Dấu ấn cơ sở

09:13 - Thứ Tư, 20/06/2018 Lượt xem: 10204 In bài viết
ĐBP - Tôi còn nhớ lần tác nghiệp năm 2015 tại bản Yên Cang, xã Sam Mứn (huyện Ðiện Biên). Ðây là xã vùng lòng chảo Ðiện Biên giao thông thuận tiện, nên không phải vất vả như những chuyến công tác khác ở vùng sâu, vùng xa. Song lần tác nghiệp ấy để lại trong tôi những dấu ấn không thể quên.

Mục tiêu ban đầu của tôi khi xuống cơ sở chỉ đơn thuần là khai thác thông tin phục vụ bài viết phản ánh về sản xuất nông nghiệp địa phương. Song trong quá trình tác nghiệp, bằng sự gần gũi, trò chuyện chân thành, tôi được bà con chia sẻ nhiều khó khăn về cuộc sống, trong đó có vấn đề bức xúc đã diễn ra nhiều năm mà chưa được giải quyết. Chẳng là, 19 năm về trước, được sự quan tâm của Nhà nước, gần 60 hộ dân được di vén từ vùng có nguy cơ sạt lở về bản Yên Cang để ổn định cuộc sống. Về nơi ở mới, họ được cấp đất ở, hỗ trợ làm nhà, đầu tư đầy đủ các hệ thống: điện, nước, đường giao thông... và kinh phí sinh hoạt ban đầu. Cuộc sống sau đó nhiều đổi thay, song họ vẫn chưa thể làm chủ hợp pháp mảnh đất của mình được cấp, mặc dù đằng đẵng gần 20 năm đã không ít lần đề nghị, kiến nghị.

 

Phóng viên Hà Hải Yến trao đổi với người dân bản Yên Cang, xã Sam Mứn (huyện Ðiện Biên).

Những chia sẻ ngay lập tức khiến tôi không khỏi bức xúc và tự đặt câu hỏi: “Những cán bộ, lãnh đạo liên quan đã làm gì? Và trách nhiệm của họ để đâu? Khi mà gần 20 năm, đủ để nhiều người già đi, những đứa trẻ thì lớn lên, lập gia đình và tách hộ… ấy vậy mà niềm mong mỏi về tấm sổ đỏ vẫn chỉ là canh cánh trong lòng họ?!”. Sự thờ ơ, vô tâm, đùn đẩy trách nhiệm của những người có trách nhiệm ở địa phương đã đẩy “ấm ức” của người dân lên thành nỗi bức xúc và họ mất đi niềm tin với các cấp chính quyền. Ngay cả khi chia sẻ với tôi, họ dường như cũng không đặt nhiều niềm tin, bởi một phóng viên non trẻ, liệu làm được gì?!

Tối hôm đó, trở về nhà sau một ngày mệt mỏi rong ruổi khắp các gia đình, khu đất trong bản Yên Cang, tôi đặt lưng xuống giường và định bụng sẽ ngủ một giấc thật sâu, sáng mai dậy tỉnh táo mới viết bài. Nhưng tôi không thể nào chợp mắt được. Trong phút chốc, lương tâm, trách nhiệm của một người làm báo đã thôi thúc tôi bật máy và quyết định thức trắng đêm hoàn thành tác phẩm.

Với tựa đề: “Bao giờ người dân Yên Cang mới được làm chủ hợp pháp mảnh đất của mình?”, bài viết tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ của Ban Biêp tập. Chỉ sau gần 2 tuần bài báo lên trang, đoàn giám sát do đích thân đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HÐND tỉnh làm trưởng đoàn, đã về tận cơ sở nắm tình hình, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan và chỉ đạo nhanh chóng giải quyết nguyện vọng cho người dân; đồng thời thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên, liên tục để đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ. Chưa đầy 2 tháng sau đó, hơn 60 hộ dân Yên Cang đã được cầm trên tay tấm sổ đỏ đứng tên mình. Ðiều khiến tôi cảm thấy ấm lòng là trong ngày trọng đại ấy, họ đã không quên cô phóng viên ngày nào. Tôi nhận được cuộc điện thoại của ông trưởng bản, với lời mời hết sức chân thành đến dự, cùng ăn bữa cơm chung vui với bà con. Ngay lúc ấy, lại một lần nữa cảm xúc trong tôi dâng trào, nhưng thay vì nỗi trăn trở, day dứt và hoang mang ở khoảnh khắc đặt bút viết bài, lần này lại là niềm hân hoan khó tả.

Cho đến giờ, cùng với rất nhiều kỷ niệm trong gần 8 năm theo nghề, thì đây là dấu ấn mà tôi không bao giờ quên. Không chỉ đơn giản là bài viết của mình đã có tác động xã hội, điều khiến tôi luôn trân trọng là bao năm trôi qua tôi vẫn nhận được những tình cảm chân thành từ người dân Yên Cang. Ðó là những cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe, là lời mời về ăn tết, về dự bữa cơm ngày đại đoàn kết… như thể họ đã thực sự xem tôi là một người con của bản!

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top