Bao giờ Ðiện Biên Ðông hết “khát”?

08:23 - Thứ Năm, 05/07/2018 Lượt xem: 10792 In bài viết
ĐBP - Một trong những khó khăn nhất của huyện Ðiện Biên Ðông là thiếu nước sinh hoạt. Theo thống kê, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thiếu nước sinh hoạt trong cả mùa mưa và mùa khô. Vì vậy, nhiều người thường ví mảnh đất này như là “vùng đất khát”. Tình trạng này đã kéo dài từ nhiều năm nay. Ðể giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt, người dân phải đi bộ nhiều cây số để lấy nước từ các khe suối về dùng.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông, hiện nay tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra ở hầu hết 14/14 xã, thị trấn. Nghiêm trọng nhất phải kể đến các xã Sa Dung, Tìa Dình, Phình Giàng, Pú Nhi. Trong đó, Sa Dung là xã khó khăn nhất về nước sinh hoạt. Qua khảo sát, chúng tôi chứng kiến hầu hết các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn xã đều không có nước. Ngay cả những ngày vừa qua mưa nhiều, nhưng tình trạng thiếu nước sinh hoạt vẫn diễn ra phổ biến tại 19/19 bản của xã Sa Dung. Trong đó, Thẩm Mý A, B và Nà Sản A, B là những bản thiếu nước trầm trọng nhất.

 

Mặc dù đang là mùa mưa nhưng nhiều sông, suối trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông đều cạn nước. Nguyên nhân một phần do diện tích rừng của huyện những năm qua bị hủy hoại nhiều. Ảnh: Phong Vân

Anh Lầu A Sùng, Trưởng  bản Thẩm Mý A, xã Sa Dung, cho biết: Bản có 77 hộ dân, trong đó có 42 hộ nghèo. Năm 2004, bản được Nhà nước đầu tư 3 công trình nước sinh hoạt tập trung, tuy nhiên, đưa vào sử dụng chưa được một năm công trình đã không phát huy được công năng sử dụng. Một phần do không có nguồn nước, phần còn lại do việc sử dụng, bảo quản của người dân chưa tốt. Người dân phải đi lấy nước từ các khe suối, mó nước về dùng. Biết là nước này không hợp vệ sinh nhưng người dân vẫn bắt buộc phải sử dụng.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt không chỉ ở các bản, mà ngay cả khu vực trung tâm, trụ sở làm việc của UBND xã, trường mầm non, trạm y tế của xã Sa Dung cũng thiếu nước sinh hoạt. Ông Chá Chồng Chu, Chủ tịch UBND xã Sa Dung, cho biết: Ðược sự quan tâm của Nhà nước, năm 2007 khu vực trung tâm xã Sa Dung được đầu tư xây dựng 8 công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung, đặt tại bản Nà Sản A, trung tâm xã và Trường THCS bán trú Sa Dung. Thời gian đầu, khi mới đưa vào sử dụng, nguồn nước khá ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nước dần cạn kiệt dần, dẫn đến tình trạng thiếu nước. Ðể có nước sinh hoạt, nhiều bản cũng như các trường học trên địa bàn phải bỏ tiền mua máy bơm, bơm nước từ dưới khe suối lên; thậm chí phải mua từ 2 máy bơm trở lên để bơm nối tiếp, bởi nguồn nước từ dưới chân núi lên đến các bản rất xa, một máy bơm không đủ công suất để đưa nước lên được. Cả xã chỉ có 1 nguồn nước duy nhất nên không thể đảm bảo cung cấp cho tất cả các bản; trong khi đó địa hình xã Sa Dung là nơi cao nhất so với toàn huyện.

Cũng như Sa Dung, xã Pú Nhi cũng là khu vực “khát nước” của huyện Ðiện Biên Ðông. Mặc dù ở độ cao không bằng xã Sa Dung, thế nhưng những năm qua người dân trên địa bàn xã Pú Nhi vẫn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, kể cả những bản nằm ngay cạnh hồ chứa nước. Thống kê của UBND xã Pú Nhi cho thấy, hiện nay toàn xã chỉ có 16 bể nước sinh hoạt tập trung để phục vụ cho 20 bản, với gần 950 hộ và hơn 5.000 nhân khẩu, nhưng 8/16 công trình đã bị hỏng đường ống hoặc đầu nguồn thiếu nước. Như vậy, tính trung bình 8 bể hoạt động phục vụ cho 20 bản; bình quân hơn 2 bản sử dụng chung 1 công trình nước sinh hoạt. Thế nên vào mùa mưa nguồn nước dồi dào chưa chắc đã cung cấp đủ nước sinh hoạt cho tất cả người dân chứ chưa nói đến mùa khô.

 

Bể nước sinh hoạt tập trung tại bản Nà Sản B, xã Sa Dung đầu tư từ năm 2004, tuy nhiên đã nhiều năm nay bể nước này không có nước.

Ngoài Sa Dung và Pú Nhi là 2 trong số các xã thiếu nước trầm trọng nhất thì hầu hết các xã còn lại của huyện Ðiện Biên Ðông đều thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt trong mùa khô. Theo thống kê, huyện Ðiện Biên Ðông có gần 12.000 hộ dân với 60.511 nhân khẩu. Tuy nhiên, kết quả thực hiện bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho thấy toàn huyện chỉ có hơn 47.000 người được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (tương đương 74,4%). Ông Hoàng Văn Tịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông có 214 công trình nước sinh hoạt tập trung, tuy nhiên chỉ có 6 công trình hoạt động bền vững, 135 công trình hoạt động ở mức trung bình, 53 công trình hoạt động kém hiệu quả và 20 công trình không hoạt động. Ngoài nguyên nhân do ý thức bảo vệ công trình của người dân hạn chế thì việc khảo sát địa điểm, nguồn nước để xây dựng công trình cũng chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng công trình mới đi vào hoạt động một thời gian đã cạn nước. Bên cạnh đó, một nguyên nhân lớn dẫn đến khan hiếm nguồn nước sinh hoạt là do những năm gần đây, tình trạng hủy hoại môi trường rừng trên địa bàn khá lớn (hiện nay độ che phủ rừng của huyện Ðiện Biên Ðông đạt 25,02%, thấp nhất cả tỉnh), trong khi công tác trồng rừng hàng năm đạt tỷ lệ thấp.

Trước sự cấp thiết của việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt huyện Ðiện Biên Ðông, ngày 29/12/2016 UBND tỉnh đã có Quyết định 1615/QÐ-UBND, về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo quy hoạch của Dự án, huyện Ðiện Biên Ðông được phân khu dùng nước và điểm phân bổ thực hiện như sau: Các xã Na Son, Keo Lôm, Sa Dung và thị trấn Ðiện Biên Ðông sẽ dùng nguồn nước từ suối Lọng Chuông và suối Xam Măn; các xã ven sông Mã, gồm: Pú Hồng, Phình Giàng, Tìa Dình, Luân Giói, Mường Luân, Háng Lìa, Chiềng Sơ và Phì Nhừ dùng nguồn nước từ sông Mã, Huổi Không, Na Nay, Huổi Rũa, Huổi Ta và Nậm Mặn; các xã Noong U, Pú Nhi sẽ dùng nguồn nước từ suối Nậm Núa và Nậm Ngám.

Tình trạng thiếu nước đang diễn ra trầm trọng trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông hàng ngày ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng đời sống của người dân. Hy vọng rằng, thời gian tới cơ quan chức năng sẽ có hướng giải quyết nhu cầu cấp bách về nước sinh hoạt cho người dân nơi đây.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top