Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2018)

Phấn đấu nâng tầm tác phẩm

08:28 - Thứ Năm, 14/06/2018 Lượt xem: 9660 In bài viết
ĐBP - Trên hành trình 93 năm ra đời và phát triển, nhà báo và hệ thống các cơ quan báo chí Việt Nam đã và đang xứng đáng là công cụ đắc lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, đảm bảo trật tự - an toàn xã hội của đất nước. Các nhà báo chân chính có quyền tự hào là những “thư ký thời đại” bám sát hiện thực cuộc sống...

 

Phóng viên Báo Ðiện Biên Phủ tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Phạm Quang

Hòa vào xu thế chung của báo chí trong nước, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, những người làm báo Ðiện Biên xác định ngoài những kiến thức có được trong các trường chuyên nghiệp, thì việc tự học, tự trau dồi hiểu biết; học qua sách vở, học ở đồng nghiệp, học ở nhân dân là điều hết sức quan trọng để nâng cao hơn nữa chất lượng các tác phẩm báo chí. Là tỉnh còn nghèo, địa bàn rộng và địa hình phức tạp... việc tác nghiệp của người làm báo Ðiện Biên so với các tỉnh miền xuôi khó khăn hơn rất nhiều. Những thách thức ấy, đòi hỏi chỉ có người làm báo thật sự yêu nghề mới đủ kiên trì, nỗ lực vượt qua... Tác nghiệp ở vùng cao là vậy, nhưng ở những địa bàn có điều kiện thuận lợi hơn, trình độ dân trí cao hơn, thì thử thách mà người làm báo phải vượt qua chính là cơ chế thị trường. Trước sức cám dỗ của vật chất, chỉ những người làm báo thực sự yêu nghề, đặt tôn chỉ mục đích của tờ báo, đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu mới có thể vượt qua để hoàn thành bài viết một cách công tâm và khách quan... 

Chúng ta biết rằng, đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội phát triển từng ngày, chính vì thế, để đáp ứng kịp thời với nhịp chung ấy, người làm báo hiện đại dù ở khâu nào, biên tập, phóng viên hay kỹ thuật viên cũng cần phải học hỏi nhiều hơn, tiếp cận công nghệ nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu thực tế đó. Một phóng viên không thể thực hiện bài viết tốt, nếu đề tài mà người đó tiếp cận là những điều hoàn toàn xa lạ. Việc đó sẽ dẫn đến khả năng tiếp nhận thông tin không sâu và việc phân tích, đánh giá vấn đề và đề xuất các giải pháp khó đúng, trúng trọng tâm. Một kỹ thuật viên dù được trang bị máy móc hiện đại đến đâu cũng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất, nếu họ không làm chủ được máy móc, công nghệ. Biên tập viên cũng vậy, nếu không tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì việc xử lý bản thảo không thể đem lại hiệu quả, thậm chí trong một số trường hợp vì thiếu thông tin mà sửa sai ý của tác giả... Ðó chỉ là những ví dụ nhỏ nhất để thấy việc thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức nhiều lĩnh vực của người làm báo là vô cùng cần thiết và hữu ích.

Bên cạnh đó, để trưởng thành hơn trong nghề, điều mà mỗi người làm báo luôn cố gắng lưu tâm đó là ý thức tích luỹ kinh nghiệm, vốn sống thực tế. Quá trình này giúp cho bài viết của phóng viên ngày một sâu sắc hơn, cách nhìn nhận đánh giá vấn đề chính xác hơn, thời gian hoàn thành bài viết cũng nhanh hơn. Với người làm công tác biên tập, việc nghiêm túc rút kinh nghiệm và tích luỹ vốn sống phong phú, không chỉ làm cho việc xử lý tin bài hợp lý hơn, mà còn có thể tìm thấy được sự đồng cảm trong cách nhìn nhận vấn đề với bài viết mà họ được tiếp cận. Chúng tôi cho rằng người làm báo nói chung và một biên tập viên nói riêng, phải có tư tưởng cầu thị và luôn khao khát làm chủ những khả năng của mình bằng cách phấn đấu tự hoàn thiện bản thân. Mà muốn hoàn thiện bản thân, trước hết phải hoàn thiện tính cách với những tố chất nghề nghiệp: Lắng nghe, chia sẻ, rèn luyện trí nhớ, đọc nhiều, ghi chép tỉ mỉ và cẩn thận. Người ta bảo: “Tác phẩm hay nhất là tác phẩm chưa viết”, điều đó có nghĩa những gì ta đã viết ra, dù thành công bao nhiêu cũng là chưa đủ và còn phải phấn đấu để không ngừng nâng tầm cho những tác phẩm của mình sau này. Ðiều ấy đúng như một sự chiêm nghiệm, rằng cuộc đời người làm báo dài như những chuyến đi và chuyến đi nào cũng có những đề tài mới mẻ hấp dẫn, thử thách ta.

Theo ông Nguyễn Vân Chương - Chủ tịch Hội Nhà báo Ðiện Biên - tính đến nay, Hội Nhà báo tỉnh Ðiện Biên sắp tròn 28 năm hoạt động với 6 kỳ Ðại hội. Từ chưa đầy 50 hội viên ban đầu của Ðại hội lần thứ nhất, tới thời điểm này (tháng 06.2018) Hội Nhà báo Ðiện Biên có 134 hội viên, sinh hoạt tại 5 chi hội trực thuộc. Ðây là lực lượng chủ chốt được đào tạo cơ bản về chuyên môn, tác nghiệp tại các cơ quan báo chí trong tỉnh. Theo kế hoạch, hàng năm, hội viên Hội Nhà báo tỉnh được tham dự các buổi sinh hoạt chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, được đăng ký sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, dự các cuộc thi báo chí do Trung ương hoặc địa phương tổ chức... Ðều đặn mỗi năm có hàng chục lượt hội viên nhà báo được nhận bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam, của các cơ quan Trung ương, của UBND tỉnh và của Hội Nhà báo tỉnh. Không còn nghi ngờ gì nữa, báo giới Ðiện Biên đã trở thành một lực lượng xã hội quan trọng, góp phần trí tuệ xây dựng tỉnh ta ngày thêm giàu mạnh, dân chủ và văn minh.

Phát huy sức mạnh của nền báo chí cách mạng được Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, báo giới cả nước đã và đang tiến quân mạnh mẽ trong thời đại phát triển của khoa học kỹ thuật truyền thông. Cùng với đó, mỗi người làm báo ở Ðiện Biên hãy tự xác định lập trường giai cấp, kiên quyết chống lại các khuynh hướng không lành mạnh của báo chí thương mại rẻ tiền; noi gương Bác Hồ phấn đấu và tu dưỡng không ngừng, nguyện khắc ghi 6 chữ vàng: “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc” của nhà báo cách mạng chân chính...

Hồng Kỳ
Bình luận
Back To Top