Ðể thi đua là động lực

08:53 - Thứ Hai, 11/06/2018 Lượt xem: 9437 In bài viết
ĐBP - Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên luôn đoàn kết một lòng, không ngừng ra sức thi đua, lập nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, học tập, chiến đấu. Qua các phong trào thi đua yêu nước đã gặt hái được nhiều kết quả khích lệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Thực hiện lời kêu gọi của Bác, tỉnh đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, ban hành nhiều văn bản để tổ chức, tuyên truyền, triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả. Nhất là các phong trào thi đua yêu nước lớn, như: “Thi đua để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… Sau phát động phong trào, các cấp, ngành đã có những đánh giá cụ thể; kịp thời tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực và các phong trào thi đua yêu nước gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)…

 

Lãnh đạo Tỉnh đoàn và Ban Dân vận Tỉnh ủy tuyên dương thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo tiêu biểu trên các lĩnh vực năm 2017.

Một trong những phong trào thi đua yêu nước đã có sức lan tỏa sâu rộng và mang lại hiệu quả tích cực được các cấp, ngành và nhân dân hưởng ứng đánh giá cao thời gian qua là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thông qua phong trào, đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình có đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tiêu biểu như ông Lò Văn Phúi ở bản Mường Luân 1, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông) hiến trên 5.000m2 đất (tổng trị giá gần 1 tỷ đồng) để phục vụ các công trình phúc lợi của địa phương. Ông Phúi là 1 trong 7 cá nhân điển hình của tỉnh Ðiện Biên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng và biểu dương tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2018) tổ chức tại Hà Nội ngày 3/6 vừa qua. Không chỉ tham gia hiến đất, ông còn vận động nhân dân tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Với đóng góp của cá nhân ông cũng như sự vào cuộc, hưởng ứng của cả hệ thống chính trị, đến nay toàn tỉnh có 15/116 xã đạt và cơ bản đạt các tiêu chí về nông thôn mới, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 7 xã cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí…

Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” cũng đã thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Nhà nước về vai trò của doanh nghiệp đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó làm tốt chức năng nhiệm vụ được giao với phương châm phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp ổn định và phát triển. Nhờ làm tốt điều đó, vị trí chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh; năm 2017 xếp thứ 24 tăng 19 bậc so với năm 2016; chỉ số PCI năm 2017 đạt 60,57 điểm (tăng 4,09 điểm), xếp thứ 48/63 tỉnh, thành (tăng 5 bậc so với năm 2016). Ðiện Biên nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số trung bình của cả nước; xếp thứ 7/14 tỉnh miền núi phía Bắc… Ngoài ra, các phong trào thi đua: “Dân vận khéo”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thi đua Quyết thắng”... cũng đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu tỉnh đề ra.

Ông Trần Ðại Nghĩa, Phó ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, cho biết: Là cơ quan tham mưu về công tác thi đua - khen thưởng, đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh về hình thức phát động, tổ chức thực hiện; nội dung thi đua sáng tạo phù hợp chức năng, nhiệm vụ và tình hình của từng tổ chức. Ðổi mới, sáng tạo, nhất là việc khen thưởng các tập thể, đối tượng là người trực tiếp lao động sản xuất, công nhân, nông dân. Cùng với đó, tham mưu cho tỉnh lồng ghép các phong trào thi đua yêu nước gắn với các cuộc thi, hội thi. Từ đó, phong trào thi đua ngày càng hiệu quả, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Ðại Nghĩa cũng thẳng thắn chia sẻ về những hạn chế, như: Phong trào thi đua có nơi phát triển chưa đều, chưa thường xuyên; công tác khen thưởng tuy đã được đổi mới nhưng ít nhiều còn mang tính hình thức, việc vận dụng cụ thể hóa các tiêu chuẩn để xét khen thưởng các cấp, các ngành, địa phương chưa đồng đều. Khắc phục những tồn tại đó, các cấp, các ngành cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác tổ chức triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Nâng cao sức chiến đấu, tính gương mẫu đi đầu của đảng viên và tổ chức cơ sở đảng trong các phong trào thi đua yêu nước, gắn các phong trào thi đua với việc học tập và làm theo Bác... để từ đó, các phong trào thi đua có sức lan tỏa sâu hơn và thiết thực hơn.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top