Huyện Mường Nhé

Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn

10:56 - Thứ Tư, 04/07/2018 Lượt xem: 10200 In bài viết
ĐBP - Ðể nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, những năm qua, huyện Mường Nhé đã triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QÐ-TTg của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT), khảo sát nhu cầu học nghề, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức tuyển dụng lao động đào tạo nghề theo nhu cầu… Từ đó, góp phần nâng cao trình độ tay nghề và giải quyết việc làm cho LÐNT.

 

Áp dụng chương trình dạy nghề trồng Nấm vào thực tiễn, chị Khoàng Thị Trưởng, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé đã góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong ảnh: Chị Trưởng chăm sóc Nấm.

Ông Trần Việt Hòa, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé, cho biết: Theo thống kê, hiện nay đối tượng trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện là trên 23.000 người... do vậy, để từng bước thúc đẩy sự phát triển, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Ðảng bộ, chính quyền các cấp trong huyện coi trọng đó là việc giải quyết việc làm cho người dân, đặc biệt là thanh niên. Ðối với huyện Mường Nhé công tác đào tạo nghề cho LÐNT còn gặp nhiều khó khăn do học viên đều là người dân tộc thiểu số, tập quán sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp nên thường e ngại khi tiếp xúc với những kiến thức mới; nhiều lao động chưa thông thạo tiếng phổ thông, nhận thức về lao động, việc làm còn hạn chế nên giáo viên phải dạy theo phương pháp cầm tay chỉ việc.

Ðể công tác đào tạo nghề phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, huyện Mường Nhé đã tổ chức các lớp đào tạo dựa trên nhu cầu thực tiễn của người lao động; đồng thời gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng xã, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với các buổi họp thôn, bản về những chủ trương của Ðảng, Nhà nước, mục đích đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Ðặc biệt, tuyên truyền sâu rộng trong thanh niên, người trong độ tuổi lao động nhằm khuyến khích, động viên họ chọn nghề học, việc làm, thị trường tham gia xuất khẩu lao động góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Cùng với đó, Phòng chủ động phối hợp với các xã tiến hành rà soát, nắm bắt nhu cầu học tập, đào tạo nghề của lao động ở từng địa phương để mở lớp nghề phù hợp gắn với đời sống người dân... Ðể học viên yên tâm học tập, huyện Mường Nhé thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đối với lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật... 6 tháng đầu năm, huyện đã tổ chức đào tạo cho gần 100 học viên, gồm các lớp: Xây dựng, trồng rừng và khai thác rừng… đưa 16 lao động đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc và Ả Rập Xê Út; hiện đang hoàn tất thủ tục hồ sơ cho 4 lao động đi xuất khẩu nước ngoài.

Cũng theo ông Trần Việt Hòa, chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện từng bước được nâng lên… Học viên sau học nghề đã áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, góp phần làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Thời gian tới, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách hỗ trợ người lao động học nghề và tìm kiếm việc làm; tăng cường tuyển sinh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; phối hợp với các đơn vị trong và ngoài huyện mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương...

Ðến thăm hộ anh Giàng A Vàng, bản Ngã Ba, xã Mường Toong - điển hình trong phát triển kinh tế, áp dụng kiến thức đào tạo nghề vào thực tiễn, tăng thêm thu nhập. Chia sẻ với chúng tôi, anh Giàng A Vàng, cho biết: Năm 2013, tôi được tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt. Từ kiến thức tập huấn tôi đã áp dụng vào sản xuất, xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp lý; tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng định kỳ, đảm bảo môi trường sống cho gia súc, gia cầm. Hiện nay, gia đình tôi trồng gần 8.000m2 lúa; đào gần 4.000m2 ao cá; nuôi 5 con trâu và gia cầm các loại... trừ chi phí mỗi năm thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng. Từ đó, góp phần cùng với người dân trong bản thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top