Trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2018:

Tai nạn giảm, nhưng còn nhiều phức tạp

10:57 - Thứ Sáu, 06/07/2018 Lượt xem: 9848 In bài viết
Sáu tháng qua, tình hình tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, nhưng Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa nhận được báo cáo về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương... Đó là phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổ chức ngày 5-7.

Toàn quốc xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 6 tháng qua, toàn quốc xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người. So với 6 tháng đầu năm 2017, số vụ tai nạn giao thông giảm 594 vụ (giảm 6,19%), số người chết giảm 31 người (giảm 0,75%), số người bị thương giảm 908 người (giảm 11,44%). 

 

Ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông có vai trò quan trọng trong việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường ở Hà Nội.

Có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2017; có 26 địa phương có số người chết tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20% là: Quảng Nam, Kiên Giang, Điện Biên, Hậu Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đánh giá, 6 tháng đầu năm 2018, tình hình trật tự an toàn giao thông trên cả nước tiếp tục có chuyển biến tốt, tai nạn giao thông tiếp tục giảm ở cả 3 tiêu chí. 

Tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trật tự vỉa hè, lòng, lề đường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song tình hình tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, mức giảm tai nạn giao thông chưa đạt yêu cầu. 

Vẫn để xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là các vụ tai nạn đường sắt liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5-2018 đã gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, tình hình ô tô kinh doanh hợp đồng tổ chức hoạt động theo mô hình tuyến vận tải cố định, đặc biệt là việc đón, trả khách không đúng nơi quy định nội đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương tồn tại phức tạp, chưa xử lý dứt điểm. 

Tỷ lệ xe quá tải vẫn còn 10-12%, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng, mất an toàn giao thông. Hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe hiện vẫn đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông, với hơn 60% nạn nhân tai nạn giao thông vào cấp cứu tại bệnh viện có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn.

Trách nhiệm người đứng đầu các địa phương?

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, từ nay đến cuối năm 2018, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm để giảm ùn tắc; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức, quản lý giao thông, kiểm tra xử lý vi phạm, kết nối các hệ thống đèn tín hiệu và camera giám sát tại các nút giao thông.

 

Do làm tốt công tác kiểm tra và xử lý vi phạm, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực.

Cùng với đó là xây dựng bản đồ giao thông theo thời gian thực; có giải pháp cụ thể để khắc phục dứt điểm 10/37 điểm có nguy cơ và thường xuyên ùn tắc; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; tập trung xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động vận tải, các hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn; tăng cường xử phạt “nguội” qua hệ thống camera giám sát. 

UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ GT-VT xây dựng phần mềm thống nhất quản lý thông tin của hợp đồng vận chuyển hành khách đối với xe hợp đồng bằng phần mềm đăng ký thống nhất trên cả nước để các cơ quan, đơn vị có liên quan có thể kiểm tra trực tiếp, nghiên cứu sớm ban hành khung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các điều kiện, lộ trình hoạt động đối với xe ba bánh nói chung và xe ba bánh của thương binh nói riêng; sớm có quy định về tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy và quy định việc thu hồi các xe máy cũ, phát nhiều khí thải gây ô nhiễm môi trường. 

Đồng thời điều chỉnh hành trình các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh thông qua địa bàn TP Hà Nội (tuyến không có điểm đầu điểm cuối tại bến xe trên địa bàn thành phố) để giảm ùn tắc giao thông và hạn chế tình trạng xe khách lợi dụng để dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định...

Ghi nhận những kết quả đã đạt được, song Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ: Trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người thương vong. Cá biệt, trong vòng một tháng, đoàn tàu SE19 xảy ra 2 lần tai nạn rất nghiêm trọng, chưa xử lý triệt để các đường ngang dân sinh, lối đi tự mở qua đường sắt gây mất an toàn giao thông. 

Tình trạng xe dù, bến cóc tái diễn, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách cố định; ùn tắc tại các đô thị lớn đang có xu hướng tăng trở lại; vẫn còn tình trạng tiêu cực trong lực lượng thi hành công vụ như phản ánh của người dân và báo chí thời gian qua. 

Mặc dù để xảy ra nhiều vụ việc như trên, nhưng Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa nhận được báo cáo về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu tại các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm đối với việc xử lý lối đi tự mở qua đường sắt.

Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ nay đến cuối năm 2018, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các bộ, ngành, địa phương sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp trọng điểm như: Nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện; phối hợp nghiên cứu ban hành quy định bắt buộc kiểm tra tải trọng trước khi xuất hàng tại các đầu mối nguồn hàng (cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, đầu mối nông sản, khai thác vật liệu xây dựng). 

Tổ chức hoạt động tuyên truyền theo các chuyên đề: An toàn giao thông cho học sinh tới trường, người đi mô tô xe máy, an toàn giao thông đường cao tốc, đường đèo dốc, đường ngang giao cắt đường sắt, bến khách ngang sông...

6 tháng qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt đã giảm 5% so với cùng kỳ năm 2017 trên cả 3 tiêu chí. Cụ thể đã xảy ra 643 vụ tai nạn giao thông (giảm 45 vụ, tương đương 6,5%), làm 248 người chết (giảm 22 người, tương đương 8,1%), 443 người bị thương (giảm 123 người, tương đương 21,7%). Ùn tắc giao thông cũng đã giảm đáng kể với việc xử lý được 3/37 điểm. Không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top