực; công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành từng bước được chấn chỉnh, đi vào nề nếp, kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm dân chủ. Những nơi trì trệ, chậm phát triển, phức tạp kéo dài được khắc phục kịp thời. Cán bộ luân chuyển giữ cương vị chủ chốt cấp ủy, chính quyền không phải người địa phương, thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều thuận lợi, phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, bộ mặt địa phương khởi sắc, được cán bộ, đảng viên, nhân dân ghi nhận...

Mặc dù có những khó khăn, biến động về đội ngũ cán bộ, nhưng thời gian qua công tác luân chuyển cán bộ được Huyện ủy Ðiện Biên Ðông tiến hành thận trọng, không làm ồ ạt, chạy theo số lượng. Trên cơ sở kế hoạch luân chuyển, xác định rõ đối tượng, phạm vi, biện pháp, lộ trình thực hiện. Ðồng thời, tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ hiện có, lựa chọn cán bộ trong diện quy hoạch; xem xét năng lực, sở trường của mỗi cán bộ và yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương, để xác định nơi luân chuyển, bố trí công việc phù hợp. Trước khi quyết định luân chuyển, cấp ủy, tập thể lãnh đạo đều chủ động làm tốt công tác tư tưởng, để cán bộ được luân chuyển, cơ quan, đơn vị có cán bộ luân chuyển đi và đến thông suốt về quan điểm, thống nhất về nhận thức, nghiêm túc chấp hành quyết định luân chuyển của tổ chức. Quá trình thực hiện công khai, dân chủ, bảo đảm đúng nguyên tắc, chú trọng đến yếu tố đặc thù của từng địa phương và giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn...

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top