Như cây cao tỏa bóng

09:12 - Thứ Năm, 21/06/2018 Lượt xem: 8988 In bài viết
ĐBP - Tại huyện miền núi Ðiện Biên Ðông, có không ít người đã ở vào cái tuổi “xế bóng”, song mỗi ngày trôi qua vẫn thầm lặng “tỏa bóng”. Dẫu đi đâu, làm việc gì, họ luôn phát huy tốt những kinh nghiệm quý báu tích lũy bao năm cuộc đời, để hướng dẫn, khuyên bảo và dìu dắt con cháu vươn lên. Ở miền rừng núi này, họ được bà con xem như những cây đại thụ.

Dùng uy tín để “phán xử”

Sớm một ngày trung tuần tháng 6, khi con gà rừng cất tiếng gáy đầu tiên chào ngày mới, mặt trời còn chưa ló rạng, trên mỗi cành cây, nhánh cỏ vẫn cõng đầy sương, trong căn nhà sàn nơi giữa bản, ông Lò Phương Lả và những thành viên trong tổ hòa giải số 1, thị trấn huyện Ðiện Biên Ðông đang lên kế hoạch cho một chuyến đi nương khá vất vả. Khác với mọi chuyến đi nương trước đó, nghe nói lần này là vì việc chung, và phải đi bộ vài giờ ngược núi mới tới nơi, nên bà Lò Thị Hương - vợ ông chuẩn bị khá kỹ. Nào xôi nếp nắm, chai nước đỏ, đôi ủng, mũ… và một thứ không thể thiếu đó là cây “gậy Trường Sơn”, bởi bà hiểu sức chồng bà không còn khỏe như hồi thanh niên. “Ðáng lẽ tuổi này rồi thì nghỉ thôi, tham việc thế này cực thân. Nhưng mà bà con vẫn tín nhiệm, có việc là cứ gọi đi. Lần nào họ cũng bảo, việc này không có ông Lả là không được đâu. Thương chồng lắm, mà ông ấy cũng nhiệt tình thế, mình là vợ thì phải ủng hộ chồng thôi” - bà Hương xót xa.

 

Ông Lò Văn Lả (thứ 2 từ trái sang) giải quyết tranh chấp đất giữa 2 hộ dân trên địa bàn.

Sau một hồi bàn bạc, có vẻ như đã đi đến thống nhất, ông Lả chào vợ con, cùng đoàn lên đường. Qua hơn 1 giờ leo xe máy ngược dốc lên đỉnh núi, đoàn tập kết xe tại một khoảnh nương bỏ không, chặt cây bụi che chắn cẩn thận mới bắt đầu hành trình đi bộ men theo các con đường mòn trên núi. Ban đầu còn sức, cả đoàn đi khá nhanh; rồi chậm dần, cứ một bước chân lại một bước gậy, song rất bền bỉ. Sau gần 3 giờ mướt mồ hôi, đoàn đã đến khu vực Bả Pao - nơi xảy ra cuộc tranh chấp đất sản xuất giữa 2 hộ dân của bản Chua Ta (xã Phì Nhừ) và tổ 1 (thị trấn).

Chẳng là, khu đất rộng chừng 1ha trước đây do hộ dân tại bản Chua Ta tự khai hoang canh tác, rồi bỏ không đã nhiều năm nay, cỏ mọc um tùm. Thấy lãng phí, người dân tổ 1 (thị trấn) vào khai hoang trồng lúa. Ban đầu không có vấn đề gì xảy ra, nhưng khi lúa đã trổ bông, trĩu hạt thì phát sinh mâu thuẫn. Sau khi nắm bắt và hiểu rõ sự tình, ông Lả dùng lý lẽ và uy tín của mình để giải thích: Bông lúa đã thành hình, sắp thu hoạch được rồi mà phá đi là sai. Giờ phải chờ, nhà nào có công trồng thì để người đó thu hoạch. Xong vụ này, nương chia đôi, cả 2 cùng làm. Ở đây không có đúng - sai, đất này là của Nhà nước, chúng ta đều là anh em sống chung trên cùng một mảnh đất, lại cùng bỏ công sức khai phá, lao động, sao không đoàn kết, bảo ban nhau cùng làm ăn? Ðến lúc xảy ra chuyện gì còn hỗ trợ nhau, người này trông hộ người kia. Còn không hòa giải được, nhà nước sẽ thu lại hết”. Lời phân tích vừa có lý, lại có tình đúng là có sức nặng. Sau một hồi phân bua, hai bên nhất trí với phương án giải quyết, bắt tay nhau vui vẻ thuận hòa. Nếu như ban đầu, ai cũng đưa ra cái lý riêng của mình mà không chịu bên kia, thì giờ đây, họ đã nghe, hiểu và thống nhất với một cái lý chung của ông Lả. Và vì thế, những vụ việc phân xử tương tự xảy ra trên địa bàn đều không thể vắng mặt ông.

Gương mẫu, đi đầu để tạo dựng uy tín

Còn với ông Lò Văn Sáng, xã Mường Luân, nay đã bước sang tuổi 60, không mũ cao, áo rộng; không có lời vàng ý ngọc, ông vẫn khiến bà con trong bản nể trọng. Tiếp phóng viên trong trang phục quần tây, áo sơ mi, tay đeo đồng hồ điện tử, tạo cảm giác trang trọng, ông bảo: Mình là nông dân, ngày thường ăn mặc xuề xòa thôi, nhưng tiếp khách là phải đàng hoàng, thế mới thể hiện sự tôn trọng người đối diện.

Khác với phong thái của một hội viên người cao tuổi như chúng tôi mường tượng, ông Sáng thể hiện sự nhanh nhẹn, nhạy bén của một nông dân trong cả cách nói và cách làm. Dẫn chúng tôi đi tham quan trực tiếp mô hình sản xuất của gia đình, ông đã minh chứng thuyết phục cho câu chuyện mình đang kể.

Là một đảng viên, lại được rèn luyện trong môi trường quân ngũ nên thật dễ hiểu khi ông Sáng không cam chịu số phận đói nghèo. Ông kể, sau khoảng thời gian tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, năm 1981, ông xuất ngũ về địa phương. Hai vợ chồng chỉ có một căn nhà tạm ba gian làm bằng tranh tre vách nứa, còn phía trong không có  thứ gì giá trị. Khi ấy, cả quê nghèo nơi ông sống vẫn chỉ biết cặm cụi với cây ngô, cây lúa trên nương, thì suy nghĩ “phi thương bất phú” đã thôi thúc ông tìm hướng đi mới cho phát triển kinh tế gia đình.

Ông cần cù, siêng năng, dám nghĩ, dám làm. Tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, ông tiếp cận nguồn vốn xóa đói giảm nghèo dành cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, để đầu tư khai hoang ruộng nước, chăn nuôi gia súc. Tích lũy từ những khoản tiền sau mỗi lần bán sản phẩm ra thị trường, năm 2005 gia đình ông mua mảnh đất ven đường ngay tại trung tâm xã Mường Luân, mở cửa hàng tạp hóa và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phụ tùng máy móc nông cụ sản xuất. Rồi ông Sáng tiếp tục đi học thêm 2 năm lớp điện dân dụng, sửa chữa đồng hồ và cho con trai học sửa chữa xe gắn máy, về làm dịch vụ phục vụ bà con trong xã và vùng lân cận khi có nhu cầu.

Sau 10 năm tích lũy, năm 2015 gia đình ông Sáng đầu tư một chiếc ô tô tải 3,5 tấn để thu mua và chuyên chở nông sản, hàng hóa của dân bản ra thị trường Ðiện Biên tiêu thụ. Năm 2016 tổng doanh thu của gia đình đã đạt gần 200 triệu đồng và tạo việc làm cho 3 lao động là con em người địa phương. Giờ đây, trong ngôi nhà khang trang, vững chãi gia đình ông Sáng đã có “của ăn của để”. Những thứ tiện ích phục vụ đời sống, như: ô tô, xe máy, ti vi, tủ lạnh… đã đủ đầy, mà nhìn vào bất cứ ai trong bản cũng phải khao khát.

Thế nhưng, ở ông không chỉ có sự nhạy bén với cơ chế thị trường, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, mà điều khiến người dân nơi đây nể phục là ông sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bất cứ ai tìm đến. Ông giúp vay vốn; giúp mua chịu máy móc, nông cụ sản xuất; giúp kiến thức chăn nuôi, trồng trọt… Cho đến giờ, không ai đếm được số người từng được ông Sáng giúp đỡ, còn riêng với hội viên người cao tuổi thì vài năm gần đây đã có 8 gia đình thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ và kiến thức làm kinh tế theo mô hình VAC mà ông truyền thụ. Ðó là lý do ở Mường Luân bây giờ người ta vẫn truyền tai nhau rằng “Ông Sáng là tấm gương sáng nhất bản!”.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top