Ký ức bên sông

09:34 - Thứ Năm, 05/07/2018 Lượt xem: 10216 In bài viết
ĐBP - Ðã từ lâu, sông Nậm Rốm thân thuộc với bao người vất vả khai hoang, trồng cấy theo từng mùa con nước. Với nhiều gia đình ven sông thuộc địa bàn phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) thì các bãi màu từng là hơi thở, là nguồn sống. Nhưng giờ chỉ còn trong ký ức. Ðập tràn đóng, giờ đây dòng sông không còn lúc dâng, lúc cạn theo mùa như cô gái đỏng đảnh mới lớn; bãi bồi màu mỡ, xanh mướt nào ngô, nào rau ngày nào giờ là mặt hồ phẳng lặng.

 

Câu cá, thú vui mới của nhiều người dân bên bờ Nậm Rốm.

Ngược dòng thời gian hơn 20 năm trước, vào mùa khô là thời điểm mực nước dòng Nậm Rốm xuống thấp, nhiều đoạn trơ đáy. Hai bên bờ sông trở thành bãi bồi, lòng trơ sỏi to, nhỏ nằm phơi mình giữa sương nắng. Lòng sông bị thu hẹp, nhiều chỗ trở thành con khe nhỏ, có thể lấy đà để nhảy qua. Nước rút để lại hai bên sông phù sa màu mỡ. Chẳng mấy chốc cỏ cây cứ vươn dài, vươn cao um tùm. Có người bảo, mực nước lên xuống là chuyện của dòng sông, của đất trời. Ấy nhưng sự lên xuống của mực nước sông ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của không ít người dân. Chúng tôi được bà Hoàng Thị Hòa (sinh năm 1957), ở tổ dân phố 1, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) kể về những ngày dầm mưa dãi nắng khai hoang, phục hóa đất để trồng cấy bên sông hơn 20 năm qua. Trước đây, vợ chồng bà là một trong những người đầu tiên đến bãi bồi ven sông để khai hoang. Ðất ở đây tốt lắm. Tốt đến nỗi nhìn xuống không thấy chân, chỉ thấy cỏ mọc dầy, phủ kín mặt đất. Ngẩng lên trời là bạt ngàn cây gai, cây xấu hổ vươn dài cao quá đầu người. Không nản lòng, hai vợ chồng bà bắt tay khai phá 1.500m2 đất chỉ với 2 bàn tay, ông bà san những mô đất cao, phát dọn cỏ và những bãi cây gai phơi khô rồi đốt. Ròng rã 3 tháng trời cũng xong. Khu đất hoang sơ trở thành vạt ngô xanh rì bên sông.

Rồi bà Hòa kể cho chúng tôi nghe chuyện về những người cùng đi khai khoang, trồng màu như gia đình bà. Người có công khai phá diện tích đất màu lớn phải kể đến là ông Trần Văn Lật, nay đã 80 tuổi, ở tổ dân phố 10, phường Thanh Bình. Tìm gặp ông Lật, chúng tôi được ông cho biết: Khai hoang được khoảnh đất nào, ông vừa tính trồng cây gì, vừa lo đến mùa mưa chắc chắn nước dâng cao. Có năm, đến mùa mưa, nước sông dâng đột ngột, một đêm ngập hầu hết hoa màu của gia đình. Những vườn cải ngồng, giàn đỗ, cà chua… chuẩn bị vào mùa thu hoạch đều bị nước nhấn chìm. Vài ngày sau khi nước rút, gia đình ông Lật, bà Hòa lại bắt đầu vệ sinh bãi màu cho mùa vụ mới. Muốn trồng vụ mới phải tiến hành vệ sinh vườn, bù thêm đất, diện tích nào có thể tái sinh thì cần chăm sóc nhiều hơn. Phải mất nhiều tuần sau, ông Lật mới khôi phục được bãi bồi gần 4.000m2 của gia đình. Với các loại cây trồng trên diện tích bãi bồi ấy, hàng năm cho gia đình ông thu nhập ổn định 20 triệu đồng.

Lặng nhìn sóng nước, với ông Lật, giờ không còn những bãi bồi, những ruộng ngô, vạt rau xanh mướt cùng những vui buồn theo mùa nước đầy vơi. Dẫu biết canh tác gần bờ sông thật sự bấp bênh, là tự phát, thấp thỏm trong mùa nước. Nhưng vì kế sinh nhai, người dân ven sông đành chấp nhận. Bây giờ, đập đã xây, nước dâng tạo cảnh quan đẹp hơn, góp phần điều hòa không khí cho thành phố. Bao năm trôi qua ông Lật vẫn không thôi nhớ về quãng thời gian xăm xới, trồng cấy trên bãi bồi ven sông.

Chiều tà dần buông xuống dòng Nậm Rốm, màu xanh trù phú đã nhường lại cho sắc màu nước xám bạc. Tuy không còn bãi màu tươi tốt nhưng trái lại, với nhiều người lại xem đây là một tặng phẩm. Ðóng đập dâng nước đã tạo nên một mặt hồ rộng lớn. Ngày ngày, có hàng chục người ngồi buông cần câu bên đôi bờ sông. Câu cá đã trở thành thú vui của không ít người. Ða phần là cá chép, rô phi, trôi cỡ nhỏ, song cũng nhiều người câu được con cá nặng 2 - 3kg.

Sông nước mênh mông, bãi bồi trồng rau chỉ còn trong ký ức những người đã quá nửa đời người gắn bó với sông, sống nhờ sông.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top