Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6)

Những sẻ chia tâm huyết

09:04 - Thứ Năm, 14/06/2018 Lượt xem: 9399 In bài viết
ĐBP - Chung nỗ lực với Ðảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên trên chặng đường dựng xây và phát triển; những năm qua người làm báo Ðiện Biên đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách; không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giữ vững đạo đức người làm báo, hoàn thành tốt vai trò là tiếng nói của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh. Hướng tới kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), Báo Ðiện Biên Phủ xin gửi đến bạn đọc những sẻ chia tâm huyết của một vài phóng viên và cộng tác viên đặc biệt trên địa bàn…

Cộng tác viên Ðỗ Công Tuyến (Huyện Mường Chà)

“… Môi trường để rèn giũa nghiệp vụ”

Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ phóng viên tại Ðài Truyền thanh - Truyền hình huyện Mường Chà, tôi cũng thường xuyên viết tin, bài cộng tác trên các ấn phẩm của Báo Ðiện Biên Phủ. Với mong muốn mỗi bài viết sẽ góp một phần tiếng nói phản ánh những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương mình; tôi dành khá nhiều thời gian cho những chuyến đi về cơ sở, nhất là những xã, bản còn nhiều khó khăn. Khác với truyền hình, công chúng được xem chương trình bằng cả thính giác và thị giác trực tiếp, báo in còn phải thể hiện sao cho độc giả hình dung bối cảnh, địa điểm, nội dung chính của nhân vật, sự kiện. Chính vì vậy, khi bắt tay vào viết bài cộng tác với Báo Ðiện Biên Phủ, tôi thường ở cơ sở lâu hơn để có những cuộc trò chuyện, trao đổi, nắm bắt cảm xúc của nhân vật. Cũng từ đó, tôi có cơ hội để rèn giũa thêm những kỹ năng trong quá trình tác nghiệp để có những bài viết hay, chất lượng, mang đậm hơi thở cuộc sống. Mỗi khi có bài viết được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Ðiện Biên Phủ là dịp để tôi suy ngẫm lại quá trình thực hiện, so sánh bài được đăng với bản thảo để rút kinh nghiệm cho những bài viết sau.

 

Có thể nói rằng, việc thường xuyên viết bài cộng tác với Báo Ðiện Biên Phủ tạo điều kiện cho tôi có thêm nhiều cơ hội để rèn giũa nghiệp vụ, trau dồi kiến thức về nghề báo, giúp tôi từng bước trưởng thành hơn trong công việc và cuộc sống. Không chỉ vậy, đó còn là cơ hội tốt để tôi giao lưu, học hỏi nhiều kinh nghiệm của các bạn đồng nghiệp để ngày càng có nhiều tác phẩm hay hơn, chất lượng hơn. 

Diệp Chi (ghi)

Phóng viên Nông Tiến Dũng, Báo Ðiện Biên Phủ

Làm báo cần nhất là tình yêu nghề

Gắn bó với Báo Ðiện Biên Phủ nhiều năm, tôi tham gia tác nghiệp phần lớn ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sản phẩm làm nghề là những bài phản ánh về đời sống bà con nơi rẻo cao, là ý kiến gửi gắm của những già làng, trưởng bản… nhưng nhiều nhất vẫn là các tác phẩm ảnh. Tôi muốn ghi lại mọi hoạt động của bà con để đưa đến bạn đọc, những khó khăn nhọc nhằn mưu sinh và cả khoảnh khắc an vui, hạnh phúc… Tôi nhận thấy rằng, để hoàn thành nhiệm vụ phóng viên cần nhất là tình yêu nghề và sự chịu đựng khó khăn gian khổ, không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn.

 

Trong cuộc đời làm nghề của mình, tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc ở vùng cao. Không ít những chuyến đi vài tiếng đường rừng, đến nơi không gặp được nhân vật lại phải quay về. Có những chuyến công tác xe máy hỏng giữa đường, trời mưa sình lầy trơn trượt; cả cung đường chỉ có một mình, đến bữa mà không gặp bản làng nào phải nhịn đói dắt xe... Khó khăn nhọc nhằn, nhưng để có được một tác phẩm chất lượng phóng viên ảnh phải đến tận nơi, biết chờ đợi nhân vật, chớp được khoảnh khắc và rất nhiều kỹ năng khác (kinh nghiệm vận hành xe máy trong nhiều địa hình, thời tiết; xử lý sự cố đơn giản…).

Triệu Mai (ghi)

Phóng viên Nguyễn Minh Thịnh, Ðài PT - TH Ðiện Biên

Nâng cao chất lượng truyền hình thời công nghệ số

Gắn bó với Ðài PT - TH Ðiện Biên đã gần 10 năm, tác nghiệp ở những xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, tôi đã thấm thía những khó khăn, vất vả của phóng viên vùng cao. Ðặc biệt với phóng viên quay phim phải mang vác khá nặng gồm tư trang, đồ nghề (máy quay, chân máy, máy tính, tư trang…). Trước yêu cầu đổi mới của thời kỳ công nghệ số, hàng loạt hệ thống, trang thiết bị truyền hình tiên tiến ra đời là thuận lợi lớn đối với mỗi nhà báo song cũng đòi hỏi sự nỗ lực học hỏi, cập nhật kiến thức thường xuyên, liên tục.

 

Ðối với Ðài PT - TH Ðiện Biên, việc dừng sản xuất chương trình truyền hình bằng băng từ truyền thống, chuyển sang công nghệ số; cải tiến các camera ghi hình chuyển sang bằng thẻ nhớ, ứng dụng phần mềm dựng chương trình cho phóng viên thông qua máy tính xách tay của từng cá nhân là những cơ hội đi cùng thách thức không nhỏ. Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay thích tiếp cận các trang mạng xã hội (youtube, facebook...) nhiều hơn. Ðể thu hút được khán giả, người làm báo hiện đại phải làm chủ công nghệ để khai thác sử dụng thiết bị trong thiết kế giao diện, kỹ xảo truyền hình… cập nhật các kiến thức mới về quay phim cũng như kỹ năng biên tập tác phẩm và biên tập chương trình truyền hình về hình ảnh; kỹ năng đạo diễn hình ảnh các chương trình truyền hình; tổ chức sản xuất các chương trình truyền hình. Ðể có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ chuyên môn, tôi và đồng nghiệp luôn tỉ mẩn, gọt giũa hoàn thiện từng khuôn hình; tự mình gia công từng khuôn hình từ lúc lên ý tưởng đến khi có được những thước phim đẹp như mong muốn. Ðiều này đã mở ra hướng tiếp cận mới trong cách thức làm báo hiện đại theo hướng nhanh, nhạy, kịp thời; tạo độ mở của các chương trình truyền hình theo hướng linh hoạt hơn, cập nhật thông tin tốt hơn.

Phương Linh (ghi)

Phóng viên Hà Hải Yến, Báo Ðiện Biên Phủ

Trên tất cả vẫn là tôn trọng sự thật

Thời đại bùng nổ thông tin, yêu cầu đặt ra đối với mỗi phóng viên báo điện tử không chỉ cần kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà phải có kỹ năng xử lý thông tin và làm chủ công nghệ. Song, đối với phóng viên điện tử của báo Ðảng, ngoài việc  “chạy đua” thông tin, thì cần yêu cầu cao hơn đó là phải đưa thông tin nhanh, kịp thời, chính xác.

 

Hiện nay, cuộc cách mạng 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thống, ảnh hưởng mạnh đến kỹ năng tác nghiệp của người làm báo. Là phóng viên báo điện tử, tôi tự nhận thức bản thân phải đa năng hơn, nhạy bén hơn; không chỉ hoàn tất một khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí, mà cần nỗ lực thực hiện trọn vẹn tất cả các công đoạn trong quá trình này, từ khâu thu thập thông tin, quay phim, chụp ảnh, viết tin, bài và hoàn thiện hình ảnh… (tức là cần có tính độc lập rất cao khi tác nghiệp).

Ðể đáp ứng đủ các yêu cầu này, với vai trò là một phóng viên báo Ðảng, ngoài sự nhanh nhạy, kịp thời để làm sao thông tin được truyền tải đến bạn đọc vừa đảm bảo nhanh nhất, nhưng phải chính xác nhất, đối với mỗi tác phẩm tôi đều có trách nhiệm trong việc lựa chọn thông tin, cách truyền tải… làm sao mang tính định hướng cho công chúng, giúp họ tiếp cận đúng bản chất của thông tin, không chạy theo thông tin mà đưa sai sự thật hoặc làm chệch hướng dư luận.                  

Hà Linh (ghi)

Cộng tác viên Lường Thị Phượng (huyện Tuần Giáo)

Góp sức cùng Báo Ðiện Biên Phủ truyền tải thông tin đến bạn đọc

Hơn 12 năm công tác tại Ðài Truyền thanh - Truyền hình huyện Tuần Giáo, với vai trò phát thanh viên, phóng viên, tôi hiểu được tầm quan trọng của báo chí trong tiến trình phát triển của đất nước, của địa phương. Do đó, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan, tôi còn cộng tác với các cơ quan báo chí trong tỉnh, nhất là Báo Ðiện Biên Phủ. Tôi muốn góp phần phản ánh rộng hơn tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh địa bàn đến nhiều đối tượng độc giả.

 

Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tìm hiểu và thể hiện trên tác phẩm của mình các mô hình kinh tế, cách làm hay trong xóa đói giảm nghèo, việc triển khai thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Thời gian đầu, việc cộng tác với Báo gặp không ít khó khăn do văn phong, bút pháp khác với viết cho Truyền thanh - Truyền hình.Trong quá trình cộng tác, tôi càng thêm hiểu. Người làm báo luôn phải sáng tạo, làm mới mình thì mới có thể cống hiến cho người đọc những tác phẩm báo chí đích thực. Gắn bó, cộng tác với báo làm cho tôi cảm thấy yêu nghề hơn. Thông qua những tác phẩm cộng tác, nhất là sau khi được biên tập viên của Báo Ðiện Biên Phủ biên tập, chỉnh sửa tôi thấy tác phẩm của mình hay hơn, tốt hơn. Có thể nói rằng, các tác phẩm đăng tải trên Báo Ðiện Biên Phủ được biên tập chặt chẽ, câu văn rõ ràng, mạch lạc, có tính chính trị, tính định hướng cao.

Quang Long (ghi)

Bình luận
Back To Top