Ký ức Nậm Pồ

09:38 - Thứ Sáu, 22/06/2018 Lượt xem: 10974 In bài viết
ĐBP - Chừng hơn 1 tháng qua, vùng đất biên thùy Nậm Pồ như rộn ràng hơn bởi không khí kỷ niệm 5 năm ngày thành lập huyện (23/6/2013 - 23/6/2018). Tại trung tâm nơi đóng bản doanh của các cơ quan cấp huyện, những cờ phướn, tranh ảnh, trường băng, biểu ngữ ngời lên sắc đỏ tự hào, giữa bốn bề quan san xanh thắm màu trời vùng biên ải xa xăm...

 

Ngã ba Chà Cang hôm nay.

Trong niềm vui 5 năm mới có một lần, không ít người như muốn bày tỏ lòng mình về quá trình thành lập và dựng xây dựng huyện mới. Theo Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 25/8/2012 của Chính phủ, 10 xã của huyện Mường Nhé (gồm: Pa Tần, Chà Cang, Nà Khoa, Nà Bủng, Nà Hỳ, Na Cô Sa, Nậm Tin, Nậm Nhừ, Nậm Chua và Vàng Ðán) cùng với 5 xã của huyện Mường Chà (gồm: Chà Tở, Nậm Khăn, Chà Nưa, Si Pa Phìn và Phìn Hồ), để làm nên huyện mới với tên gọi Nậm Pồ. Trong đó, Nậm Chua, Nậm Nhừ, Nậm Tin và Vàng Ðán là 4 xã được thành lập cùng thời điểm với huyện Nậm Pồ, trên cơ sở chia tách từ các xã Nà Hỳ, Nà Khoa, Chà Cang và Nà Bủng. Thời điểm mới thành lập, huyện Nậm Pồ có diện tích tự nhiên gần 150.000km2; dân số gần 44.000 nhân khẩu thuộc 10 dân tộc với đa số là đồng bào thiểu số. Theo Quyết định số 2527-QÐ/TU, ngày 6/6/2013 của Tỉnh ủy Ðiện Biên, Ban Chấp hành Ðảng bộ Nậm Pồ khóa I, nhiệm kỳ 2013 - 2015 có 35 đồng chí; Ban Thường vụ Huyện ủy có 11 đồng chí; Thường trực Huyện ủy 3 đồng chí. Ðồng chí Thùng Văn Siêng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Chà được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ; đồng chí Phạm Ðình Quế, Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy, làm Phó Bí thư Thường trực; đồng chí Nguyễn Văn Thái, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, làm Phó Bí thư.

Mới đó mà đã 5 năm. Theo nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Nậm Pồ giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được UBND tỉnh tổ chức phiên họp thẩm định thông qua chiều ngày 12/12/2016), trong giai đoạn 2016-2030, huyện cần chú trọng nhiệm vụ bảo vệ và phát triển vốn rừng, tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả, bền vững, đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; quan tâm tới các mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 30a và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từng bước đưa Nậm Pồ trở thành huyện miền núi biên giới vững mạnh, có an ninh chính trị ổn định, kinh tế - xã hội tương đối phát triển, khối đại đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc anh em...

Cữ này hơn 10 năm trước, chúng tôi có chuyến công tác tại xã Pa Tần. Ðược sự giúp đỡ của các chiến sĩ Công an huyện Mường Nhé, chúng tôi tới bản Pa Tần của xã Pa Tần. Nguyên thể Pa Tần là một bản đồng bào Thái trắng, thuộc xã Chà Cang, huyện Mường Lay cũ. Các cụ già ở đây kể rằng theo thổ âm Thái, “Tần” có nghĩa là con lũ lớn. Nghe nói lâu lắm rồi, nơi đây từng xảy ra một trận “đại hồng thủy” kinh hoàng. Thời gian trôi đi, dấu tích còn lại là những khối đá khổng lồ, nằm rải rác khắp triền đồi tới tận bờ sông Nậm Pồ. Giờ thì câu chuyện về trận “đại hồng thủy” không mấy người nhớ nữa mà thay vào đó, sông Nậm Pồ đôi bờ xanh lúa vàng ngô và cái tên “Nậm Pồ” với nguyên nghĩa tính từ, được chọn làm tên huyện mới và đương nhiên trở thành một danh từ gắn với biên niên của vùng đất này...

Trong dòng suy tưởng về ký vãng Nậm Pồ, tôi bồi hồi nhớ tới một đơn vị với nhiều thành tích được ghi nhận trong thời gian qua, đó là Ðồn Biên phòng 411 xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé cũ). Thực hiện Quyết định số 3217 ngày 4/12/2001, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Quyết định số 70 ngày 4/3/2002 của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; sáng 30/8/2002 tại thị trấn Mường Tè (tỉnh Lai Châu hiện nay), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu (tức Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Ðiện Biên hiện nay) đã phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Mường Tè, tiến hành lễ ra mắt thành lập Ðồn Biên phòng 411 Mường Toong. Ðồn trưởng đầu tiên của Ðồn Biên phòng 411 là Thiếu tá Lò Văn Ðịnh, dân tộc Thái, quê gốc ở bản Quan Chiêng (thị xã Mường Lay). Trước đấy, xã Mường Toong thuộc địa bàn quản lý của Ðồn Biên phòng 409 Mường Nhé. Ðây là địa bàn rộng, số đông đồng bào là dân di cư tự do, có nhiều phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ðồn Biên phòng 411 được thành lập, không những giúp cho công tác quản lý địa bàn của Ðồn Biên phòng 409 được hiệu quả hơn; mà còn giúp bà con các dân tộc xã Mường Toong có điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị vùng biên.

Ðêm cuối năm, trong ngôi nhà sàn xinh xắn của ông Lường Văn Sin (sinh năm 1937, dân tộc Thái, bản Pa Tần, xã Pa Tần, huyện Mường Nhé), nội dung câu chuyện giữa chúng tôi ngược thời gian về buổi sinh thành. Rượu đến tuần thứ 5 ông Lường Văn Sin mới bồi hồi lục trong ký ức: Vào những năm 40 của thế kỷ trước, bước chân di cư đã đưa những người Thái trắng từ vùng đất châu Thuận (nay là huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đến đây. Ðúng là “đất lành chim đậu”, từ chưa đầy 20 “cánh chim” ly hương ban đầu, giờ Pa Tần có 66 hộ, 350 nhân khẩu và là một trong 9 bản của xã Pa Tần. Sau rất nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tháng 6/2003, Pa Tần là một trong 10 bản được công nhận danh hiệu bản văn hóa của huyện Mường Nhé...

Hôm nay, cùng với cán bộ và nhân dân xã Pa Tần, 14 xã bạn của huyện Nậm Pồ với những những điều kiện kinh tế - xã hội tương đối giống nhau tại điểm xuất phát, đã và đang kết thành một tập thể với những con người cần cù, chân chất, giàu đức tin và ý chí vươn lên. Vẫn biết trước mắt cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng xin hãy lấy quá khứ sinh thành mà so với hiện tại và nhìn vào hiện tại để vững tin về tương lai phía trước. Những khó khăn của một huyện miền núi, biên giới, vùng sâu, đất rộng, người thưa... là đương nhiên; nhưng tin rằng những khó khăn ấy sẽ dần qua đi, dẫu chẳng thể một sớm một chiều như nhiều người chúng ta mong muốn. Mường Nhé - Mường Chà và Nậm Pồ, theo ý tưởng thì chia tách là để phát triển, phát triển là để bát cơm ngon hơn và tấm áo đẹp hơn. Với ý nghĩa ấy, trong ngày vui hôm nay, xin hãy nắm lấy bàn tay nhau để nghe âm thanh rì rầm như bản nhạc muôn đời không dứt của sông Nậm Pồ - con sông đã trở thành tên huyện, đã và đang thao thiết chảy trong tình yêu của gần 53.000 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc nơi vùng đất biên viễn thủy chung...

Bài, ảnh: Hoàng Văn Công
Bình luận
Back To Top