Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm mua bán người

09:25 - Thứ Tư, 18/07/2018 Lượt xem: 10298 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng vi phạm và nạn nhân bị mua bán, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng đó, Công an tỉnh đã có nhiều giải pháp đấu tranh, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân trước các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của tội phạm mua bán người.

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2015 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 44 vụ, 88 đối tượng về hành vi mua bán người; làm rõ 75 nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài. Phối hợp giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ 191 trường hợp, trong đó: 61 trường hợp là nạn nhân trong các vụ án mua bán người (49 nạn nhân được giải cứu, 12 nạn nhân tự trở về); 130 trường hợp nước ngoài trao trả (trong đó: 38 trường hợp được cấp giấy chứng nhận là nạn nhân bị mua bán và 92 trường hợp xuất cảnh trái phép do Công an Trung Quốc trao trả).

Ðể phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người, Công an tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, chương trình, kế hoạch chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong đó, trọng tâm là Kết luận số 07-KL/TU ngày 22/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TU ngày 1/11/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðiện Biên về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người” trên địa bàn toàn tỉnh; Quyết định số 225/QÐ-UBND ngày 26/2/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2016 - 2020… Trên cơ sở đó, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông lồng ghép với các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố, nhà trường để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm mua bán người; cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân, học sinh, sinh viên. Công an các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên phát động phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người; cam kết gia đình không có người tham gia hoạt động mua bán người... Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã tổ chức 142 buổi tuyên truyền cho 20.819 lượt người tham gia; phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an tổ chức 1 lớp tập huấn “Nâng cao năng lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người” cho 70 điều tra viên, trinh sát viên và trưởng công an xã; tổ chức 5 lớp tập huấn tại 5 xã trọng điểm về mua bán người cho 220 cán bộ xã; duy trì 28 hòm thư tố giác tội phạm tại các địa bàn trọng điểm. Công an tỉnh phối hợp với hội phụ nữ các cấp củng cố và duy trì hoạt động của các loại hình câu lạc bộ “Phòng, chống tội phạm”; “Phòng, chống tệ nạn xã hội”; “Phụ nữ với pháp luật”...

Thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh trao đổi thông tin, quản lý chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc đối tượng có dấu hiệu về hành vi mua bán người; tổ chức tốt việc tiếp nhận nạn nhân, phân loại đối tượng phục vụ công tác giải cứu nạn nhân bị lừa bán và điều tra, bắt giữ, xử lý các đối tượng phạm tội. Ðồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát các đường mòn, đường tiểu ngạch nhằm ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, đưa người ra nước ngoài bán. Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người với các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Hai bên thiết lập đường dây “nóng” để trao đổi thông tin, tình hình có liên quan và phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về; phối hợp cùng triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người qua biên giới...

Trong thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tính chất nguy hiểm hơn, Công an tỉnh xác định một số giải pháp trọng tâm như: Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đối với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người; phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao (phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên...). Lực lượng Công an thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người; tập trung lực lượng nhanh chóng điều tra, làm rõ, bắt giữ đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân bị mua bán. Ðồng thời, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với lực lượng an ninh các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top