Kỷ niệm ngày dân số thế giới (11/7)

Nâng cao chất lượng dân số để phát triển bền vững

08:32 - Thứ Tư, 11/07/2018 Lượt xem: 12235 In bài viết
ĐBP - Trong tiến trình đi lên của đất nước, việc nâng cao chất lượng dân số là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ vấn đề đó, thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số; đây là chìa khóa để mở cánh cửa phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng dân số, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng miền; làm chuyển biến về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong toàn xã hội được chú trọng. Bên cạnh đó, ngành chức năng tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) trong nhân dân.

 

Cán bộ dân số xã tư vấn về dân số - KHHGÐ cho người dân xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo). Ảnh: Văn Quyết

Hàng năm, chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGД đến vùng đông dân và vùng có mức sinh cao trên địa bàn tỉnh là một điển hình. Thông qua chiến dịch, nhiều phụ nữ đã được tiếp cận các dịch vụ, được tư vấn miễn phí về sức khỏe sinh sản, về công tác dân số. Riêng đợt I/2018, toàn tỉnh có 60 xã thuộc 8 huyện được triển khai chiến dịch. Tại đây, cán bộ y tế đã tư vấn, cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGÐ kết hợp siêu âm phụ khoa miễn phí cho phụ nữ. Các hộ gia đình cũng được sinh hoạt nhóm, phát tờ rơi; cán bộ y tế còn vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến trạm y tế xã để tư vấn chăm sóc sức khỏe; góp phần tạo điều kiện cho hơn 94% số phụ nữ mang thai được quản lý thai nghén (tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2017); tỷ lệ phụ nữ được khám thai 3 lần/3 kỳ, đạt 68,5% (tăng 6,9%); tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ tại cơ sở y tế đạt 57,7% (tăng 4,3%); tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ được cán bộ y tế chăm sóc đạt 83,2%...

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng dân số, 5 năm trở lại đây, chương trình khám sàng lọc sơ sinh đã được Tổng cục Dân số - KHHGÐ triển khai tại tỉnh Ðiện Biên và thí điểm tại 20 xã thuộc 4 huyện, thị, thành phố, gồm: Mường Ảng, Ðiện Biên, TX. Mường Lay và TP. Ðiện Biên Phủ. Ðây là một trong những yếu tố góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ tỉnh, cho biết: Mỗi năm, có hơn 500 trẻ được sàng lọc sơ sinh; trong đó, khoảng 6% bà mẹ mang thai và 10% trẻ sơ sinh được sàng lọc một số bệnh tật. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 1.000 trẻ được sàng lọc sơ sinh (phát hiện 21 trường hợp thiếu men G6PD). Sàng lọc, điều trị sớm đã giúp giảm số trẻ bị ảnh hưởng bởi các bệnh tật bẩm sinh, từ đó giúp giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chị Lường Thị Hoa, xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên) có con bị thiếu men G6PD, chia sẻ: Ðầu tháng 4, sau khi sinh con tại Trung tâm Y tế huyện, tôi được bác sĩ tư vấn về khám sàng lọc sơ sinh. Sau khi nghe xong, tôi đồng ý để bác sĩ lấy mẫu máu gót chân của con để kiểm tra sức khỏe. Khoảng trung tuần tháng 5, tôi nhận được giấy báo kết quả con mình bị thiếu men G6PD. Qua tìm hiểu, tôi biết đây là bệnh rất nguy hiểm, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều bệnh, như: Vàng da, vàng mắt, thần kinh, bại não… nặng có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, do phát hiện sớm nên cháu được điều trị kịp thời, sức khỏe tiến triển tốt.

Với nỗ lực của ngành Y tế tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh, đến nay, các chỉ tiêu kế hoạch dân số cơ bản đáp ứng tiến trình phát triển của xã hội. Tỷ số giới tính khi sinh 109,5 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên (vi phạm chính sách dân số) 19%, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; tỷ suất sinh 23%; tỷ suất sinh tự nhiên 16,25%; tỷ lệ phát triển dân số 1,58%...

Cùng với việc thực hiện các chiến dịch về dân số, để nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, tử vong trẻ em thông qua các giải pháp can thiệp và thực hiện các biện pháp dự phòng có hiệu quả, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 của tỉnh; cũng như kế hoạch thực hiện Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản Ðiện Biên giai đoạn 2016 - 2020, tháng 3/2018 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, hành động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2018 - 2020 với chỉ tiêu phấn đấu rõ ràng, cụ thể.

Quang Long
Bình luận
Back To Top