Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Mường Chà

Chuyển biến nhận thức của người lao động

09:00 - Thứ Tư, 20/06/2018 Lượt xem: 9817 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT) trên địa bàn huyện Mường Chà đã được các cấp chính quyền quan tâm triển khai thực hiện, qua đó đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp và người dân về vai trò đào tạo nghề cho LÐNT đối với việc phát triển nguồn nhân lực, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Ông Trần Văn Trắn, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Chà, cho biết: Mường Chà có nguồn LÐNT dồi dào, song chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chưa qua đào tạo nên công tác dạy nghề cho LÐNT càng cần thiết hơn. Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho LÐNT trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn do người dân chưa nhận thức và chưa ý thức đúng về chính sách, pháp luật về dạy nghề. Ý thức tự vươn lên thoát nghèo, tập quán, thói quen sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn còn hạn chế. Tâm lý của một bộ phận người lao động không chịu xa gia đình nên việc học nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động còn nhiều bất cập. Ðịa bàn đào tạo nghề phân tán, kinh phí đào tạo hạn chế… khiến chất lượng, hiệu quả sau đào tạo không cao.

 

Học viên tham gia học lớp cắt may dân dụng, công nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Chà.

Ðể khắc phục những khó khăn đó, những năm gần đây, huyện Mường Chà đã quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho LÐNT; đồng thời có những cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư và mở các lớp đào tạo cho người dân với các ngành nghề phù hợp. Trung tâm Dạy nghề huyện đã mở các lớp sơ cấp (thời gian học 2 - 3 tháng) đa dạng các ngành, nghề, như: chăn nuôi, xây dựng, cắt may… đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trên địa bàn. Nhiều lớp đào tạo liên kết với các công ty, doanh nghiệp tạo đầu ra cho người lao động sau đào tạo cũng được tổ chức. Phối hợp với các phòng, ban, đoàn thể trên địa bàn chủ động triển khai thực hiện công tác tuyển sinh. Ðơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch tư vấn tuyển sinh đến các xã; gửi công văn tuyển sinh đến các địa phương và thông báo tuyển sinh tại trụ sở các xã, khu vực công cộng để người dân biết và đăng ký học. Giúp người lao động hiểu về lợi ích và quyền lợi khi tham gia các lớp học nghề, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, triển khai đến từng bản, xã về chế độ đãi ngộ của học viên tham gia học nghề, cũng như lợi ích của việc học nghề để xóa đói, giảm nghèo.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, năm 2017, Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Chà đã mở lớp đào tạo nghề cho trên 80 học viên theo học các nghề, như: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn, trồng và nhân giống nấm, kỹ thuật xây dựng. Ðặc biệt, đào tạo nghề miễn phí cho gần 20 học viên là thanh, thiếu niên tham gia học lớp cắt may dân dụng, công nghiệp và giới thiệu việc làm tại Công ty TNHH May Ðức Giang (TP. Hà Nội) đã đem lại thu nhập ổn định cho học viên sau đào tạo. Song, điều đáng ghi nhận là nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản. Trước kia, người lao động, đặc biệt là lao động trẻ chưa nhận thức được việc đào tạo nghề là nhu cầu, yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho bản thân, gia đình nên chưa quan tâm đến việc học nghề. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên chưa ý thức được hiệu quả của việc học nghề thì nay đã chủ động đăng ký học nghề nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững. Với những lao động trẻ, thanh thiếu niên sau khi tốt nghiệp THCS đã chủ động đăng ký học nghề, tạo việc làm, chăm lo cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Với những kết quả đạt được, năm 2018, Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Chà tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn khảo sát, tuyển sinh; trong đó mở 7 lớp dạy nghề nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) và phi nông nghiệp (cắt may, xây dựng) cho LÐNT. Ðồng thời, tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, công ty ngoài tỉnh tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn; góp phần nâng cao chất lượng LÐNT, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top