Mô hình vui chơi tư nhân

Cần định hướng phát triển bền vững

09:20 - Thứ Năm, 12/07/2018 Lượt xem: 11214 In bài viết
ĐBP - Nắm bắt nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trên địa bàn tỉnh vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, tết khá lớn, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các điểm vui chơi tư nhân trên diện tích đất của gia đình. Tuy nhiên, với hàng chục điểm vui chơi na ná nhau lần lượt mọc lên thì để có thể phát triển bền vững, ngoài tâm huyết, sự nhạy bén của những người kinh doanh cần có sự định hướng, đầu tư đồng bộ, khoa học.

 

Khu vui chơi C2, xã Thanh Yên hút khách vào những ngày hè, cuối tuần.

Cách trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ khoảng 17km, Tây Bắc Bách hoa viên (xã Sam Mứn, huyện Ðiện Biên) là một trong những điểm vui chơi thu hút khá nhiều người đến tham quan, trải nghiệm. Khuôn viên vui chơi rộng hơn 3ha trồng nhiều loại hoa theo mùa đua nở rực rỡ. Nói về những ngày đầu bắt tay xây dựng điểm vui chơi, chị Trần Thị Hiền, chia sẻ: Ban đầu gia đình có mảnh vườn trồng các loại hoa theo mùa, chủ yếu là hoa hồng để bán ra. Trước đây có ít người trồng hoa, bây giờ thì có rất nhiều hộ trồng. Hơn nữa những năm gần đây, nguồn hoa nhập từ các tỉnh: Ðà Lạt, Hà Nội, Sơn La về Ðiện Biên rất nhiều, sắc hoa bền, lâu tàn do được tẩm ướp nên số lượng hoa bán ra thị trường của gia đình giảm dần. “Cái khó ló cái khôn”, chị nhận thấy nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân vào ngày cuối tuần và dịp lễ, tết nên tận dụng diện tích vườn trồng hoa và đầu tư hơn 2 tỷ đồng quy hoạch, xây dựng thành một khu vui chơi đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Với hàng trăm gốc hoa các loại, nở quanh năm, hàng ngày gia đình phải huy động nhân công chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên. Tuy nhiên với các giống mới trồng chưa kịp bén rễ đã gặp thời tiết mưa dầm hay nắng nóng đều bị chết. Không nản lòng, chị lại trồng cây mới rồi chăm sóc cẩn thận. Thành công ban đầu là mô hình vui chơi của gia đình đã được đông đảo mọi người biết đến và tham quan. Khách đến vui chơi có nhu cầu mua hoa chị Hiền bán cả bông hoặc cây giống. Với quy mô hiện nay, trung bình mỗi tuần, điểm vui chơi của gia đình chị thu hút từ 50 - 80 khách đến tham quan. Và với mức giá 20 nghìn đồng/người lớn, để có thể thu hồi vốn đầu tư là chặng đường dài.

Ngoài sự tâm huyết, thực sự yêu công việc đang làm thì khó khăn lớn nhất của gia đình chị Hiền khi xây dựng mô hình này là nguồn vốn. Ðể tạo điểm nhấn mới lạ, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của khách về các dịch vụ theo kèm, gia đình chị Hiền đang mở rộng quy mô, đầu tư mô hình nhà vườn khép kín với một hội trường rộng rãi để tổ chức các sự kiện, họp mặt; căng tin phục vụ đồ ăn, nước uống và khu vui chơi của trẻ em với nguồn kinh phí lớn, dự kiến đến ngày 2/9/2018 sẽ khai trương.

Xây dựng điểm vui chơi tư nhân là cách làm kinh tế mới đang được khá nhiều người nhân rộng. Bởi vậy đã có không ít các điểm na ná như Tây Bắc Bách hoa viên mọc lên với các tên mỹ miều khác như: Tằng Quái lầu, Tằng Quái bay, Pha Ðin Pass, Tuyệt tình cốc…  Tương tự như mô hình của gia đình chị Hiền, điểm vui chơi rộng 1.5ha tại C2, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) cũng chỉ có vài điểm lý tưởng để chụp ảnh lưu niệm với những luống hoa rực rỡ sắc màu… Còn lại chưa có sự khác biệt, tạo ấn tượng cho khách ngoài bể bơi rộng 100m2. Hiện nay, vào mỗi dịp cuối tuần hay ngày lễ, điểm vui chơi ở khu vực C2, Thanh Yên cũng thu hút hàng chục khách đến tham quan, chụp ảnh. Là giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, chị Ðỗ Thị Thu Trang, một trong những chủ đầu tư điểm vui chơi, cho biết: Kinh doanh theo mô hình điểm vui chơi, giải trí vẫn chủ yếu theo mùa. Ngày thường hầu như không có khách. Tiền thu được từ lệ phí tham quan chỉ chi trả được phần nhỏ so với tổng mức đầu tư các hạng mục của mô hình.

Thực tế hiện nay, không chỉ các huyện, thị xã mà tại TP. Ðiện Biên Phủ cũng có rất ít công viên hay các điểm vui chơi công cộng. Các điểm vui chơi tư nhân nở rộ đã đáp ứng phần nào nhu cầu giải trí của người dân. Tuy nhiên, hầu hết các điểm này mới chỉ dừng lại ở việc chụp ảnh lưu niệm, khách đến ngắm hoa rồi về mà chưa có các loại hình dịch vụ từ ẩm thực đến lưu trú. Nhiều nhóm gia đình, bạn bè muốn nghỉ qua trưa hoặc dùng bữa trưa, bữa tối đều phải mang theo đồ ăn sẵn và nghỉ tại các lán, chòi tạm. Do vậy, để phát triển mô hình kinh doanh điểm vui chơi bền vững, ngoài tâm huyết của các chủ đầu tư cần có định hướng của các cấp, cơ quan chức năng; việc đầu tư cần đồng bộ, khoa học các loại hình dịch vụ... Ðặc biệt là có sự kết hợp, xây dựng tour tuyến song song với các điểm du lịch khác trên địa bàn. Mặt khác, những người làm kinh tế cũng cần tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về du lịch, dịch vụ để kinh doanh chuyên nghiệp hơn, bảo đảm phục vụ du khách hiệu quả, an toàn. Từ đó, không chỉ góp phần tạo thu nhập ổn định mà còn phát triển mô hình bền vững.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top