Tuần Giáo chủ động phòng, chống thiên tai

08:41 - Thứ Hai, 25/06/2018 Lượt xem: 10595 In bài viết
ĐBP - Là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa lũ, do đó, hàng năm Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Tuần Giáo đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều hoạt động nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, giúp nhân dân trên địa bàn yên tâm lao động, sản xuất, ổn định đời sống.

 

Người dân xã Mường Mùn làm rọ sắt kè suối, ngăn nước tràn vào đồng ruộng khi mưa lũ xảy ra.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tuần Giáo, năm 2017, trên địa bàn đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài gây lũ ống, lũ quét làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Trong đó, có 2 người thiệt mạng, nhiều công trình điện, đường, trường trạm, cầu dân sinh bị ảnh ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, toàn huyện có trên 300 ngôi nhà thuộc 9 xã bị mưa và giông lốc quật đổ và ảnh hưởng (xã Quài Nưa bị ảnh hưởng nhiều nhất với gần 130 ngôi nhà, ước thiệt hại trên 700 triệu đồng). Cũng khoảng thời gian trên, hàng trăm héc ta lúa nước bị ảnh hưởng; ước thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay hàng tỷ đồng. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã động viên nhân dân yên tâm lao động sản xuất; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; vận động nhân dân, các tổ chức, lực lượng tại chỗ giúp người dân gia cố, dựng lại nhà cửa theo phương châm “4 tại chỗ”. Ðến nay, cơ bản cuộc sống người dân bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra đã ổn định trở lại.

Bên cạnh vấn đề đảm bảo an toàn về người và tài sản, huyện Tuần Giáo đặc biệt quan tâm đến vấn đề thông suốt các tuyến đường giao thông. Tuy nhiên, do phần lớn nguồn kinh phí đảm bảo giao thông huyện đã tập trung cho các tuyến đường trọng yếu, nên vào mùa mưa nguy cơ một số tuyến giao thông đi các xã bị sạt lở, lầy lội, gây ách tắc giao thông, cản trở đến lao động sản xuất, sinh hoạt, lưu thông vận chuyển hàng hóa của người dân rất lớn. Ðể giải quyết khó khăn đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng liên quan chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu những thiệt hại do mưa lũ gây ra; tu sửa các tuyến đường tại những nơi thường xuyên bị sạt lở.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, hàng năm huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động kiện toàn ban chỉ huy PCTT&TKCN ở địa phương. Thường xuyên tuyên truyền đến người dân về công tác phòng, chống lũ bão, giảm nhẹ thiên tai. Bên cạnh đó, rà soát để di dời những hộ có nguy cơ ảnh hưởng của lũ ống lũ quét, sạt lở đất và vận động nhân dân di chuyển đến nơi an toàn trước mùa mưa lũ. Khi xảy ra giông, lốc hoặc mưa lớn kéo dài, ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan túc trực 24/24 giờ để kịp thời ứng cứu.

Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Cuối năm 2017, huyện đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng phương án PCTT&TKCN cụ thể trong năm 2018. Trọng tâm là việc xây dựng các biện pháp cụ thể ứng phó với các loại hình thiên tai, như: lũ quét, ngập lụt; bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn; sạt lở đất; sấm, sét… Khi xảy ra thiên tai, căn cứ vào lịch trực của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, các thành viên phải trực 24/24 giờ tại cơ quan làm việc (kể cả ngày nghỉ); thường xuyên liên lạc, nắm bắt thông tin về tình hình thiên tai xảy ra ở cơ sở vào thời gian được giao trực để báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy qua cơ quan thường trực. Bên cạnh đó, các nhóm đã được phân công nhiệm vụ phải chủ động kiểm tra công tác PCTT&TKCN tại địa bàn phân công; kiểm tra phương án cụ thể tại các xã, bản. Kiểm tra các khu dân cư nằm trong vùng có nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất, các cơ sở y tế, trường, lớp học, thôn, bản, các công trình thủy lợi, hạ tầng, kỹ thuật… để có phương án di dời, ứng cứu và khắc phục.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top